Cơ cấu giá điện cần được quy định rõ ràng, công khai

18:04, 17/04/2012

Tiếp tục Phiên họp lần thứ 7, chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực.  

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Huỳnh Ngọc Sơn tham dự phiên họp. Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực sau 7 năm thực hiện.

 

Về chính sách giá điện, các đại biểu nhận định trong thời gian qua, giá điện chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận hợp lý, nên chưa thu hút và đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho sản xuất, truyền tải, phân phối điện.

 

Các ý kiến thống nhất với quy định “giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước”. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ cấu giá điện cần được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch hơn trong dự thảo Luật để làm cơ sở tính toán, kiểm tra, giám sát; đồng thời có sự thống nhất với những quy định của dự thảo Luật Giá đang được trình Quốc hội thông qua.

 

Ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: “Khi xây dựng Luật giá, đã quy định chưa thể chuyển giá điện sang danh mục hàng hóa bình ổn mà phải để ở danh mục hàng hóa dịch vụ phải định giá. Vì hiện nay Điện vẫn do Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền nên phải được định giá để tránh tình trạng độc quyền. Thứ hai đây là mặt hàng ảnh hưởng đến đời sống và trong bối cảnh bình ổn thị trường hiện nay thì tiếp tục để giá điện trong danh mục các mặt hàng, dịch vụ định giá”.

 

Trả lời câu hỏi của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định nhiều loại Phí và Giá đối với các hoạt động điện lực như dự thảo Luật, có thể dẫn tới tình trạng phí chồng lên phí và khiến giá điện bị đẩy lên cao vì phải qua nhiều khâu trung gian, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: “Chúng ta đang ở trong quá trình tái cơ cấu ngành điện theo hướng: khâu phát điện thì sẽ xã hội hóa, khâu truyền tải điện thì độc quyền Nhà nước; khâu bán lẻ thì hiện nay vẫn là Nhà nước nhưng trong tương lai có thể xã hội hóa một phần. Giá điện hiện nay đã chia ra phí của từng khâu như vậy, nên trong thiết kết dự án Luật cũng kế thừa nguyên tắc thực tế này. Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý với quan điểm là trong thiết kế dự án luật phải không gây hiểu lầm là có nhiều loại phí mà bây giờ là nhiều loại giá, thì chúng tôi xin tiếp thu và cân nhắc sửa”.

 

Tại phiên họp, các đại biểu cũng cho ý kiến vào một số nội dung như: bù chéo, biểu giá bán lẻ điện; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động điều tiết điện lực và thanh tra chuyên ngành điện lực…/.