Thực, hư về sự “kỳ bí” ở động Long Dương

08:27, 27/04/2012

Sâu hun hút vào chân núi đá, lòng động rộng thênh thang chứa đầy nước trong vắt, trên thành động có nhiều hình thù kỳ quái... Đặc biệt là trong động Long Dương có loại cá da trơn trọng lượng lên tới 5kg nhưng người dân không dám bắt thịt vì cho rằng đây là cá thần linh thiêng…  

Những ngày gần đây ở xóm Tân Thành xã Thượng Nung (Võ Nhai) người dân truyền tai nhau thông tin động Long Dương có cá thần và loại cá này chỉ anh Mai Thế Dân, Trưởng xóm cho ăn, gọi ra được từ tít trong hang sâu. Anh Dân còn tìm thấy trong động một “linh vật” rồng 3 mắt bằng đá… Chúng tôi càng bị thôi thúc tìm ra chân tướng sự “kỳ bí” này khi lãnh đạo xã Thượng Nung cũng khẳng định đã trực tiếp xuống động và nhìn thấy những con cá mình tròn, da trơn dài tới nửa mét theo anh Dân nhoi lên mặt nước.

 

Theo một số người cao tuổi ở xã Thượng Nung thì từ xưa đã có thuyết về hang rồng bên trong những dãy núi đá nằm ở phía Đông Bắc của xã nhưng cửa hang đã mất dấu, không tìm ra vị trí nên từ lâu không còn ai nhắc đến chuyện này. Vào cuối năm 2005, anh Ma Văn Trí ở xóm Lục Thành thuê máy xúc về san một quả đồi gần sông Thượng Nung để làm ruộng trồng ngô, khi đào xuống sâu khoảng 1m thấy một cửa hang rộng, bên trong tối om và bốc lên mùi tanh nồng. Để lấp hang, anh Trí đã thuê máy ủi hàng trăm mét khối đất, đá xuống hang nhưng đều bị cuốn trôi, nước không dâng lên chút nào. Từ đó người dân địa phương cho đây là cửa hang rồng linh thiêng theo truyền thuyết kể lại từ xưa và đặt tên là động Long Dương…

 

Nhờ 2 người dân địa phương dẫn đường, chúng tôi vượt qua cánh đồng của xóm Tân Thành, men theo bờ sông Thượng Nung tìm đến động Long Dương. Thoạt nhìn, động Long Dương giống như một hố nước sâu nhưng khi quan sát kỹ thì quả là có nhiều điều lạ. Ngay cửa động (dưới mép nước khoảng 0,5m) có một hình thù giống xương mặt người có đôi mắt to nhìn ngược lên, xung quanh cá (giống cá bò ở mạn ngược) bơi tung tăng, nước trong động chảy theo hướng Nam - Bắc (ngược hướng với dòng chảy của sông Thượng Nung). Do động sâu, tối và có dòng chảy nên việc chụp lại hình ảnh trong động Long Dương rất khó thực hiện. Điều đáng tiếc nhất với chúng tôi là anh Mai Thế Dân đi vắng nên không có ai ở Thượng Nung dám lặn sâu vào trong lòng động để gọi đàn cá lạ bơi ra ngoài như mọi người truyền kể. Trở lại nhà anh Mai Thế Dân, chúng tôi đề nghị bà Lương Thị Mùa (mẹ anh Dân) cho xem “linh vật”. Bà Mùa mời chúng lên nhà rồi đến bàn thờ của gia đình thành kính khấn vái mới mang linh vật xuống. Đây là vật bằng đá vôi, nếu để nằm ngang nhìn giống hình con rồng, còn dựng đứng trông tựa bản đồ Việt Nam nên gia đình anh Dân coi là vật quý. Quan sát kỹ, chúng tôi khẳng định đây là vật được tự nhiên tạo thành, không có sự chế tác của con người. Chính quyền xã Thượng Nung đang đề nghị các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh sớm thành lập đoạn khảo sát để làm rõ hiện tượng trên với hai mục tiêu: Chấn an dư luận về sự kỳ bí của cá thần, ‘linh vật” rồng 3 mắt và xét nghiệm nguồn nước nếu đảm bảo an toàn phục vụ sinh hoạt sẽ đề nghị xây dựng tại đây một công trình cung cấp nước cho nhân dân địa phương.

 

Từ những gì quan sát, thu thập được ở động Long Dương, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Mộc, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất Đông Bắc và được ông giải thích: “Khu vực có nhiều núi đá vôi thường hình thành những dòng sông ngầm và hiện tượng này xuất hiện ở Thượng Nung là rất bình thường. Riêng về những con cá da trơn nặng vài ki lô gam có thể do những trận lũ lớn nước tràn vào các cửa hang trong núi nên cá theo vào và sinh sôi, phát triển. Không gặp người bao giờ nên khi được cho ăn thì chúng bơi theo là chuyện không có gì lạ…”.

 

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn đề nghị các cơ quan chức năng nên sớm tiến hành khảo sát và đưa ra kết luận về hiện tượng động Long Dương.