Khu nội trú HSSV Đại hoc Thái Nguyên xuống cấp: Lỗi thuộc về ai?

08:53, 13/04/2012

Sau khi Báo Thái Nguyên phản ánh về thực trạng xuống cấp của Khu nội trú học sinh sinh viên (Đại học Thái Nguyên), hai đơn vị chủ đầu tư đã tiến hành kiểm tra, bước đầu xác định được các nguyên nhân cơ bản.

Theo đánh giá của Sở Xây dựng (với tư cách là chủ đầu tư Dự án Khu nội trú HSSV – Đại học Thái Nguyên) thì ít nhất có 3 nguyên nhân khiến hạ tầng khu nội trú hư hỏng và nhanh xuống cấp, đó là: Một phần do lỗi thiết kế, thi công; lỗi do đối tượng quản lý, sử dụng và lỗi do đầu tư các hạng mục hạ tầng không đồng bộ.

 

Về thiết kế, thi công, để kịp phục vụ sinh viên bước vào năm học mới (tháng 9-2010) nên nhà thầu phải bắt buộc đẩy nhanh tiến độ thi công. Điều đó khó trách khỏi một số hạng mục làm chưa cẩn thận dẫn đến nhanh hư hỏng, nhất là các hạng mục chống thấm, hệ thống dẫn nước sinh hoạt, nước thải… Trong quá trình sử dụng cũng phải thừa nhận còn nhiều sinh viên chưa thật sự ý thức bảo vệ của công, sử dụng sai quy trình dẫn đến nhiều hạng mục bị hỏng như thiết bị nhà vệ sinh, ống dẫn nước, quạt... Dự án chỉ cấp vốn đầu xây dựng hạ tầng bên trong, còn hệ thống thoát nước, sân, đường nội bộ bên ngoài không nằm trong danh mục đầu tư nên việc thi công chắp vá, không được đồng bộ.

 

Ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây dựng nói: Nhà báo thử tìm hiểu và so sánh giữa Khu nội trú HSSV – Đại học Thái Nguyên với các Khu nội trú của các trường đại học, cao đẳng khác xây dựng cùng thời điểm trên địa bàn tỉnh xem có sự khác biệt nhau không? Tôi nhận thấy, tiền dự án cấp cho 1m2 xây dựng của các trường là như nhau, đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát cũng tương đương nhưng tại sao hạ tầng một số trường không bị hư hỏng, xuống cấp nhanh như vậy? Điều đó phần nào chứng tỏ công tác quản lý, sử dụng hạ tầng trong Khu nội trú HSSV – Đại học Thái Nguyên còn những hạn chế nhất định.

 

Có buổi làm việc với chúng tôi, phía Đại học Thái Nguyên cho rằng, sau khi nghiệm thu công trình, Đại học Thái Nguyên đã bàn giao từng hạng mục cho các trường đại học thành viên là: Đại học Khoa học, Đại học Nông lâm, Đại học Kinh tế và Đại học Ngoại ngữ. Quá trình các đơn vị sử dụng nếu bị hư hỏng, xuống cấp mà trong thời gian bảo hành (1 năm sau khi nhận bàn giao) thì Đại học Thái Nguyên theo thông báo cụ thể của bên sử dụng sẽ yêu cầu nhà thầu xây lắp có cách khắc phục, sửa chữa kịp thời. Nếu hết thời gian bảo hành thì các đơn vị sử dụng phải tự có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng. Phía Đại học Thái Nguyên cũng thừa nhận công tác quản lý, giám sát việc sử dụng của các đơn vị thành viên thời gian qua còn chưa được quan tâm đúng mức. Phía các đơn vị thành viên cũng chưa thật sự có trách nhiệm trong việc nâng cao ý thức người sử dụng.

 

Theo ông Phan Thanh Vụ, Phó Ban Tài chính - Kế hoạch (Đại học Thái Nguyên) thì tổng Dự án xây dựng Khu nội trú HSSV (gồm 16 nhà) theo phê duyệt là 364 tỷ đồng. Hiện nay ngân sách đã cấp để thực hiện Dự án được trên 278 tỷ đồng. Số còn lại hiện chủ đầu tư vẫn đang nợ nhà thầu. Được biết, Dự án xây dựng Khu nội trú HSSV – Đại học Thái Nguyên có cả chục đơn vị thiết kế, thi công và giám sát tham gia. Trong đó, cơ bản phần thiết kế do Viện Quy hoạch xây dựng Thái Nguyên đảm nhiệm, phần giám sát cũng chủ yếu do các đơn vị thuộc tỉnh thực hiện, chỉ có phần xây lắp là do nhiều doanh nghiệp khác nhau của các tỉnh bạn thi công. Cũng bởi vậy mà việc các nhà thầu không mấy mặn mà hay nói cách khác là không để tâm đến việc sửa chữa, bảo dưỡng công trình mỗi khi các đơn vị sử dụng có ý kiến đề nghị là điều khó tránh khỏi.

 

Ông Nguyễn Khắc Hùng, Trưởng Ban Cơ sở vật chất và Dự án phát triển Đại học Thái Nguyên: Từ sau khi có hiện tượng xuống cấp đến nay, chưa có một cuộc họp rút kinh nghiệm chính thức nào của phía chủ đầu tư với các nhà thầu thi công, thiết kế và giám sát. Về phần mình, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc để kịp thời yêu cầu các đơn vị sử dụng tiến hành các biện pháp chống xuống cấp.

 

Ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây Dựng: Tuần tới, đoàn Thanh tra của Bộ Xây dựng sẽ lên làm việc về vấn đề này. Nếu kết luận lỗi thuộc về đơn vị nào thì đơn vị đó phải có trách nhiệm khắc phục, xử lý.