Xử lý điểm ô nhiễm môi trường tại xã Hà Thượng

15:41, 04/03/2012

Trước những bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn khoáng sản cạn kiệt, tháng 11-2009, Mỏ thiếc Đại Từ đã dừng hoạt động sản xuất để thực hiện nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, hoạt động khai thác quặng và sơ chế quặng thiếc của Mỏ thiếc Đại Từ (Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên) đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại khu vực xóm 6, xã Hà Thượng. Đặc biệt khu bãi thải của Mỏ thiếc Đại Từ nằm ở thượng nguồn suối Cát nên các loại hóa chất độc hại đã đổ ra sông Giang Tiên, sông Cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nguồn nước vùng hạ lưu. Trước những bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường và nguồn khoáng sản cạn kiệt, tháng 11-2009, Mỏ thiếc Đại Từ đã dừng hoạt động sản xuất. Hơn 100 công nhân đang làm việc tại đây được Công ty TNHH Một thành viên Kim loại màu Thái Nguyên điều chuyển về các đơn vị thành viên khác tiếp tục công tác. Ban Giám đốc Mỏ thiếc Đại Từ và lực lượng bảo vệ ở lại Mỏ để thực hiện nhiệm vụ khắc phục ô nhiễm môi trường, phục dưỡng để từng bước tái sử dụng diện tích trên 3,6ha của khu vực bãi thải.

 

Để thực hiện cải tạo môi trường khu vực bãi thải của Mỏ thiếc Đại Từ, một tổ chức của Chính phủ Đan Mạch đã tài trợ không hoàn lại 3,7 tỷ đồng, Công ty TNHH Một thành viên kim loại màu Thái Nguyên đầu tư thêm 5 tỷ đồng. Ban Giám đốc Mỏ thiếc Đại Từ đã tiến hành gia cố lại toàn bộ bờ đập chắn của bãi thải, xây dựng thêm các bể lắng để giữ lượng nước hóa chất thẩm thấu qua chân đập. Cùng với đó là dùng vải bạt chống thấm bao quanh khu vực bãi thải, phía ngoài cùng xây dựng thêm hệ thống mương chắn dài 700m bao quanh khu vực bãi thải để hứng toàn bộ lượng nước bề mặt từ xung quanh chảy vào và ngăn không cho nước trong khu vực bãi thải chảy ra ngoài.

 

Sau khi đã hoàn thành việc cô lập lượng chất thải, lãnh đạo Mỏ thiếc Đại Từ cho san lấp nhiều quả đồi bên cạnh để lấy đất màu đổ lên bề mặt lớp chất thải với độ dày từ 1m đến 2m và trồng trên 7.000 cây keo. Ông Trần Văn Cư, Giám đốc Mỏ thiếc Đại Từ cho biết: “Chất thải bị cô lập, cộng thêm khi rừng keo phát triển sẽ tạo ra những yếu tố tự nhiên để điều hòa môi trường. Với công nghệ này, chúng tôi tin là 10 năm nữa khu vực bãi thải của Mỏ sẽ trở thành thung lũng cây xanh mát mẻ”. Những hộ dân sống quanh khu vực bãi thải của Mỏ thiếc Đại Từ cảm nhận được sự thay đổi nhiều nhất kể từ khi việc xử lý ô nhiễm môi trường hoàn thành. Ông Nguyễn Văn Tuấn, xóm số 6, xã Hà Thượng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi khốn khổ vì phải chịu mùi khai hắc bốc lên từ bãi thải, sử dụng nước giếng cũng lo vì có mau lạ, khi đun sôi bốc lên mùi hóa chất. Giờ thì những điều lo lắng trên đã hết…”.

 

Hiện, Ban Giám đốc Mỏ thiếc Đại Từ đã phân khu để giao cho các hộ dân sống quanh khu vực bãi thải tận dụng đất bề mặt đã san lấp để canh tác và kiêm luôn công tác chăm bón, bảo vệ rừng keo.