Theo nhận định của ông Trần Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh: Đầu năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện rất sớm ở phía Nam Biển Đông, mưa trái mùa nhiều ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Số cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta từ 6-7 cơn, trong đó, tỉnh ta có thể phải chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn. Đối với các sông, suối trong tỉnh, khả năng sẽ có 6-8 trận lũ, trong đó có 1-2 trận lũ báo động từ cấp 1 trở lên. Vì vậy, trong mùa mưa, bão, lũ năm nay, tình hình thời tiết, thủy văn có nhiều khả năng diễn biến phức tạp.
Nhận định của ông Hưng là rất có cơ sở bởi ngay từ đầu tháng 3, cơn bão đầu tiên đã đổ bộ vào nước ta và được đánh giá là di chuyển rất phức tạp. Đây là điều rất hiếm gặp trong những năm trở lại đây. Hiện tượng này đã phần nào cảnh báo những biến đổi phức tạp của thời tiết, khí hậu không thể lường trước trong mùa mưa bão năm nay và những ảnh hưởng của các đợt mưa, bão, lũ đến đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất vẫn là sản xuất nông nghiệp và các công trình giao thông, thủy lợi trên địa bàn. Một cảnh báo nguy hiểm nữa là ngay cả khi mưa to chưa xuất hiện, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra sạt lở đất kinh hoàng ở bãi thải của Mỏ than Phấn Mễ (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên) làm hơn 10 ha đất, 13 nhà dân ở xóm Khuôn 1, xã Phục Linh (Đại Từ) bị vùi lấp, trong đó có 6,7 ha đất nông nghiệp; 6 người thiệt mạng… thiệt hại khoảng 15 tỷ đồng.
Để giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại trong mùa mưa, lũ năm nay, tỉnh ta đã xây dựng phương án phòng, chống lụt bão (PCLB), giảm nhẹ thiên tai (GNTT) từ rất sớm. Trong đó nét mới nhất là đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho các cấp, ngành liên quan. Ông Đinh Khắc Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - cơ quan Thường trực của Ban Chỉ huy PCLB, GNTT cấp tỉnh cho rằng: Năm nào, sản xuất nông nghiệp của nhân dân trong tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Do đó, để chủ động ứng phó với bão, lũ, Ngành đã chỉ đạo các đơn vị tập kết đầy đủ vật tư, nhất là giống lúa phục vụ sản xuất trong vụ mùa. Theo đó, Trung tâm Giống cây trồng dự trữ, luân chuyển 25 tấn thóc giống/vụ; Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp dự trữ luân chuyển 400 tấn phân các loại và 3 tấn thuốc bảo vệ thực vật…
Đối với các ngành khác, như Sở Y tế, được phân công thực hiện cứu hộ với phương châm “4 tại chỗ”, chuẩn bị đủ cơ số thuốc phòng, chữa bệnh gồm 8 nhóm hàng… Sở Công Thương chuẩn bị các mặt hàng cần thiết như 100 tấn dầu thắp sáng, 200 tấn muối i - ốt… Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng phương án cứu tế và chính sách trợ cấp xã hội, giúp nhân dân vùng bị thiên tai sớm ổn định cuộc sống. Công ty Lương thực Thái Nguyên dự trữ luân chuyển 200 tấn lương thực các loại. Theo đó, nguồn vốn dự trữ phục vụ cho công tác phòng, chống lụt bão cũng được thực hiện theo quyết định phân bổ của tỉnh…
Cùng với đó thì tỉnh ta cũng đã xác định phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra là nhiệm vụ trọng tâm, từ đó huy động sức mạnh của toàn dân, sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để “chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” trong mọi tình huống. Mà việc đã thực hiện là củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy PCLB ở các ngành, các cấp; chỉ đạo, hướng dẫn việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bão, lũ, thiên tai và có biện pháp chủ động phòng, tránh. Bênh cạnh đó, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá các công trình tu bổ đê, kè, cống với yêu cầu bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng theo quy định, đáp ứng tốt nhất cho công tác PCLB; chỉ đạo, kiểm tra các phương án huy động và bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện phục vụ cho công tác PCLB trên từng địa bàn, trong đó rà soát, xác định cụ thể về số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư hiện có để có biện pháp xử lý bổ sung bảo đảm đủ cơ số cần thiết để huy động kịp thời khi có thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc công tác PCLB ở các vùng trọng điểm, xung yếu, nhất là các phương án chủ động ứng phó khi lũ bão, thiên tai xảy ra…
Năm 2011, mưa, lũ, gió lốc, sét đánh xảy ra đã làm 3 người chết; 394 nhà dân, 7 điểm trường (45 phòng học) bị hư hỏng, tốc mái; 258 ha ngô và hoa màu bị hư hại; sạt lở trên 4.300m3 đất, đá đường giao thông… ước thiệt hại khoảng 29,5 tỷ đồng. |