Những cú lừa cay đắng từ hàng hóa làm sang Trung Quốc

08:55, 09/03/2012

Vòng Titan - Phật bà Quan Âm có công dụng chữa bách bệnh, dây chuyền vàng nano được tạo ra thù 36 miếng vàng gia công tỉ mỉ, bông hoa hồng mạ vàng 24k nguyên chất là món quà độc đáo tặng người thân yêu nhân dịp 14/2, 8/3…Nhưng chúng lại là những trò lừa đảo ngoạn mục đối với người tiêu dùng trong thời gian qua.

Vòng titan thần diệu: Lừa đảo trắng trợn


Xuất hiện trên thị trường Việt Nam từ năm 2009, vòng vàng “Titan – Phật Quan Âm” được quảng cáo trên nhiều kênh truyền hình địa phương, truyền hình cáp, do Công ty TNHH SPECAL - TV - SHOPPING (STV SHOPPING) - địa chỉ tại khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông (Hà Nội) - nhập khẩu và phân phối độc quyền.

 

Vòng


Theo quảng cáo: “Sản phẩm có chứa 99,99% titan và germanium, đã được hãng SGS của Thụy Sĩ kiểm định và chứng nhận không chỉ có công dụng chữa bách bệnh như trên mà vòng Titan còn được quảng cáo giúp người đeo luôn có tâm trạng thoả mái, phấn chấn, ngày càng trẻ trung…



Đặc biệt, càng đeo thì càng có cơ hội phát lộc, phát tài và phúc thọ. Bộ vòng này đã được nhiều minh tinh màn bạc Hollywood cũng như nhiều người trong giới quý tộc tin dùng vì công năng kỳ diệu của nó nhưng giá cho một bộ sản phẩm gồm 2 vòng đeo tay và 2 dây chuyền khuyến mãi còn 999.000 đồng (giá không khuyến mãi là 1.688.000 đồng).  



Sau khi bị các cơ quan chức năng “sờ gáy” thì sự thật về chiếc vòng mới được làm rõ. Thực chất chiếc vòng vàng “Titan - Phật Quan âm” chỉ có giá 32 nhân dân tệ/20 bộ sản phẩm (tương đương 4.000 đồng/bộ sản phẩm) và do công ty TNHH SPECIAL TV SHOPPING mua từ Công ty đồ trang sức Thâm Quyến (Trung Quốc).



Mặt khác, theo kết quả giám định Viện Khoa học mỏ luyện kim cho thấy vòng vàng “Titan - Phật Quan Âm” có tới 71,31% là sắt, chỉ có 2,8% titan còn lại là các tạp chất, không tìm thấy nguyên tố germaniums, chứ không phải chứa “99,99% titan và germanium" như quảng cáo.



Dây chuyền vàng nano: Chiêu “móc túi” người tiêu dùng



Trên các kênh truyền hình của đài truyền hình trong tháng 3/2011 rao rỉ rả suốt ngày về sản phẩm vòng đeo cổ cao cấp với tên gọi “vàng nano”, “kim cương nhân tạo”.



Lời quảng cáo như rót mật vào tai: “Trải qua bao nhiêu năm nghiên cứu ra kỹ thuật kim loại nano, đó chính là dây chuyền vàng nano, sử dụng kỹ thuật nano, kết hợp với 24 loại kim loại quý khác, dưới tác động mạnh sản phẩm cũng không bị biến dạng, vòng không bị đổi màu, giúp cho vòng nano lấp lánh cả ngày lẫn đêm.



Vòng được chính nhà thiết kế trang sức với 10 năm kinh nghiệm thiết kế. Dây chuyền vàng nano được tạo ra từ 36 miếng vàng gia công tỉ mỉ…

 

“Dây chuyền vàng nano” và viên “kim cương nhân tạo” (nguồn: Thanh niên)
“Dây chuyền vàng nano” và viên “kim cương nhân tạo”

 

Sản phẩm này trị giá 1.380.000 đồng, hãy đặt mua trong vòng 5 phút, chúng tôi còn tặng cho các bạn dây chuyền bạc nano trị giá 1 triệu đồng”.



Thế nhưng, thực tế mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc và bán bởi Công ty TNHH một thành viên trang sức Ngọc Bích (địa chỉ: 128F Phạm Văn Hai, P.3, Q.Tân Bình, TP.HCM).



Sau khi đem mẫu sản phẩm vòng đeo cổ mã J00005AA (nữ) đến kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Báo Thanh niên phản ánh: hàm lượng đồng chiếm 63,3%, kẽm chiếm 36,3%, số còn lại cũng gồm niken, chì, sắt, titan, thiếc mỗi loại khoảng từ 0,01 - 0,21%.



Bên cạnh đó, thành phần chính của dây chuyền trong “dây chuyền kim cương nhân tạo" là sắt (Fe) chiếm 68,1%, còn lại là những hàm lượng khác như silic, crôm, mangan, niken, đồng, thiếc... chiếm hàm lượng từ 0,01 đến 17,5%. Tuyệt nhiên không hề có hợp kim vàng.



Hơn thế nữa, giá nhập khẩu của đơn vị này kê khai với hải quan chỉ từ 4,2 đến 38,5 USD/cái, trong đó rất nhiều mặt hàng ở mức giá khoảng 20 USD. Nếu quy theo tỷ giá USD/VND hiện tại, giá nhập thấp nhất chỉ khoảng từ 88 ngàn đồng/sản phẩm, cao nhất khoảng 800 ngàn đồng/sản phẩm và bình quân hơn 400 ngàn đồng/sản phẩm. So với giá bán “rẻ 50% như quảng cáo ở trên”, quả thật người mua hàng đã bị “chém đẹp”.



Hoa hồng mạ vàng 24k nguyên chất: Chỉ là đồ rởm



Có mặt tại Hà Nội từ hai năm nay, nhưng tới thời điểm 8/3/2012, những bông hoa hồng mạ vàng 24k nguyên chất được làm quà tặng người thân nhân dịp các ngày lễ vẫn không ngừng tạo nên “cơn sốt”.

 

Hoa hồng mạ vàng trở thành
Hoa hồng mạ vàng trở thành "cơn sốt" trên thị trường quà tặng dịp 8/3 năm nay

 

Với những lời quảng cáo có cánh: “Mỗi bông hoa hồng đều được tạo ra dưới đôi bàn tay lành nghề và tỉ mỉ của các nghệ nhân, với trên 40 công đoạn khác nhau trong 4 ngày làm thủ công cho từng cánh hoa, từng chiếc lá rồi kết hợp tất cả lại, để tạo nên một bông hoa tuyệt tác” nhiều người đã bị hút hồn, sẵn lòng rút hầu bao chi trả hàng triệu đồng để mua bằng được bông hoa hồng mạ vàng.



Tạo lòng tin đối với khách hàng, bên trong vỏ hộp đựng bông hoa hồng mạ vàng còn có một tờ giấy kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm trang sức tỉnh Quảng Đông ghi rõ cánh hoa và lá được làm từ vàng 24K nguyên chất, thân mạ vàng 24K, trọng lượng 3,7 - 4 gram có giá từ 1 triệu đến 1,8 triệu đồng tùy vào kích cỡ hoa hồng nhỏ, trung và lớn.



Theo giới thiệu của các nhà phân phối đây là mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Trung Quốc, được chế tác từ vàng miếng nguyên chất, qua nhiều công đoạn tạo thành một bề mặt vàng mỏng.



Tuy nhiên, chỉ bằng phương pháp hóa học phân tích định tính, người tiêu dùng sẽ xác định được ngay bông hoa hồng mạ vàng có được làm bằng vàng thật hay không.



Đầu tiên, lấy một cánh hoa, và 1 chiếc lá (theo lời quảng cáo được làm bằng vàng 24k nguyên chất) trong bông hồng vàng cho vào cốc thủy tinh. Sau đó dùng nước cất 2 lần rửa sạch.

 

Bằng phương pháp hóa học phân tích định tính sẽ cho ngay kết quả trên giấy lọc dung dịch sau khi được cô lại cho kết tủa màu đen (khác với kết tủa màu nâu của vàng thật)
Bằng phương pháp hóa học phân tích định tính sẽ cho ngay kết quả trên giấy lọc dung dịch sau khi được cô lại cho kết tủa màu đen (khác với kết tủa màu nâu của vàng thật)

 

Bước thứ hai, cho axit nitric (HNO3) cùng với nước cất vào trong cốc thủy tinh, đem đun nóng nhằm loại trừ các kim loại khác. (Vì các kim loại khác sẽ bị tan hết trong HNO3, riêng vàng không bị tan). Quan sát thấy trong cốc thủy tinh, cánh hoa và lá không bị tan chảy, bước đầu chứng tỏ có vàng.



Bước thứ ba, đem cánh hoa và lá hoa vào nước cường thủy (hỗn hợp axit nitric (HNO3) và Axit Clohidric (HCl) tỉ lệ 1:3). Sau đó, đun sôi để bay axit, cô lại tạo thành muối và kiểm tra.



Lấy tờ giấy lọc, tẩm dung dịch thử vàng (tirava) vào rồi để khô. Sau đó lấy một ít dung dịch được cô lại từ cốc thủy tinh chứa cánh và lá hoa hồng mạ vàng trên thị trường cho vào mẫu thử. Để một lúc nếu thấy trên trung tâm tờ giấy lọc cho kết tủa màu nâu nhạt thì đó là vàng thật, nếu cho kết tủa màu đen thì không phải vàng.



Làm lại 3 lần với dung dịch cô được từ cánh và lá hoa hồng mạ vàng đều cho ra kết tủa màu đen. Do đó kết luận đây là kim loại khác, không phải vàng.



Như vậy, sự thật đã sáng tỏ. Bông hoa dát vàng không đúng như những lời quảng cáo mà chỉ là trò lừa đảo ngoạn mục, nhằm “móc túi” người tiêu dùng.