Trước thực tế nhiều trẻ nhập viện vì ngộ độc chì do thuốc cam, Vụ Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) đã yêu cầu sở y tế 63 tỉnh, thành tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề y học cổ truyền, lấy mẫu những chế phẩm nghi ngờ để kiểm tra chì.
Đồng thời, Vụ Y học cổ truyền cũng đề nghị các tỉnh, thành cấm tuyệt đối mọi hình thức buôn bán thuốc rong, đặc biệt tại các chợ, các lễ hội.
Trước đó, Vụ đã nhận được văn bản báo cáo của Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai về các trường hợp bị ngộ độc chì do dùng thuốc cam và các sản phẩm tương tự ở dạng bột hoặc viên. Những thuốc này thường có màu cam hoặc đỏ, không có tên, nhãn và được bao gói bằng giấy hoặc túi nylon, dùng để bôi miệng hoặc uống.
Mẫu thuốc cam thu thập từ một bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng chì trong sản phẩm cao từ 21% đến 60%. Người thân thường mua cho trẻ uống từ những người bán rong tại chợ và cả của người hành nghề y học cổ truyền.
Theo các bác sĩ, trước đây những ca ngộ độc chì vẫn ghi nhận rải rác trong năm nhưng chưa năm nào tình trạng trẻ bị ngộ độc chì do thuốc cam lại bùng phát đến mức báo động đỏ như hiện nay. Có những đợt tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ phải nằm ghép 2-3 một giường. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, riêng tại trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho khoảng 130 bé bị ngộ độc chì.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thì con số này rất ít so với thực tế và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Lý do là ở xã nào, huyện nào, đâu đâu cũng có ông bà lang bán thuốc cam dạo, tự xưng là thuốc gia truyền. Trong khi thói quen sử dụng thuốc cam chữa bệnh lại khá phổ biến ở người dân.
Cũng theo ông, chì là một chất cực độc, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, việc điều trị rất lâu, thậm chí kéo dài hàng năm trời. Thế nhưng những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục được, ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.
Trước yêu cầu của Vụ Y học cổ truyền, mới đây, Sở Y tế Hà Nội cũng đã đình chỉ 3 cơ sở hành nghề y học cổ truyền không phép (ở huyện Phúc Thọ, huyện Hoài Đức và huyện Phú Xuyên). Ngoài ra, Sở y tế vẫn định kỳ lấy mẫu các loại thuốc cam trên thị trường để kiểm tra.