An toàn cho người lao động và thiết bị

08:38, 05/04/2012

Ở đơn vị chúng tôi, người lao động được vận hành những máy móc, thiết bị hiện đại; được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn và luôn đặt yếu tố an toàn của con người lên trước - đó là khẳng định của lãnh đạo Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên) về công tác bảo hộ lao động (BHLĐ) và bảo vệ môi trường. Năm 2011, Nhà máy được Bộ Công thương tặng Cờ xuất sắc về công tác BHLĐ.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Nhà máy thông tin: Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã rất coi trọng công tác an toàn cả về con người và thiết bị. Do nhà máy “sinh sau đẻ muộn” hơn các đơn vị sản xuất thép khác nên có điều kiện lựa chọn thiết bị máy móc, vì thế chúng tôi đã đầu tư trang bị dây chuyền sản xuất thép cán nóng của Italia, công suất 300.000 tấn/năm.

 

Đối với những đợt sản xuất cường độ cao hoặc dừng sản xuất để sửa chữa, Nhà máy đều có cơ chế thưởng nóng cho những đơn vị đảm bảo an toàn. Gần đây nhất, chúng tôi đã thưởng cho phân xưởng Cán và Cơ điện sản xuất đảm bảo an toàn trong những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn…

 

Được biết, ngay sau khi đi vào sản xuất (năm 2005), Nhà máy đã thành lập Hội đồng Bảo hộ lao động gồm 11 người do đồng chí Phó Giám đốc làm Chủ tịch Hội đồng. Thành lập và duy trì hoạt động mạng lưới an toàn viên với 27 người ở 23 tổ sản xuất chính và 4 tổ sản xuất phụ. Hàng này, trước khi lên ca, người lao động phải ký cam kết mang đầy đủ thiết bị BHLĐ theo quy định, đủ điều kiện sức khỏe, tâm lý…

 

Để người lao động nâng cao ý thức và dần trở thành thói quen, định kỳ 2 lần/năm Nhà máy tổ chức huấn luyện về công tác này cho toàn thể người lao động. Những lao động mới tuyển phải qua lớp học an toàn nếu đạt yêu cầu mới ký hợp đồng và ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn lao động.

 

Anh Nguyễn Việt Thắng, cán bộ an toàn môi trường Nhà máy cho biết: Cùng với công tác tuyên truyền, hàng năm, Nhà máy đều có kế hoạch kinh phí cho công tác này. Chỉ tính riêng năm 2011, Nhà máy đã dành 2,2 tỷ đồng thực hiện công tác bảo hộ lao động, như: thực hiện 11 hạng mục kỹ thuật an toàn (bổ sung lan can, rào chắn tại các vị trí nguy hiểm; kiểm tra, kiểm định 3 thiết bị áp lực, 20 thiết bị nâng…) với kinh phí gần 200 triệu đồng; thực hiện kỹ thuật an toàn, phòng chống cháy nổ với 13/13 hạng mục, kinh phí 231 triệu đồng; thực hiện 19 hạng mục vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường với kinh phí 749 triệu đồng; trang bị, cấp phát phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động xấp xỉ 318 triệu đồng…

 

Trong năm qua, Nhà máy không có vụ tai nạn lao động nào xảy ra, không có sự cố lớn về thiết bị, không để xảy ra cháy nổ, đảm bảo an toàn cho sản xuất, góp phần hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất, kinh doanh và các hoạt động khác của đơn vị. Về công tác bảo vệ môi trường, mỗi năm Nhà máy thực hiện 4 lần quan trắc theo cam kết đánh giá tác động môi trường, các chỉ số kiểm nghiệm mẫu nước thải, khí thải đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép. Nhằm nâng cao ý thức tự giác của người lao động, Nhà máy áp dụng quy chế gắn thu nhập của người lao động với công tác bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường. Nhà máy đã hoàn thành và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp phép chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo Thông tư 12/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường…

 

Làm việc trong môi trường an toàn, lành mạnh là điều kiện thuận lợi để người lao động hình thành ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn lao động, bảo hộ lao động, cùng với đó, là sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất của Nhà máy, sự giám sát, kiểm tra của mạng lưới an toàn viên, Hội đồng Bảo hộ lao động đã tạo nên một môi trường làm việc thoải mái…