Hiện nay bắt đầu vào mùa mưa bão. Để phòng, chống những diễn biến phức tạp của thời tiết, giảm thiểu thiệt hại do mưa, bão gây ra trong khai thác, chế biến khoáng sản, ngày 23/4, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các đơn vị quan tâm tới công tác này.
Theo đó, tỉnh yêu cầu các mỏ khai thác theo phương pháp lộ thiên khi thi công phải đảm bảo theo thiết kế kỹ thuật; xử lý ngay các khu vực có nguy cơ về sạt lở, chập tầng; quy hoạch, khảo sát địa chất công trình khu vực đổ thải phải đảm bảo chiều cao, góc nghiêng sườn tầng bãi thải. Riêng các khu vực thải đất đá có nguy cơ trượt lở cao phải thực hiện đắp đê, kè chống sạt lở; xây dựng phương án đối phó kịp thời để di dời hệ thống trạm điện, đường điện, máy móc, thiết bị khi khai thác xuống sâu, tránh ngập nước khi không tháo khô mỏ kịp thời; củng cố, tăng cường hệ thống phao, phà bơm thoát nước mỏ; khơi thông, dọn sạch hệ thống mương thoát nước trên mặt moong...
Tại các mỏ khai thác theo phương pháp hầm lò, tăng cường khoan thăm dò để tránh bục nước, bục khí trong quá trình thi công; bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên và tăng cường thêm máy móc, thiết bị thoát nước mỏ hầm lò; lập phương án dự phòng để bơm thoát nước hầm lò khi xảy ra mất điện nhiều ngày; tuân thủ thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm hiện hành…
Được biết, Thái Nguyên hiện có 66 đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản với tổng số mỏ được cấp phép khai thác lên tới 85, trong đó có 10 điểm khai thác than, 14 điểm khai thác quặng sắt, 9 điểm khai thác quặng chì kẽm, 24 điểm khai thác đá vôi, 3 điểm khai thác quặng titan… Tổng diện tích đất trong hoạt động khai thác chiếm hơn 3.191ha, tương ứng gần 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.