Hiện nay, hoạt động của các đối tượng khai thác, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái phép trên địa bàn ngày càng tinh vi đã và đang gây trở ngại không nhỏ cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng…
Hiện nay, hoạt động của các đối tượng khai thác, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái phép trên địa bàn ngày càng tinh vi, có tổ chức hơn trước, đã và đang gây trở ngại không nhỏ cho các lực lượng chức năng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Ông Ngô Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã dành thời gian thông tin rõ hơn với chúng tôi về vấn đề này.
PV: Ông có thể cho bạn đọc biết đôi nét về công tác xử lý các trường hợp vi phạm Lâm luật trên địa bàn thời gian gần đây?
Ông Ngô Xuân Hải: Có thể nói thời gian gần đây, tình trạng chặt pháp rừng cũng như các hành vi mua bán, vận chuyển và tàng trữ lâm sản trái phép trên địa bàn đã giảm so với trước, song các hành vi vi phạm lại ngày một tinh vi hơn. Năm 2011, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với các đơn vị xử lý 1.046 vụ vi phạm Lâm luật, giảm 32,34 vụ so với năm 2010, trong đó bàn giao xử lý cho Công an 38 vụ, Quản lý thị trường 38 vụ…, xử phạt vi phạm hành chính 1.041 vụ, chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự 5 vụ. Tổng số gỗ quy tròn các loại tịch thu được là trên 1.283 m3 (trong đó có trên 439m3 gỗ quý hiếm), tịch thu 302 phương tiện vận chuyển lâm sản (4 ô tô, 249 xe máy, 249 xe đạp), 221,9kg động vật hoang dã, thu nộp ngân sách trên 8,3 tỷ đồng. Số trường hợp chống người thi hành công vụ của năm 2011 cũng giảm nhiều so với năm trước, song vẫn có những trường hợp diễn biến phức tạp. Các đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả hoặc giấy tờ hợp pháp nhưng sử dụng quay vòng nhiều lần; dùng các hình thức tinh vi để nguỵ trang hòng vận chuyển chót lọt lâm sản trái phép.
PV: Được biết, lực lượng Kiểm lâm đã và đang tiến hành các biện pháp quản lý hữu hiệu hơn trước, đó là những biện pháp gì thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Đó là tăng cường lực lượng ở các địa bàn trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng; thiết lập mạng lưới công tác viên thông tin kiểm lâm địa bàn... Đối với khu vực trọng điểm, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với Công an kiểm tra các phương tiện (chủ yếu là xe máy, xe đạp) có dấu hiệu vi phạm như gia cố thêm phần yên xe, chằng buộc các thanh ngáng phía sau xe để dễ dàng vận chuyển lâm sản. Thường khi kiểm tra, các phương tiện này đều không có giấy tờ hợp pháp, nhiều xe không có biển kiểm soát… Năm 2011, trên địa bàn huyện Võ Nhai đã tạm giữ và xử lý khoảng 50 phương tiện như trên. Đối với công tác phối hợp, trước đây khi xử lý các trường hợp vi phạm Lâm luật, chính quyền thường phó mặc cho lực lượng Kiểm lâm, nhưng nay công tác quản lý Nhà nước về rừng được chính quyền sở tại xem trọng. Chúng tôi cũng đã siết chặt hơn hoạt động của kiểm lâm địa bàn. Trước là giao nhiệm vụ cho kiểm lâm địa bàn phụ trách các xã, còn nay là kiểm lâm địa bàn thường trú tại xã. Nghĩa là bố trí chỗ ăn, nghỉ và làm việc ngay tại xã. Do đó, kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương xử lý các trường hợp vi phạm. Tại những khu vực trọng điểm chúng tôi ưu tiên bố trí mỗi xã có một kiểm lâm thường trú. Ngoài ra, chúng tôi đã xây dựng được mạng lưới cộng tác viên thông tin ở 4 địa bàn trọng điểm về rừng là Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Lương và Định Hoá. Cộng tác viên là những người dân có tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với rừng, có nguyện vọng phối hợp với Kiểm lâm. Toàn bộ các thông tin thu thập từ cơ sở, các cộng tác viên sẽ báo cáo kịp thời cho lực lượng kiểm lâm, từ đó giúp cho việc xử lý các đối tượng vi phạm Lâm luật tốt hơn.
PV: Được biết ngành Kiểm lâm vừa lập được chiến công, thể hiện tinh thần cương quyết ngăn chặn các hành vi vi phạm Lâm luật?
Ông Ngô Xuân Hải: Nói là chiến công thì hơi quá nhưng thực sự đấy là kết quả đáng ghi nhận của chúng tôi và các đơn vị, địa phương liên quan. Đó là việc mới đây Hạt Kiểm lâm Phổ Yên tổ chức kiểm tra (theo nguồn tin báo) và tạm giữ phương tiện vận chuyển lâm sản khối lượng lớn của đối tượng tên là Hà Hải Yến từ Bắc Kạn về Hà Nội tiêu thụ. Đối tượng vận chuyển đã không hợp tác vì cho rằng toàn bộ số lâm sản trên đều có đủ giấy tờ hợp pháp, đồng thời phát đơn kiện Hạt Kiểm lâm Phổ Yên. Tuy nhiên, khi phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Kiểm sát, chính quyền địa phương để đo đạc, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện số lâm sản trên có dấu hiệu sai phạm cần được xác minh rõ ràng. Qua kiểm định của cơ quan kỹ thuật hình sự đã phát hiện dấu búa Kiểm lâm đóng vào thân gỗ vận chuyển trên xe của đối tượng này là giả mạo. Từ đó, chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh xử phạt đối tượng vận chuyển lâm sản trên với 2 hành vi: Mua bán và vận chuyển lâm sản trái phép; xử phạt vi phạm hành chính 80 triệu đồng. Việc xử lý cương quyết, nghiêm khắc trên đã trở thành bài học mang tính răn đe sâu sắc đối với các đối tượng đã, đang và muốn có ý định vi phạm Lâm luật trên địa bàn.
PV: Chúng tôi thấy có không ít xe công vụ bị tạm giữ vì vận chuyển lâm sản trái phép. Đối với những trường hợp này hình thức xử lý có khác các trường hợp khác không và trường hợp nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự?
Ông Ngô Xuân Hải: Cơ bản không khác nhau, tất cả đều bị xử lý theo đúng luật định. Có chăng chỉ khác ở chỗ là thông báo hành vi vi phạm của đối tượng đó về cơ quan Nhà nước chủ quản phương tiện và đối tượng nhằm góp phần quản lý, giáo dục và rèn luyện cán bộ tốt hơn. Nếu là đảng viên thì thông báo về chi bộ cơ sở nơi đối tượng đang sinh hoạt để kiểm điểm… Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự là trường hợp đối tượng vận chuyển gỗ quý hiếm trái phép (từ nhóm 2 trở lên) với khối lượng từ 7m3 gỗ quy tròn trở lên hoặc vận chuyển gỗ trái phép từ nhóm 3 đến nhóm 8 với khối lượng 20m3 quy tròn trở lên. Ngoài ra, sẽ truy cứu hình sự đối với những trường hợp chống người thi hành công vụ hoặc tái phạm.
PV: Năm 2012, lực lượng Kiểm lâm tập trung thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu gì, thưa ông?
Ông Ngô Xuân Hải: Về nhiệm vụ bảo vệ rừng, chúng tôi đang tập trung lực lượng quyết tâm giữ bằng được rừng, đặc biệt chú trọng đến những khu vực trọng điểm về rừng; kiểm tra chặt chẽ các cơ sở chế biến, kinh doanh theo hướng truy xuất nguồn gốc lâm sản. Đồng thời giám sát chặt chẽ vấn đề khai thác rừng, diễn biến tài nguyên rừng, thành lập Quỹ bảo vệ phát triển rừng, thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Về phát triển rừng, chúng tôi chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch trồng mới 2,5 triệu héc ta rừng của Chính phủ; quan tâm xây dựng quy chế quản lý rừng đặc thù, xây dựng khu rừng phòng hộ đạt chuẩn; xây dựng dự án tái tạo hệ sinh thái rừng nhiệt đới tại khu vực hồ Núi Cốc…
PV: Xin cảm ơn ông!