Ổn định đời sống người dân vùng thiên tai

08:32, 10/03/2012

Trên 29 tỷ đồng là số tiền người dân xã Văn Yên (Đại Từ) được hưởng  từ Dự án di dân vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu tái định cư, phấn đấu đến cuối năm nay có thể di chuyển 80 hộ dân vào sinh sống…   

  

Văn Yên là xã có địa hình phức tạp, núi cao xen kẽ, nhiều dòng chảy lưu lượng lớn từ rừng núi Tam Đảo đổ về. Vậy nên, vào mùa mưa, ở Văn Yên thường xảy ra các trận lũ quét, lũ ống làm sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Đặc biệt, nhân dân các xóm: Mây, Cầu Găng, Bậu, Giữa, Kỳ Linh sinh sống hai bên bờ suối Cái nhiều năm nay luôn phải ở trong tình trạng sống chung với lũ. Ông Vũ Xuân Đạo, Trưởng xóm Mây cho biết: Cả xóm có 130 hộ dân, trong đó có gần 20 hộ nằm trong vùng lũ. Mỗi năm, khi mùa lũ vê, nước dâng tràn lên cả tuyến đường liên xã Văn Yên - Mỹ Yên. Lũ ở đây diễn biến nhanh, mang tính bất ngờ và khốc liệt, cuốn theo đất đá, cây cối... theo dòng lũ. Trong lịch sử các trận lũ tại địa phương thì có 2 trận lũ vào năm 1978 và năm 2007 là có sức tàn phá lớn gây sụt lở, trôi nhà của hàng chục hộ dân, kèm theo đó là lương thực, thực phẩm, hoa màu, tài sản, may chưa có thiệt hại về người.

 

Trong căn nhà tạm bợ, ông Dương Đức Hiệp, ở xóm Cầu Găng hồi tưởng: Con suối Cái ngày trước nhỏ, sau nhiều trận lũ, nước lớn về xoáy vào đất của dân gây sạt lở khiến dòng suối trở nên rộng hơn, các mố cầu hầu hết cũng bị xói lở nghiêm trọng. Nhà tôi ở ngay bên suối nên cứ vào mỗi mùa mưa, nhất là những ngày mưa kéo dài là cả gia đình luôn nơm nớp lo sợ, có nhiều đêm cả nhà phải đội mưa sang hàng xóm trú nhờ vì sợ lũ ống, lũ quét tràn về kéo phăng cả nhà cửa đi. Trước đây, lũ về chỉ gây ngập úng trên diện rộng trong thời gian dài ngày, đến nay chỉ một vài giờ lũ đã về rất nhanh, sức phá huỷ lớn, cuốn trôi tất cả. Giải thích về sự bất thường đó, ông Hiệp cho rằng đó là do sự tàn phá tài nguyên rừng của con người. Ngày trước, mỗi khi mưa to, rừng có thảm thực vật dày, phong phú nên giữ nước tốt, còn nay chủ yếu là rừng sản xuất mới trồng, khả năng giữ nước kém…

 

Cùng trong tâm trạng lo lắng, ông Lê Đăng Thái, ở xóm Cầu Găng cho biết: Mỗi khi lũ về ban đêm, cả gia đình tôi  lại phải dậy tháo dỡ mái nhà xuống, di chuyển hết người và tài sản sang trú tạm ở nơi an toàn. Nhiều lúc cám cảnh, muốn chuyển nhà sang chỗ khác nhưng không có điều kiện. Tôi chỉ mong được Nhà nước quan tâm tạo điều kiện giúp gia đình di chuyển đến sinh sống ở vị trí khác an toàn hơn...

 

Theo quan sát của chúng tôi, do phải sống chung với lũ nên hầu hết các căn nhà dọc theo đôi bờ suối Cái chỉ được người dân làm tạm bợ. Nhà cấp 4, tường xây bằng đá suối, vôi và gạch vồ (loại gạch do người dân tự làm gồm đất, đá, sỏi và vôi trộn vào), mái lợp tấm Prôximăng. Trong những ngôi nhà này hầu như không có tài sản giá trị nào. Điều kiện ăn ở ẩm thấp, mất vệ sinh. Con suối Cái vào mùa mưa thì hung dữ, còn bình thường thì bị ô nhiễm do người dân thiếu ý thức vứt tất cả rác rưởi xuống, nhất là xác gia cầm chết nổi lềnh phềnh…

 

Với những khó khăn trên, xã Văn Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án di dân vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg từ năm 2006 với tổng kinh phí trên 29 tỷ đồng. Do việc bố trí nguồn vốn gặp nhiều khó khăn nên đến ngày 26-9-2011, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra Quyết định số 1680/QĐ-TTg về việc hỗ trợ kinh phí di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lở đất, lũ ống, lũ quét, trong đó xã Văn Yên được cấp kinh phí giai đoạn 1 là 15 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định trên, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2487 ngày 4-10-2011 về việc giao kế hoạch vốn thực hiện đầu tư di dân vùng thiên tai có nguy cơ lũ ống, lũ quét ở xã Văn Yên. Dự án này được giao cho Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư, UBND xã Văn Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Dự án và Ban Giám sát cộng đồng theo đúng quy định. Trên cơ sở được phê duyệt, xã Văn Yên đã quy hoạch khu tái định cư của Dự án di dân vùng thiên tai tại xóm Dưới 1 với quy mô rộng 2,6ha. Đến nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư đền bù giải phóng mặt bằng được 80% diện tích, hỗ trợ 35 hộ dân (trong tổng số 45 hộ dân bị ảnh hưởng) với số tiền trên 1 tỷ đồng. Có mặt trên công trường xây dựng, chúng tôi được chứng kiến không khí lao động khẩn trương của những người thợ. Anh Trần Ngọc Tú, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Khi nhận công trình này, đơn vị thi công chúng tôi (Doanh nghiệp tư nhân Duy Tùng) đã hiểu rõ ý nghĩa của Dự án nên huy động toàn bộ máy múc, ô tô chuyên chở hiện có, làm việc cật lực từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm hàng ngày. Công trình được khởi công tháng 11-2011, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6 tới. Các hạng mục gồm: san nền, làm đường giao thông, đường thoát nước trong khu tái định cư sẽ được chúng tôi hoàn thành đúng tiến độ…

 

Là người đã từng tham gia vật lộn với dòng nước lũ để cứu người và tài sản của nhân dân, đồng chí Vũ Quyết Tiến, Chủ tịch UBND xã Văn Yên trải lòng:  Khu tái định cư được bố trí quy hoạch xây dựng tại xóm Dưới 1, trước đây là vùng rừng núi rậm rạp có tên là núi Bờ Ngăn theo cách gọi của người dân địa phương. Một số cụ già ở đây giải thích sở dĩ núi có tên Bờ Ngăn bởi đây là khu vực ngăn cách giữa 2 xã Văn Yên và Ký Phú. Sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng, đây sẽ là một khu dân cư kiểu mới ở nông thôn, có khu nhà trẻ, nhà văn hóa, đất trồng cây xanh, hệ thống nước sạch, đèn chiếu sáng, đường dân sinh rộng 12m. Khoảng 80 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở của xã đến cuối năm nay có thể di chuyển đến xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống trong khu dân cư này...

 

Khi nhận được thông tin này, ông Lý Văn Cảnh, ở xóm Cầu Găng vui mừng cho biết: Nếu được ra khỏi vùng nguy hiểm, lại được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, gia đình tôi sẽ chuyển ra nơi ở mới. Tuy có hơi xa nơi sản xuất một chút nhưng vào những ngày mưa bão người dân chúng tôi không còn phải lo nữa. An cư rồi, cứ chịu khó chăm lo sản xuất, cuộc sống sẽ dần khấm khá lên…