Nhằm triển khai thực hiện Luật Thuế SDĐPNN đúng kế hoạch đề ra

15:47, 05/03/2012

Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) được thực hiện từ ngày 1-1-2012, để bạn đọc hiểu rõ hơn những điểm mới của Luật so với Pháp lệnh Thuế nhà đất, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Phạm Văn Chức, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh.

P.V: Thưa đồng chí, được biết, Luật Thuế SDĐPNN có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, đồng chí có thể cho bạn đọc biết những điểm mới của Luật so với Pháp lệnh Thuế nhà đất trước đây?

 

Đồng chí Phạm Văn Chức: So với Pháp lệnh Thuế nhà đất, Luật Thuế SD ĐPNN mở rộng đến tất cả các đối tượng sử dụng đất trong xã hội: từ các tổ chức được giao đất, cho thuê đất đến các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh hoặc để ở. Trong khi chính sách thuế nhà đất mới chỉ tập trung vào đất ở của một số đối tượng mà chưa tính đến đối tượng khác như: người sử dụng đất thuê của nhà nước, sử dụng đất được giao (vì mục đích phục vụ lợi ích công cộng) vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Về đối tượng nộp thuế, bổ sung thêm đất thuê của nhà nước để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp vào diện chịu thuế, nhằm đảm bảo công bằng giữa các đối tượng sử dụng đất. Những đối tượng không chịu thuế gồm 8 loại sau: đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm: đất thuộc nhà chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dụng; đất có công trình là đền, đình, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình của HTX phục vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối. Về nguyên tắc, người nộp thuế là các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn trên liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

 

Về căn cứ tính thuế, do đối tượng chịu thuế ở đây là đất phi nông nghiệp, nên các căn cứ tính thuế cũng phù hợp theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với xu thế thị trường, đó là: diện tích đất, giá của 1m2 đất theo mục đích sử dụng và thuế suất. Để thuận lợi cho người nộp thuế trong việc kê khai, tính thuế, Luật Thuế SDĐPNN còn quy định việc ổn định giá đất tính thuế trong thời gian 5 năm kể từ ngày 1-1-2012. Về diện tích đất tính thuế là diện tích đất phi nông nghiệp thực tế sử dụng; về thuế suất, Luật Thuế SDĐPNN quy định 4 mức thuế suất cụ thể: diện tích trong hạn mức: 0,03%; phần diện tích vượt không quá 3 lần: 0,07%; phần diện tích vượt trên 3 lần 0,15%; đất lấn, chiếm áp dụng thuế suất 0,2% và không áp dụng hạn mức. Nhằm đảm bảo thuận lợi nhất cho người nộp thuế; đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng trong công tác quản lý của cơ quan thuế, việc đăng ký khai thuế, tính thuế, nộp thuế đã được quy định rất cụ thể. Các trường hợp được miễn, giảm 50% số thuế phải nộp được quy định cụ thể tại Luật. Trong đó, các trường hợp được miễn, giảm thuế rộng hơn, đa dạng hơn: từ đất của hộ nghèo, gia đình chính sách, đến đất thực hiện dự án đầu tư thuộc diện ưu đãi đầu tư, đất nhà vườn được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, đất của các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực y tế, giáo dục văn hóa xã hội…theo diện xã hội hóa và ngoài công lập của người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại về đất và nhà trên  đất từ 20% giá tính thuế trở lên; đất ở của người bị thu hồi trong năm theo quy hoạch, kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

 

P.V: Đề nghị đồng chí cho biết, đến thời điểm này, tỉnh ta đã triển khai Luật Thuế SDĐPNN đến đâu và trong thời gian tới cần phải làm tiếp những công việc gì?

 

Đồng chí Phạm Văn Chức: Ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 153 ngày 11-11-2011 hướng dẫn về thuế SDĐPNN, ngày 15-11-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2899 về việc thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) và Tổ chuyên giúp việc BCĐ, BCĐ đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện và phân công cụ thể cho từng thành viên trong BCĐ và Tổ chuyên viên giúp việc. Qua gần 3 tháng triển khai thực hiện, đến thời điểm này đã đạt được kết quả nhất định , đúng kế hoạch đề ra: Tỉnh đã triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp dân cư trên các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện, thành phố, thị xã và đến tận tổ dân phố, các xóm về Luật Thuế SDĐPNN và các văn bản hướng dẫn thi hành, giúp cho người dân, tổ chức hiểu và tự giác thực hiện. Đồng thời các cơ quan Thuế các cấp đã tổ chức tập huấn xong cho các đối tượng là thành viên BCĐ, Tổ chuyên viên cấp tỉnh, huyện; bí thư, chủ tịch, cán bộ địa chính các xã, phường, thị trấn và đến tổ trưởng, bí thư chi bộ các xóm, phố; các tổ chức phải kê khai nộp thuế với 79 hội nghị và 4.710 lượt người tham gia. Bên cạnh đó đã hoàn thành việc cấp tờ khai đến các xã, phường, thị trấn và thông qua tổ, xóm tiến hành phát tờ khai đến tận hộ dân, hướng dẫn kê khai vào tờ khai theo đúng quy định, việc thu tờ khai của các hộ dân hoàn thành trước 30-6-2012. Cơ quan Thuế có vai trò là cơ quan thường trực của BCĐ nên từ văn phòng Cục Thuế đến các Chi cục thuế đã thiết lập xong các số điện thoại nóng để tư vấn và trả lời giải đáp vướng mắc của các hộ dân và tổ chức trong việc kê khai thuế SDĐPNN. Để hoàn thành tốt việc triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra, trong thời gian tới,  cơ quan Thuế - cơ quan thường trực của BCĐ, tiếp tục đề nghị với UBND tỉnh chỉ đạo công tác tuyên truyền Luật Thuế SDĐPNN trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo các ngành, các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc hướng dẫn kê khai, giải đáp tháo gỡ kịp thời các vướng mắc của cá nhân, tổ chức trong quá trình kê khai thuế. BCĐ tỉnh tăng cường công tác kiểm tra việc cấp phát tờ khai và hướng dẫn kê khai của BCĐ các huyện, thành, thị.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí.