Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2003 yêu cầu các HTX phải xác định rõ địa điểm đặt trụ sở giao dịch ngay từ khi thành lập. Đây không chỉ là nơi diễn ra các hoạt động nội bộ mà còn là điều kiện quan trọng để các HTX phát triển; là bộ mặt, thể hiện năng lực của mỗi HTX.
Tuy nhiên, hiện nay, số HTX trong tỉnh có trụ sở giao dịch không nhiều. Thống kê của Liên minh HTX tỉnh cho thấy, tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh mới chỉ có 104/302 HTX có trụ sở, chiếm tỷ lệ gần 34,5%. Số HTX còn lại đều đang phải đi thuê hoặc mượn địa điểm tại nhà của xã viên, nhà văn hóa của xóm, tổ dân phố làm nơi giao dịch...
Điều này, vô hình chung đang cản trở quá trình phát triển của nhiều HTX, trong đó có HTX chè La Bằng, xã La Bằng (Đại Từ), đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh, chế biến chè. Từ khi thành lập cuối năm 2006 đến nay, để có nơi làm việc và giao dịch với khách hàng, HTX đã phải thuê nhà riêng của một xã viên, có diện tích 100 m2 để làm trụ sở. Bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX cho biết: Tuy có vị trí đắc địa, ở khu trung tâm xã, nhưng vì chỉ là địa điểm đi thuê, thời hạn hợp đồng không dài (một năm) nên chúng tôi không đầu tư nhiều trang thiết bị, cơ sở vật chất. Vậy nên hoạt động của HTX cũng chưa thực sự quy củ, nền nếp, ảnh hưởng tới niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của HTX…
Không riêng ở HTX chè La Bằng, những vấn đề trên cũng là thực tế đang diễn ra tại Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cơ sở Yên Minh, xã Tiên Phong (Phổ Yên). Do không có đất xây trụ sở nên đơn vị này đang phải thuê nhà một người dân tại xóm Yên Trung, xã Tiên Phong để làm địa điểm giao dịch. Ông Tạ Trung Bình, Giám đốc điều hành của Quỹ cho biết: Vì vẫn phải thuê trụ sở nên nhiều người dân trên địa bàn chưa thực sự tin tưởng khi gửi tiền vào Quỹ. Số vốn huy động của Quỹ từ khi thành lập (tháng 9-2008) đến ngày 31-12-2011 mới chỉ đạt 1,8 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng nguồn vốn. 70% vốn còn lại, Quỹ phải vay từ QTDND Trung ương.
Ông Bình cũng cho biết, để giải quyết khó khăn này, năm 2009, Quỹ đã có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền là UBND tỉnh giao đất có thu tiền với thời hạn 50 năm. Đề nghị này đã được chấp thuận tại Quyết định số 3236/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 28-12-2010 về việc giao đất cho Quỹ xây dựng trụ sở trên diện tích 300 m2 tại thửa số 531, tờ bản đồ địa chính số 13, xã Tiên Phong. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn một năm từ ngày ban hành Quyết định trên, đơn vị này vẫn chưa được các cơ quan chức năng giao đất.
Khó khăn của những HTX phải thuê, mượn trụ sở là vậy. Các HTX đã có trụ sở giao dịch lại đang vấp phải một trở ngại khác, đó là hầu hết diện tích đất đang được các HTX này sử dụng đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là sổ đỏ). Theo số liệu của Phòng Quản lý đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường), hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 14 HTX được cấp sổ đỏ đối với phần đất đang được các HTX này sử dụng gồm: trụ sở, nhà xưởng, sân phơi... Nếu xảy ra tranh chấp trên phần diện tích đất nói trên thì việc xử lý, giải quyết sẽ rất phức tạp.
Đánh giá về tình trạng này, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho rằng, nguyên nhân chính là do nhiều HTX đang sử dụng đất chưa được cấp sổ đỏ vẫn chưa quan tâm đến việc lập thủ tục kê khai đăng ký để được cấp. Đây cũng là ghi nhận của chúng tôi tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Cù Vân, xã Cù Vân (Đại Từ), đã chuyển đổi hoạt động đầu những năm 2000. HTX có quy mô toàn xã với gần 1,2 nghìn xã viên, phân thành 13 đội sản xuất, thế nhưng trụ sở của HTX lại chỉ là ngôi nhà cấp bốn 3 gian, nằm gọn trong khuôn viên trụ sở UBND xã. Trang thiết bị tại trụ sở này không có gì giá trị ngoài một số bộ bàn ghế, tủ tài liệu cũ. Khi được hỏi về việc xin cấp sổ đỏ của HTX, ông Đặng Quý Toản, Chủ nhiệm HTX cho biết: Hiện nay, HTX đang rất khó khăn, do dịch vụ duy nhất là cung ứng phân bón trả chậm phục vụ xã viên không thể cạnh tranh với cửa hàng tư nhân. Chúng tôi thấy việc xin cấp sổ đỏ đối với phần đất đang sử dụng là chưa cần thiết, không giúp ích gì cho hoạt động của HTX.
Tình trạng nhiều HTX không có trụ sở giao dịch, hoặc chưa được giao đất, cấp sổ đỏ trong nhiều năm mà chưa được giải quyết nêu trên do nhiều nguyên nhân. Bên cạnh vấn đề nhận thức của đội ngũ cán bộ HTX còn hạn chế, theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh thì nguyên nhân căn bản là việc thực hiện Nghị định số 88/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn thời gian qua vẫn chưa thực sự đồng bộ, chủ yếu tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ vay vốn, vấn đề đất đai, trụ sở của các HTX vẫn chưa được coi trọng. Bên cạnh đó, hiện nay, việc xin giao đất, cấp sổ đỏ ở các địa phương lại đang gặp phải một số khó khăn như: quỹ đất công đang ngày càng bị thu hẹp; trình tự, thủ tục xin cấp phức tạp, một số HTX phải làm thủ tục, giấy tờ trong nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi năng lực nội tại của hầu hết các HTX còn nhiều hạn chế (50% số HTX hoạt động yếu, kém; vốn lưu động chỉ có trung bình trên 300 triệu đồng/HTX). Trước thực tế này, lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh đề nghị, chính quyền các địa phương và các ngành chức năng phải quan tâm, giải quyết nhanh nhất những vướng mắc về trụ sở giao dịch cũng như việc cấp sổ đỏ tại các HTX, để các HTX sớm “an cư” và tiếp tục phát triển.
Chính sách hỗ trợ về đất đai đối với các HTX được quy định tại Điều 5, Nghị định số 88/NĐ-CP của Chính phủ:
1. Các HTX nông nghiệp có nhu cầu sử dụng đất để xây dựng trụ sở, nhà kho, sân phơi… nhưng chưa được giao đất thì làm thủ tục xin giao đất. UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất của địa phương xem xét, quyết định việc giao đất không thu tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho HTX.
2. Các HTX phi nông nghiệp được lựa chọn hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm theo quy định của pháp luật đất đai.
3. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của HTX theo quy định tại Điều 53, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10 -2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai. |