Cha bầm gan, tím ruột, lòng mẹ như có muối chà, khi quyết định bỏ ra 3 triệu đồng mua sắt thép về hàn cái “chuồng cọp” để nhốt đứa con đứt ruột đẻ ra, chỉ vì nó trót đi lầm đường.
Nó nghiện - đường về thật mong manh! Biết vậy, nhưng còn nước còn tát, ông bà Mỳ quyết tâm cứu con bằng một hình thức cai nghiện khắc nghiệt nhất mà tôi biết - nhốt con trong lồng sắt suốt 3 năm trời. Ông tâm niệm, thà mang tiếng ác, nhưng may ra cứu được con; để con chết trong tay mình, còn hơn phải nhặt xác con về chôn! Ngày chúng tôi đến thăm, nhìn đôi vợ chồng già, tôi cảm nhận được sự vất vả, khắc khổ vẫn hằn sâu trên gương mặt, nhưng trong đôi mắt đã ánh lên niềm vui và hạnh phúc.
Nhốt con vào lồng sắt…
Vợ chồng ông bà Trần Văn Mỳ, Đào Thị Tuyết ở tổ 15, phường Tân Thành (thành phố Thái Nguyên), sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái). Cuộc sống có phần dư giả nhờ bà đảm đang, tần tảo, còn ông có tay nghề cao trong việc sửa chữa xe máy. Con gái lớn đến tuổi thì gả chồng, các con trai thì được ông truyền lại cho cái nghề để tự mưu sinh.
Trần Anh Tuấn là con trai cả trong gia đình, nên sớm được bố mẹ tạo dựng cho một cơ nghiệp khá ổn định, hơn 20 tuổi, Tuấn đã là “ông chủ” của một cửa hàng sửa chữa xe máy khá lớn với dinh cơ riêng ở gần chợ Hanh (xã Thượng Đình - Phú Bình). Nhưng cũng chính bởi cái sự “đàng hoàng” quá sớm của Tuấn đã khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa thầm ghen tị, những đứa bạn xấu muốn lôi kéo Tuấn vào cuộc chơi, để có “nguồn” tài trợ. Mới đầu chỉ là những bữa ruợu, mời nhau điếu thuốc lá thơm… mà Tuấn có đâu ngờ, trộn trong mỗi điếu thuốc lá là thứ bột trắng chết người (hê-rô-in). Tuấn nghiện lúc nào không hay. Biết thế là hết, là chết, nhưng Tuấn không đủ bản lĩnh để thừa nhận với cha mẹ và “rút” chân ra khỏi vũng lầy, Tuấn lao vào cuộc chơi cho thỏa cơn nghiền và quyết định lấy vợ để che lấp sự hoài nghi của bố mẹ.
Nhưng linh cảm vẫn mách bảo cho bà Tuyết biết, con bà đang có sự thay đổi rất lớn theo chiều hướng xấu, bởi nó thường đi sớm về khuya, bỏ bê việc làm ăn, hay cãi vã với vợ con... Bà Tuyết đã dành nhiều thời gian âm thầm theo dõi con. Con đi, mẹ cũng đi, con đi trước, mẹ theo sau; con đi nhanh, mẹ phải chạy mới kịp, có lần bà Tuyết không may bị vấp ngã giữa đêm khuya, tưởng không còn đủ sức để gượng dậy mà gọi con về. Nói về nỗi thống khổ của người cha, người mẹ khi có con mắc nghiện ma túy thì không có giấy mực nào tả hết, chỉ biết rằng, khi cửa hàng sửa chữa xe máy của Tuấn bị “xóa sổ” là lúc nỗi uất ức của ông bà Mỳ cũng lên đến cực điểm. Không thể nhìn thấy con chết dần chết mòn mà không cứu, nhưng cứu bằng cách nào đây? Ông lên mạng tìm hiểu, tham khảo qua sách, báo và quyết định “hành động” theo cách của một người Trung Quốc đã cai nghiện cho con thành công. Ông bà Mỳ đã tổ chức họp đại gia đình để thông báo việc Tuấn đã nghiện ma túy và nói rõ ý định cũng như phương pháp cai nghiện cho Tuấn. Sau khi gia đình thống nhất quan điểm, ông bà Mỳ đã viết đơn gửi lên cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ dân phố xin được tự cai nghiện cho con bằng cách nhốt vào lồng sắt.
Được chính quyền địa phương chấp thuận, ông bà Mỳ đã bỏ ra 3 triệu đồng để mua sắt thép về tự hàn lấy chiếc lồng sắt rộng khoảng 2m2, đủ chỗ cho Tuấn nằm, ngồi, còn đứng là phải khom lưng. Nhiều người biết chuyện cho rằng, việc đó “ác” và khó thành, nhưng thật bất ngờ, Tuấn lại ngoan ngoãn chui vào lồng sắt. Tự tay nhốt con vào lồng sắt, tuy vẻ ngoài ông Mỳ tỏ ral ạnh lùng, nghiên nghị, nhưng lòng ông như có sóng gào; còn bà Tuyết, ăn không còn thấy ngon, ngủ không được yên giấc. Hơn một tuần sau, tình thương con đã chiến thắng “thử thách”, ông Mỳ lại đích thân mở khóa cho con ra.
Thương con, tin con, đó là thứ tình cảm thiêng liêng nhất của các bậc làm cha làm mẹ mà không có thứ tình cảm nào có thể so sánh được, nhưng đối với những đứa con lầm đường lạc lối thì đây lại là điểm yếu nhất của cha mẹ để chúng dễ bề lợi dụng. Tuấn lại thuyết phục được cha mẹ cho anh khôi phục lại cửa hàng sửa chữa xe máy. Nhưng rồi, thời gian không lâu, tất cả lại lần lượt “bay” theo làn khói trắng. Sự thất bại ở lần đầu cai nghiện cho con, khiến nỗi buồn đau trong lòng ông bà Mỳ thêm trĩu nặng, song nó càng hối thúc ông bà phải quyết tâm hơn nữa, cứng rắn hơn nữa. Và Tuấn đã phải nằm trong lồng sắt tới 3 năm, không được chui ra khỏi lồng vì bất cứ một lý do gì, kể cả ngày giỗ, Tết. Mọi sinh hoạt tối thiểu của Tuấn đều gói gọn trong 2m2 lồng sắt. Bà Tuyết dành gần trọn vẹn thời gian trong ngày để chăm sóc, hầu hạ Tuấn như một đứa trẻ, từ việc ăn uống, giặt giũ đến bưng bô, đổ phân…
Sống trong lồng sắt được hơn 1 tháng, Tuấn bắt đầu ăn ngon, ngủ yên, thời gian thức thì nghe đài, xem ti vi, đọc sách, báo. Dù vậy, nhưng làm người quản giáo không công, lòng người mẹ muôn phần tê tái, héo hon từng ngày; ông Mỳ thêm gầy guộc, khắc khổ. Được hai năm sống trong lồng sắt, vợ Tuấn đồi ly dị. Tòa án thành phố đã cắt cử cán bộ về tận “chuồng cọp” để xử ly hôn cho vợ chồng Tuấn. Tình thương lại gầm gào, hối thúc trong lòng, ông Mỳ đề xuất với vợ “Thôi thả thằng Tuấn ra!”. Bà Tuyết nhói lòng, nhưng dứt khoát “Cố thêm một năm nữa, tôi mới yên tâm!”. Trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn dăm ngày, Tuấn “trở về”, cả gia đình đoàn tụ đón một cái Tết thật nhiều niềm vui và ý nghĩa sau hơn một nghìn ngày cai nghiện cho Tuấn thành công. Bà con lối phố ai cũng phấn khởi, chúc mừng ông bà Mỳ.
…để đường về thênh thang
Hôm chúng tôi đến, Tuấn đang bận rộn với việc khai trương cửa hàng sửa chữa xe máy ở gần chợ Hanh. Không cần giới thiệu, chúng tôi đã nhận ra người thanh niên có gương mặt khá điển trai, hiền lành, có nước da trắng là Tuấn. Tuấn nói năng điềm đạm, nhẹ nhàng và có phần rất tự tin, thoải mái, không có sự e dè, mặc cảm.
- Em có dám khẳng định là sẽ không tái nghiện nữa không? Tôi hỏi.
- Chị biết đấy, bố mẹ đã quá vất vả, khổ sở vì em. Để có được kết quả như ngày hôm nay, bố mẹ giúp đỡ em phần lớn, nhưng trong đó cũng là cả sự quyết tâm của em nữa. Nếu em không ngoan ngoãn chui vào lồng sắt thì có lẽ em đã chết từ lâu rồi. Những thằng bạn của em ngày trước, giờ đã chết gần hết vì tiêm chích ma túy. Giờ em phải tu trí làm ăn để làm lại cuộc đời, 37 tuổi rồi, sẽ kkhông phải là quá muộn phải không chị!
- Khi nằm trong cũi sắt em nghĩ gì?
Ban đầu em cũng ấm ức với bố mẹ lắm, nên nhiều lúc cũng có suy nghĩ tiêu cực. Song em đã dần dần hiểu ra, chỉ có cách này mới có thể giúp em cự tuyệt được với ma túy. Thật sự, khi ngồi trong cũi sắt, em cũng không biết bao nhiêu năm thì bố mẹ sẽ thả em ra, nhưng em chấp nhận tất cả vì hy vọng có cơ hội làm lại cuộc đời. Những tháng, ngày sống trong lồng sắt, em không có cảm giác bị bỏ rơi, bố mẹ, anh em họ hàng, cô dì, chú bác ở tổ dân phố, ở phường… thường xuyên qua lại thăm hỏi, động viên em. Hằng ngày, những cô, bác đi chợ cũng ghé qua hỏi thăm, động viên. Khi em ra khỏi lồng sắt, mọi người đều đến chúc mừng, khen ngợi. Ai cũng gần gũi, thân thiện, khiến em không còn mặc cảm, tự ti.
Bác Ngô Xuân Bách, Tổ trưởng tổ dân phố 15 khẳng định: Gia đình ông bà Mỳ là một gia đình sống có văn hóa, được bà con lối xóm quý mến, nể trọng, dù có con trai bị nghiện ma túy. Nhưng gia đình đã biết đoàn kết một lòng để giúp Tuấn thoát khỏi con đuờng lầm lỡ. Bên cạnh đó, nhờ có nghị lực, lòng quyết tâm, đã giúp Tuấn chiến thắng sự cám giỗ của ma túy. Xóm tôi có 7 người mắc nghiện thì đã chết 3, toàn ở độ tuổi thnah niên, gây tổn thất, đau thương rất lớn cho gia đình. Nay gia đình bác Mỳ đã tự cai nghiện thành công cho con, tôi thấy rất đáng được biểu dương, khen ngợi và nhân rộng. Năm 2011, cả tổ dân phố đã nhất trí bình bầu gia đình ông Mỳ đạt danh hiệu gia đình văn hóa tiêu biểu.
Câu chuyện bị gián đoạn khi có khách đến nhờ Tuấn sửa giúp chiếc xe máy bị hỏng. Tuấn nhanh nhẹn cho xe vào cửa hàng, tay thoăn thoắt chuẩn bị đồ nghề… Bà Tuyết nhìn chúng tôi nở nụ cười tươi rói, khiến cả gương mặt rạng lên niềm hạnh phúc khó tả…