“Còn sức lực - còn cống hiến”

08:23, 25/04/2012

Đó là tâm sự của ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Chi bộ xóm Trung Quân, xã Tiên Phong (Phổ Yên).

Hôm chúng tôi đến thăm gia đình, ông đang cùng vợ đang chăm sóc cây  trong vườn nhà. Ông bảo: Tận dụng diện tích đất vườn bãi, vợ chồng tôi trồng các loại cây ăn quả, rau màu, vừa là thú vui, vừa để rèn luyện sức khỏe. Ngồi trong căn nhà xây khang trang, ông chia sẻ: Năm 1971, tôi tham gia nhập ngũ và chiến đấu tại chiến trường Bình Định và bị thương (hạng 3/4). Năm 1975, sau giải phóng miền Nam, tôi được cử đi học lớp sĩ quan chính trị tại Học viện Chính trị. Năm 1978, tôi được cử làm giáo viên dạy chính trị tại Trường Sĩ quan tổng hợp Quân khu II (Vĩnh Phúc). Đến năm 1989, tôi chuyển về công tác tại Trường Quân chính Quân khu I.

 

 

Trong quá trình công tác, ông Tuấn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp, các ngành. Với những đóng góp của mình, năm 1984, ông được Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, năm 2004, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

 

Năm 2004, ông Tuấn về hưu, ông được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ. Ông nhớ lại: Thời điểm đó, Chi bộ hoạt động không hiệu quả, chưa phát huy được vai trò lãnh đạo vì có khi cả năm không tiến hành sinh hoạt được 1 lần nên các nghị quyết của cấp trên bị triển khai chậm không đi vào cuộc sống. Trước thực tế trên, ông Tuấn quyết định phải vực dậy hoạt động của Chi bộ. Trước tiên, ông tổ chức họp dân và lấy ý kiến đóng góp của các đảng viên và quần chúng nhân dân về những việc cần làm trước mắt.

 

Nhận thấy do chưa có Nhà Văn hóa nên mọi việc sinh hoạt tập thể của xóm đều phải nhờ nhà dân, rất bất tiện. Vì vậy, Chi bộ đã đưa ra nghị quyết thực hiện mục tiêu xây Nhà Văn hóa, trong đó yêu cầu các đảng viên phải gương mẫu làm trước. Ông đã cùng các đảng viên trong Chi bộ đến từng nhà các hộ dân để tuyên truyền, vận động và giải thích cho bà con hiểu. Lúc đó, cụ Nguyễn Đức Ái là bố đẻ của ông Tuấn đã tiên phong ủng hộ 1 triệu đồng, các thành viên trong gia đình ông cũng ủng hộ 2,6 triệu đồng. Từ đó, các hộ dân trong xóm đều đồng tình hưởng ứng đóng góp mỗi hộ 400 nghìn đồng. Địa điểm làm Nhà Văn hóa không có đường vào, sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình ông Nguyễn Duy Hải đã tự nguyện hiến 40m2 đất để làm đường.

 

Cuối năm 2006, Nhà Văn hóa xóm Trung Quân được hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng trị giá trên 150 triệu đồng trong niềm hân hoan của bà con. Các đảng viên và bà con còn ủng hộ các vật dụng như: quạt, đồng hồ, ấm chén… Năm 2007, Chi bộ tiếp tục đưa ra nghị quyết làm đường bê tông từ đường liên xã vào Nhà Văn hóa và đường ra cánh đồng dài hơn 250m. Các khâu giám sát tài chính, kiểm tra chất lượng công trình đều được ông Tuấn phân công cụ thể cho các thành viên trong Ban Thanh tra nhân và chia làm nhiều đợt đóng góp. Được bàn bạc cụ thể, được đưa ra ý kiến đóng góp và giám sát công trình, từ đó thu hút bà con nhân dân trong xóm tích cực tham gia sôi nổi các hoạt động của xóm, của xã.

 

Nhờ tạo được sự đồng thuận của nhân dân, từ năm 2007 đến nay, xóm đã bê tông hóa được các trục đường chính, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa nông sản. Ngoài ra, do có sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm kịp thời của chi bộ nên các các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… cũng hoạt động rất đều tay. Chi bộ xóm Trung Quân từ chỗ hoạt động yếu kém, từ năm 2008 đến nay đã liên tục đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Nhận xét về ông Nguyễn Đức Tuấn, Đồng chí Hoàng Công Lộc, Bí thư Đảng ủy xã Tiên Phong nói: Ông Tuấn là một Bí thư Chi bộ mẫn cán, nhiệt tình với công việc chung. Từ khi tham gia sinh hoạt tại địa phương, ông đã lãnh đạo Chi bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự. Gia đình ông Tuấn có 4 thế hệ cùng chung sống nhưng luôn hòa thuận, đoàn kết và nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa tiêu biểu.

 

Chia tay chúng tôi, ông Tuấn tâm sự: So với những đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường ác liệt, tôi thấy mình còn may mắn hơn nhiều. Vì thế, tôi vẫn luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, còn sức lực là còn cống hiến cho các hoạt động tập thể..