Sau các cuộc kiểm toán, thanh tra lương trong năm 2011 và đầu 2012, EVN tiếp tục nằm trong diện thanh tra của Thanh tra Nhà nước.
Thông tin vừa được Thanh tra Chính phủ công bố. Theo đó, trong thời hạn thanh tra 90 ngày, đoàn Thanh tra sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại EVN trong hai năm 2010-2011 và có thể mở rộng thời kỳ thanh tra về trước hoặc sau giai đoạn này nếu có liên quan đến nội dung thanh tra.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên gồm: công ty mẹ, công ty TNHH một thành viên và các công ty cổ phần có vốn góp của EVN là các đối tượng thanh tra.
Kiểm toán Nhà nước cũng đã công bố kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của EVN cho thấy tập đoàn này đã lỗ lũy kế đến nay hơn 40.000 tỉ đồng và nợ đọng nhiều tập đoàn kinh tế khác, đầu tư tràn lan kém hiệu quả.
Theo kết quả kiểm toán, tính đến 31/12/2010, các khoản đầu tư tài chính dài hạn của EVN lên tới gần 50.000 tỉ đồng (chưa bao gồm các khoản đầu tư cho vay lại hàng chục ngàn tỉ đồng khác), trong đó chủ yếu là đầu tư vào các công ty; số đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết chỉ trên 5.000 tỉ đồng chiếm trên 10% vốn đầu tư.
Tuy nhiên, lợi nhuận đầu tư của khoản tiền gần 50.000 tỉ đồng đó rất thấp. Số lợi nhuận thu được chỉ đạt trên 540 tỉ đồng với tỷ lệ lợi nhuận/vốn đầu tư chỉ hơn 1%.
Lợi nhuận của EVN được chia từ sản xuất, kinh doanh điện là trên 360 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ trên 67,7% với tổng lợi nhuận được chia. Nhưng tỷ lệ trên vốn đầu tư rất thấp, chỉ đạt khoảng 0,8% so với giá trị đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh điện.
Việc phê phán EVN trong khi đang thiếu vốn đầu tư cho sản xuất điện thì lại đem vốn đầu tư ngoài ngành càng có cơ sở nếu nhìn vào số liệu kiểm toán. Theo KTNN, lợi nhuận mà EVN được chia từ các khoản đầu tư bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, tài chính trong năm 2010 chỉ hơn 160 tỉ đồng, chiếm trên 30% so với tổng lợi nhuận được chia, đạt hơn 7,8% so với giá trị đầu tư vốn vào các lĩnh vực này (trên 2.100 tỉ đồng). Vốn EVN đầu tư ra ngoài dù chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng vốn chủ sở hữu (3,27%) nhưng nó đã cho thấy sự phiêu lưu của lãnh đạo EVN trong bối cảnh các thị trường này có những khó khăn làm hiệu quả đầu tư đồng vốn xuống thấp.
Hay trong lĩnh vực viễn thông, mặc dù rót tới 2.442 tỉ đồng vào công ty EVN Telecom nhưng kết quả kinh doanh của công ty này liên tục đi xuống từ năm 2008 – 2010 mà cao điểm là khoản thua lỗ trên 1.000 tỉ đồng năm 2010. Đây là một nguyên nhân buộc EVN phải thoái vốn, chuyển sở hữu cho tập đoàn Viettel vừa qua./.