Khu Nội trú HSSV - Đại học Thái Nguyên: Mới sử dụng đã xuống cấp

10:34, 06/04/2012

16 dãy nhà ở cao tầng nằm trong Khu nội trú học sinh, sinh viên (HSSV) - Đại học Thái Nguyên có giá trị cả trăm tỷ đồng mới đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã bộc lộ những điểm yếu về kỹ thuật, bước đầu xuống cấp. Điều quan trọng nhất là vì những điểm yếu này mà cả tuần nay gần 3.000 sinh viên trong Khu nội trú thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Từ lỗi kỹ thuật…

 

Sáng qua, 5/4, sau khi nhận được thông tin phản ánh từ phía sinh viên các Trường đại học: Kinh tế, Nông Lâm, Khoa học và Khoa Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên, chúng tôi đã có mặt tại Khu nội trú HSSV - Đại học Thái Nguyên.

 

Tại đây, chúng tôi nhận thấy mặc dù nhìn bề ngoài 16 dãy nhà trông khá khang trang, đẹp đẽ và hiện đại, song thực tế bên trong thì còn nhiều điều phải bàn. Chúng tôi được anh Nguyễn Thái Hùng, Phó trưởng Ban Quản lý Khu nội trú HSSV dẫn đi khảo sát một lượt tại các dãy nhà ký túc xá của các trường đại học nói trên.

 

Ông Nguyễn Tất Thắng, Trưởng Ban công tác HSSV - Đại học Thái Nguyên: Khu nội trú HSSV xuống cấp là do cả lỗi kỹ thuật lẫn thi công. Việc chỉ bố trí trên đỉnh mái mỗi dãy nhà 5 tầng (gồm 45 phòng, 360 sinh viên ở) một bình chứa nước có dung tích từ 9m3 đến 12m3 cùng hệ thống thoát nước nhỏ, có độ dốc ngược từ ngoài vào trong… là hoàn toàn bất hợp lý nếu không muốn nói là vô lý.

Khu ký túc xá Đại học Khoa học có 3 dãy nhà với tổng số 135 phòng ở. Hiện tại, có một số phòng đã xuống cấp phải đóng cửa không cho sử dụng. Các phòng xuống cấp do tường và trần nhà bị ngấm nước, nhất là khu vực nhà vệ sinh; hệ thống chân tường một số dãy phòng bị bục hở cả gạch. Hệ thống quạt điện trong các phòng nhiều chiếc đã bị hỏng dù chỉ sau hơn một năm sử dụng.

 

Anh Lương Trung Dũng, cán bộ Phòng công tác HSSV Nhà trường cho biết: Hầu hết các phòng ở của sinh viên đều mắc lỗi kỹ thuật nên mới mau hỏng như vậy. Ví dụ, hệ thống rãnh thoát nước bên ngoài đáng lẽ phải làm to vì lượng nước thải hàng ngày lớn, nhưng ở đây lại được thiết kế quá nhỏ, đã gây tắc, ứ tràn lên mặt sân, phả mùi hôi thối rất khó chịu.

 

Tương tự như thế, ở các dãy nhà của sinh viên các trường Đại học còn lại cũng khổ sở vì hạ tầng xuống cấp. Liên tục trong thời gian gần đây, Ban quản lý ký túc xá các trường này phải huy động lực lượng (chủ yếu thuê ngoài) để khắc phục sự cố. Khu ký túc xá Đại học Kinh tế có một số nhà không sử dụng được vì bị sụt lún nền và thấm nước tường nhà. Điển hình là phòng 402 và 101 phải đóng cửa không dám cho sinh viên vào ở từ khi mới đưa vào sử dụng (năm 2009).

 

Khu ký túc xá Đại học Nông lâm, dãy nhà K1 có nhiều ống dẫn nước bị rò rỉ, chảy ngầm trong tường. Hệ thống hố ga, rãnh thoát nước xây dựng không đảm bảo kỹ thuật (phía ngoài cao hơn phía trong) khiến nước thải không thể thoát được, dềnh lên làm ứ đọng xung quanh các dãy nhà. Khi chúng tôi đặt vấn đề làm việc với Ban quản lý ký túc xá của trường này thì bị từ chối cung cấp thông tin cũng như dẫn đi xem các điểm bị xuống cấp. Một cán bộ tên là Long tỏ thái độ bất hợp tác mặc dù có ý kiến của Ban công tác HSSV - Đại học Thái Nguyên.

 

Theo quan sát của chúng tôi, cả hệ thống khu nhà ở sinh viên của Đại học Thái Nguyên được bố trí khá rích rắc, trông đẹp mắt nhưng lại được bao bọc bởi hệ thống đường bê tông nội bộ nhỏ xíu, uốn lượn như những con lươn, con chạch. Nhiều người khi nhìn thấy hệ thống giao thông này đã lo ngại nếu xảy ra hoả hoạn thì xe cứu hoả chỉ có thể đứng ở phía ngoài cổng chứ không thể vào cứu được bên trong.

 

…Đến nỗi khổ của sinh viên

 

Từ ngày 29-3-2012 đến nay, toàn bộ 8 dãy nhà ký túc xá của sinh viên các trường Đại học Kinh tế, Khoa học và khoa Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên bị mất nước sinh hoạt. Một phần nguyên nhân là do Công ty CP khai thác nước sạch Thái Nguyên không đủ nguồn cung cấp, nhưng phần lớn là do hệ thống ống dẫn nước quá bé, không đủ áp lực dẫn lên các tầng.

 

Ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Trưởng Ban Thường trực quản lý Khu nội trú HSSV - Đại học Thái Nguyên: Nếu cứ tính trung bình mức đầu tư 15 tỷ đồng/dãy nhà ở sinh viên thì tổng vốn đầu tư 16 dãy nhà trong Khu nội trú sẽ là một con số khổng lồ. Bởi vậy, sẽ thật lãng phí khi các công trình này chưa sử dụng được bao lâu mà đã  bị xuống cấp. Đối tượng phải hứng chịu không ai khác chính là sinh viên, đội ngũ trí thức tương lai của đất nước

Sinh viên Hầu Văn Thành, năm thứ nhất Trường Đại học Nông Lâm cho biết: Cả tuần nay chúng em phải xách nước từ tầng 1 lên để sinh hoạt. Do vậy, cả phòng 6 người phải sử dụng nước khá tằn tiện. Từ ngày vào ở trong ký túc đến giờ chúng em phải chịu cảnh mất nước nhiều lần rồi. Sinh viên Đặng Thị Xuân, Trường Đại học Khoa học thẳng thắn: Có lúc thiếu nước hoặc tắc đường ống, cả phòng không ai dám vào nhà vệ sinh. Nhiều lúc đi vệ sinh phải đội mũ vì nước từ trên trần thấm xuống thành giọt.

 

Một sinh viên khác thuộc Trường Đại học Kinh tế thì bức xúc: Em và một vài người bạn mới đây bị mất xe đạp, xe máy chỉ vì thiếu chỗ gửi xe. Gần khu nhà K1 Đại học Nông lâm có điểm giữ xe nhưng chỉ căng bạt giữ tạm nên chẳng sinh viên nào dám gửi cả.

 

Được biết, để khắc phục tạm thời tình trạng mất nước, các trường Đại học đã thuê Công ty vệ sinh đô thị T.P Thái Nguyên vận chuyển nước bơm vào các bể chứa để cho sinh viên sử dụng với giá từ 500 đến 700 nghìn đồng/xe (mỗi xe khoảng 4m3 nước). Trung bình mỗi trường mỗi ngày phải chở khoảng 12 xe mới đủ đáp ứng nhu cầu sinh viên. Hiện nay, ở khu căng tin của Khu nội trú cũng bắt đầu thiếu nước sinh hoạt. Điều đó đã gây ra sự hoang mang, lo lắng cho sinh viên bởi vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ khó được đảm bảo.

 

Quả đúng như phản ánh của các sinh viên, thực sự Khu nội trú HSSV - Đại học Thái Nguyên đã và đang xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện sinh hoạt, học tập của các em.

 

 Theo thiết kế, Khu nội trú HSSV -  Đại học Thái Nguyên sẽ đảm bảo nơi ở, sinh hoạt, học tập cho khoảng 4.700 sinh viên, nhưng hiện nay mới chỉ có trên 2.800 sinh viên đến ở. Nhiều sinh viên sau một thời gian ở trong Khu nội trú đã quyết định chuyển ra ngoài thuê trọ. Tổng Khu nội trú có 16 dãy nhà, trong đó có 1 dãy nhà chưa bàn giao vì nhiều lý do, trong đó có lý do thiết kế kỹ thuật, thi công chưa đảm bảo