Những cách đơn giản rèn con vào nếp

10:26, 22/04/2012

Thay vì quát bé phải ngủ sớm, hãy tắt đèn khi đến giờ và cả nhà cùng lên giường. Khi bé không chịu rửa tay trước khi ăn, đừng mắng mà nên dạy bé tự mở vòi nước, làm sạch tay và nhắc nhở con làm điều này trước khi vào bữa.

Trẻ em cần được rèn tính kỷ luật từ nhỏ. Điều đó sẽ tốt cho các bé khi trưởng thành. Bắt đầu từ khi trẻ có nhận thức, hãy cho bé hiểu điều gì chúng được phép, nên làm và điều gì không.

 

Dưới đây là những chia sẻ của chuyên viên tâm lý Trần Thị Quỳnh Trang, Viện Giáo dục kĩ năng sống và phát triển tài năng (Đội Cấn, Hà Nội) để giúp bố mẹ rèn bé vào nếp mà không cần quá khắt khe và làm tổn thương trẻ.

 

Luôn quan tâm, chăm sóc trẻ về mọi mặt, đặc biệt là tinh thần

 

Cha mẹ nên cân đối thời gian giao tiếp hằng ngày với trẻ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của con, lắng nghe và thường xuyên góp ý cho con tiến bộ. Không mắng mỏ, quát nạt, đánh đập trẻ, tránh dùng những từ như “phạt”, “đánh”, “đét đít”... Bởi vì tính kỉ luật xuất phát từ mong muốn, sự tự giác của trẻ. Hãy nói với con rằng bố mẹ yêu chúng biết nhường nào. Khi con cư xử sai, bố mẹ không thích hành động của con chứ không phải không thích bản thân con.

 

Thiết lập các quy định và quy tắc với con

 

Quy định, nguyên tắc tạo nên nề nếp, thói quen kỷ luật tốt cho trẻ. Vì vậy, bố mẹ nên thường xuyên cùng con thảo luận về các quy định yêu cầu trẻ thực hiện như không được phép đi với người lạ, không được tự ý đi đâu nếu chưa có sự cho phép của bố mẹ... Tuy nhiên, cũng không nên làm trẻ quá tải với hàng loạt các quy tắc bởi ngay một lúc trẻ sẽ không thể nhớ ngay hết được. Hãy để trẻ nhớ dần dần, dạy trẻ qua những tình huống cụ thể.

 

Thống nhất, nghiêm khắc trong thực hiện các nguyên tắc

 

Một lần ngoại lệ nào đó sẽ khiến trẻ nghĩ làm sai điều gì cũng chẳng có gì ghê gớm và trẻ học được rằng có thể thuyết phục được cha mẹ. Đồng thời, các nguyên tắc đặt ra phải thật sự công bằng giữa trẻ và các anh chị em để bé hiểu đó là nguyên tắc mà tất cả mọi người đều phải thực hiện, không có sự khác biệt. Quan trọng là bố mẹ và những người lớn khác trong gia đình cần thống nhất quan điểm và phương pháp giáo dục.

 

Hướng dẫn nhẹ nhàng cho trẻ

 

Để trẻ nhỏ thực hiện các quy định, nguyên tắc là một điều hết sức khó khăn, đòi hỏi bố mẹ phải kiên trì hướng dẫn thật nhẹ nhàng, rõ ràng, cụ thể. Chẳng hạn, để bé luôn rửa tay trước khi ăn thì bố mẹ phải làm gương, rồi hướng dẫn trẻ cách rửa tay như thế nào và lý do vì sao phải làm điều đó, đồng thời nhắc nhở thường xuyên để hình thành thói quen này cho bé.

 

Tham gia hoạt động cùng con

 

Cùng tham gia là cách tốt nhất để tạo hứng thú và niềm vui cho trẻ thực hiện các nguyên tắc, nội quy của gia đình. Chẳng hạn, cả bố mẹ và con sẽ cùng rửa tay trước khi ăn cơm, cùng đánh răng buổi sáng rồi tất cả đi ngủ đúng giờ quy định...

 

Làm gương cho con

 

Trẻ em sẽ học hỏi tinh thần kỷ luật từ cha mẹ, trẻ bao giờ cũng làm theo những gì người lớn làm chứ không làm theo những gì chúng ta nói. Vì vậy, khi muốn con thực hiện các quy định, bố mẹ phải là những người thực hiện đúng trước tiên. Chẳng hạn, nếu bạn đã dạy con phải vứt rác vào thùng thì đừng bao giờ làm trái điều này, dù đang ở đâu.

 

Khen ngợi trẻ

 

Bố mẹ tuyệt đối chớ chê bai, phê phán trẻ mà nên khen ngợi, khuyến khích bé tự giác thực hiện các nguyên tắc. Phần thưởng tốt nhất đối với trẻ là lời khen. Nếu trẻ thường bày bừa đồ chơi, thay vì mắng mỏ con, hãy hướng dẫn bé cách xếp gọn ngăn nắp, và khi bé làm được điều đó, cần khen ngợi luôn. Cách này chắc chắn sẽ khiến trẻ thấy thích thú và dần dần tạo thói quen luôn dọn sạch đống bừa bãi đã tạo ra.

 

Cho con quyền được lựa chọn

 

Hãy cho con quyền lựa chọn và chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Chẳng hạn, thay vì nhất quyết bắt bé đi tắm trước lúc ăn, khi bé đang say sưa chơi, hãy cho trẻ chọn: con sẽ tắm trước hoặc sau khi ăn 30 phút đến một tiếng. Kỷ luật không phải là trò chơi tranh giành quyền lực nên không cần đặt ra vấn đề thắng thua. Bố mẹ mong con nghe lời, thực hiện một cách tự giác những kỷ luật đã được đặt ra, thì cũng cần cho trẻ được nói ra những bất đồng hoặc ý kiến riêng của mình.

 

Kể cả khi bé gây ra lỗi gì đó, hãy cho con cơ hội giải thích lý do, việc của bố mẹ sau đó là phân tích cho trẻ hiểu cái gì đúng, cái gì sai để bé chấp nhận mà vẫn vui vẻ.