Việc làm - Tâm sự của người lao động

10:18, 15/03/2012

Đã có khoảng 500 lượt người được tuyển dụng vào làm lao động phổ thông cho NuiPhao Mining và  các nhà thầu,, trong đó trên 80% số lao động thuộc các hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án.

Với tính ưu việt trong các cơ chế, chính sách đối với người lao động mà Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining) đang thực thi thì việc được vào làm việc cho Công ty không chỉ là niềm mong mỏi của người dân trong vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án mà còn là mơ ước của khá nhiều lao động có nhu cầu tìm việc làm ở khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh.

 

 

Để thực hiện đúng cam kết sẽ tuyển dụng tối đa số lao động trong vùng bị ảnh hưởng bởi Dự án và để người dân lao động trong vùng Dự án không bỏ lỡ cơ hội về việc làm, trong thời gian vừa qua, NuiPhao Mining đã triển khai một loạt các hội nghị, hội thảo về việc làm và tư vấn việc làm, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân trong vùng Dự án nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết để có thể lựa chọn cho mình một công việc phù hợp với khả năng, trình độ, sức khỏe… Thậm chí, Công ty còn tạo điều kiện cho số lao động chưa qua đào tạo được đi đào tạo để về phục vụ cho Công ty.

 

Bên cạnh việc ưu tiên và tạo việc làm tại Dự án, Công ty cũng giới thiệu việc làm dưới hình thức lao động phổ thông cho Công ty và các nhà thầu đang thi công các công trình của Dự án. Đến nay, đã có khoảng 500 lượt người được tuyển dụng vào làm lao động phổ thông cho Núi Pháo và các nhà thầu, trong đó trên 80% số lao động thuộc các hộ bị ảnh hưởng bởi Dự án. Sau Hội nghị về việc làm diễn ra trung tuần tháng 2 vừa qua, NuiPhao Mining tiếp tục giải quyết việc làm cho gần 100 lao động phổ thông.

 

Để hiểu rõ hơn tâm tư và nguyện vọng của những người lao động đã và đang có mong muốn được vào làm việc cho Dự án, chúng tôi đã tìm đến gia đình anh Tạc Văn Đại, ở xóm 2, xã Hà Thượng (Đại Từ). Trong gian nhà xây kiên cố khang trang với khá đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt hiện đại, anh Đại tiếp chúng tôi nồng hậu. Anh trò chuyện với chúng tôi rất cởi mở, chân thật: Trước kia, gia đình tôi ở xóm 5, xã Hà Thượng, nay phải chuyển lên đây ở do toàn bộ đất đai (thổ cư, nông nghiệp - P.V) đã phải bàn giao cho Dự án Núi Pháo. Tiền đền bù được hơn 1 tỉ đồng, gia đình tôi đã gửi cả vào ngân hàng. Hiện nay, vợ và con gái tôi đang làm làm việc cho Dự án (lao động phổ thông - P.V), còn tôi đang làm bảo vệ kiêm thủ kho cho một công tư nhân, mỗi tháng được nhận hơn hai triệu đồng tiền lương.

 

- Nhà cửa xây dựng đàng hoàng rồi, tiền gửi ngân hàng lại nhiều như vậy, chỉ cần rút lãi ra cũng đủ ăn, đủ tiêu, sao anh và vợ con vẫn phải đi làm cho vất vả? Tôi hỏi.

 

- Miệng ăn núi còn phải lở. Bây giờ ruộng đất không còn, phải kiếm lấy cái nghề để lao động. Lao động còn cho ta nguồn vui, ý nghĩa của cuộc sống. Nếu chỉ vì hơn hai triệu đồng, tôi đã không đi làm bảo vệ làm gì, thức đêm thức hôm cũng cực lắm. Thực ra, tôi cũng muốn được vào làm việc gì đó cho Núi Pháo, nhưng phần vì đã có vợ con làm ở đó rồi, phần vì mình cũng có tuổi (48 tuổi- P.V) nên phải nhường cho người khác chứ. 

 

Trước câu trả lời thành thật của anh Đại khiến chúng tôi bất ngờ. Một người nông dân chân lấm tay bùn như anh Đại đã có suy nghĩ rất tiến bộ, giá như tất cả những người dân trong vùng bị ảnh hưởng đều có được suy nghĩ như anh Đại thì chắc chắn rằng cái đói, cái nghèo sẽ không có “đất” để sinh tồn.

 

Rời nhà anh Đại, chúng tôi đến gặp anh Hoàng Văn Sĩ, ở xóm 1, xã Hùng Sơn. Anh Sĩ năm nay 30 tuổi, đã có gia đình riêng. Học hết lớp 12, anh không đi học nghề mà ở nhà làm nông nghiệp. Nay ruộng đất cũng phải bàn giao hết cho Dự án, gia đình anh tạm thời đi thuê nhà ở và mưu sinh bằng nghề buôn chè. Anh cho biết: Tôi rất muốn được vào làm việc cho Dự án. Bởi qua tìm hiểu, tôi thấy Công ty trả lương cho người lao động khá cao, lại được ở gần nhà, tôi vừa đi làm lại vừa có điều kiện ở gần cận, chăm sóc được vợ con. Nhưng tôi đã nộp hồ sơ tới 4- 5 lần mà vẫn chưa thấy được tuyển. Tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy vì cũng không biết tìm hiểu nguyên nhân ở đâu? Thôi thì cứ thấy có đợt tuyển dụng nào phù hợp với trình độ của mình là tôi lại nộp hồ sơ và hy vọng sẽ được tuyển dụng.

 

Còn Anh Phạm Tiến Thành, Hoàng Công Tuấn cũng ở xóm 1, đều có nguyện vọng muốn được vào làm việc cho Dự án. Các anh cũng tích cực nộp hồ sơ tới 2-3 lần, nhưng  chưa có cơ hội được tuyển dụng. Các anh cho biết: Rất mong muốn được Công ty tạo điều kiện cho đi học nghề sau đó trở về làm việc cho Công ty. Bởi vì với trình độ hiện tại, các anh chỉ có thể làm được bảo vệ, mà cái “chân” bảo vệ lại không có nhiều. Tuy nhiên, mỗi đợt tuyển dụng, Công ty cần thông báo rộng rãi hơn để người lao động nắm bắt thông tin kịp thời, tránh tình trạng khi làm xong hồ sơ thì lại hết hạn nộp.  

 

Tình cờ chúng tôi gặp anh Bùi Trung Thành, ở xóm 3, xã Cù Vân, khi anh đang đi tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của Công ty để nộp hồ sơ xin vào làm. Anh cởi mở: Hiện tôi đang làm công nhân cho một công ty, công việc cũng khá ổn định, nhưng tôi có nguyện vọng muốn được vào làm việc lâu dài cho NuiPhao Mining, bởi qua nghiên cứu, tìm hiểu, tôi thấy NuiPhao Mining có nhiều chính sách tốt đối với người lao động. Tôi đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề Việt Bắc. Nếu được vào làm việc, tôi sẵn sàng đi học thêm để nâng cao tay nghề, đáp ứng tốt yêu cầu chuyên môn…

 

Anh Đại, anh Sĩ hay anh Thành… mới chỉ là 3 trong số lao động của hơn 2.700 hộ dân trong vùng bị hưởng của Dự án có mong muốn đuợc vào làm việc cho NuiPhao Mining. Điều này đã tạo nên một sức ép rất lớn cho Công ty, khi số lượng không đồng nhất với chất lượng, hay nói cách khác “người thì đi tìm việc” mà “việc vẫn phải đi tìm người”. Làm thế nào để tuyển dụng tối đa số lao động trong vùng Dự án? Làm thế nào để số lao động được tuyển dụng phải đáp ứng được yêu cầu chuyên môn trong từng công việc cụ thể?... Vẫn là những câu hỏi lớn mà NuiPhaoMining chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều.

 

Hơn lúc nào hết, để giải được bài toán hóc búa này, NuiPhaoMining rất cần sự quan tâm giúp đỡ nhiệt tình hơn nữa, đồng bộ hơn nữa từ phía các cấp, ngành chức năng của tỉnh, và quan trong nhất vẫn là sự cảm thông, thấu hiểu của những hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng. Thay việc nộp hồ sơ và chờ đợi, chính mỗi người lao động phải tự biết vươn lên, tự hoàn thiện mình, bổ sung kiến thức, kỹ năng… để có thể tự tin xin việc làm ở bất kỳ một công ty, xí nghiệp, nhà máy… nào có nhu cầu tuyển dụng, để không bỏ lỡ những cơ hội về việc làm không chỉ ở NuiPhao Mining.