Dư luận bức xúc với dự định xả “quả núi bùn” vào vùng biển du lịch Cát Bà, nơi sẽ trình UNESCO để được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Thông tin về đoàn tư vấn JICA (Nhật Bản) đề xuất cho xả 40 triệu m3 bùn, của “Dự án nạo vét Cảng Lạch Huyện”, vào khu du lịch này đang tiếp tục “nóng” lên trên các trang báo và dư luận xã hội. Chuyện chưa từng có này liệu có thành sự thật?
Nhiều người dân ở Đồ Sơn đang tham gia việc sàng lọc cát để làm trong lại nước biển Đồ Sơn vốn đục ngầu, cũng như nhiều người dân sống bám biển Cát Bà đã không nén nổi ngạc nhiên, lo ngại khi nghe chuyện này.
Lần theo quá trình triển khai dự án, tại các văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, phương án việc nạo vét bùn đổ vào khu công nghiệp Nam Đình Vũ theo đề nghị của UBND TP. Hải Phòng đã được sự đồng thuận của các bộ: Tài chính, KH&ĐT, TN&MT và GTVT. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã có ý kiến chỉ đạo triển khai.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, đoàn tư vấn JICA (Nhật Bản) lại có thêm đề xuất “đổ 40 triệu m3 bùn ra biển”. Theo đoàn tư vấn thì phương án đổ bùn ra biển có một số ưu điểm: cự ly từ điểm hút đến vị trí xả bùn chỉ 16km, không phải xây dựng đê bao, đào hố trung chuyển, không phải nạo vét luồng công vụ, nên thời gian chỉ mất 41 tháng, bảo đảm tiến độ dự án, chi phí rẻ. Và quan trọng hơn, việc xây dựng đê bao, đào hố trung chuyển, nạo vét tuyến đường công vụ không nằm trong Hịêp định vốn vay ODA.
Và, Bộ GTVT cùng UBND TP. Hải Phòng đã phải chấp nhận có thêm phương án đổ bùn ra biển, đồng thời đề nghị Bộ TN&MT thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Chưa biết Bộ TN&MT sẽ thẩm định như thế nào, nhưng sự quan tâm của dư luận đang cho thấy một chỉ dấu tích cực về ý thức trách nhiệm của cộng đồng trước sự phát triển bền vững của đất nước với những luồng ý kiến phản biện trên công luận: Việc xả xuống biển 40 triệu m3 bùn như vậy sẽ gây ô nhiễm môi trường biển, hủy hoại hệ sinh thái biển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, khu dự trữ sinh quyển Cát Bà và khu du lịch Đồ Sơn; làm thay đổi dòng chảy, thay đổi chế độ sóng và thủy triều của khu vực biển Hải Phòng, Quảng Ninh; sẽ lãng phí vô cùng lớn tài nguyên vốn đang rất cần để san lấp tôn tạo các dự án trên bờ.
Đồng thời, ít năm sau, chính “núi bùn” dưới đáy đại dương này lại có khả năng bồi lắng trở lại Cảng Lạch Huyện. Đấy là chưa kể, nếu thực hiện theo phương án đổ bùn ra biển bằng phương pháp tàu xả đáy như JICA tính toán thì khó kiểm soát về khối lượng nạo vét và vị trí đổ thải, bởi dễ tạo điều kiện để nhà thầu thi công cắt bớt khối lượng nạo vét, cắt bớt cự ly đổ thải, chưa ra đến vị trí xả thả đã xả hết bùn. Ngược lại, phương án đổ bùn vào Khu công nghiệp Nam Đình Vũ sẽ không tốn kém, lãng phí như tính toán của JICA...
Sẽ không thừa khi nhắc ra đây rằng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 432 phê duyệt “Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó có đoạn: “chống thoái hóa, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất; bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; bảo vệ môi trường biển, ven biển, hải đảo và phát triển tài nguyên biển”.
Nêu ra nội dung này để thấy những ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, và người dân đã thể hiện trên các trang báo là rất đáng được xem xét, phải được coi là cảnh báo cần thiết để Bộ TN&MT thận trọng, khách quan khi tiến hành thẩm định. Bởi đã xả bùn ra biển, dù ít dù nhiều thì cũng gây ảnh hưởng đến môi trường biển, vấn đề là mức độ tác động tới đâu. Và với con số 40 triệu m3, cần phải hiểu, là cả một “núi bùn”!
“Phát triển bền vững” là sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa, không làm tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Đó cũng chính là mục tiêu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng tới trong bài toán phát triển của mình. Việt Nam không là ngoại lệ, nên chúng ta không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Thẩm định của Bộ TN&MT do đó đang đứng trước thử thách về niềm tin và sự đồng thuận của người dân cũng như sự thuyết phục nhà tư vấn nước ngoài. Nói cho cùng, đó là sự thử thách về bản lĩnh./.