Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương ngày 2/5 cho biết, lần đầu tiên có một người đàn ông nước ngoài liên lạc với bệnh viện mong được chữa trị căn bệnh hiếm gặp trên thế giới cho cậu con trai 10 tháng tuổi.
Giáo sư Liêm xác nhận, cuối tháng 4, một người đàn ông tên Gabriel Bontas, quốc tịch Romania đã gửi thư nhờ bác sỹ Liêm tư vấn cách chữa trị căn bệnh ly thượng bì bọng nước cho bé Emanual Bontas, con trai ông.
Trả lời thư của người đàn ông châu Âu, giáo sư Liêm khẳng định, căn bệnh hiểm nghèo này hoàn toàn có thể chữa trị ở Việt Nam với phương pháp ghép tế bào gốc.
Theo giáo sư Liêm, tới năm 2008, căn bệnh hiếm gặp này vẫn chưa có phương pháp điều trị hiệu quả. Ngay cả với trình độ y khoa tiên tiến trên thế giới và sự chăm sóc cẩn thận, bệnh nhân gặp phải căn bệnh này vẫn khó sống qua 40 tuổi.
Ở Việt Nam, tỷ lệ trẻ sống sót với căn bệnh này lại càng ít do khi mắc bệnh, da của người bệnh bị bong hàng loạt, dẫn tới nguy cơ nhiễm trùng cao.
Giáo sư Liêm cho hay, phải tới năm 2008, công nghệ ghép tế bào gốc nhằm chữa trị cho căn bệnh ly thượng bì bọng nước mới chính thức được một số bác sỹ người Mỹ giới thiệu.
Ngay sau đó, tới tháng 9/2011, các bác sĩ của Viện Nhi trung ương đã thực hiện ca ghép đầu tiên cho bệnh nhân 4 tuổi và đã thành công tốt đẹp. Hiện cháu bé được ghép đã phát triển hoàn toàn bình thường.
Ca thứ 2 thực hiện sau đó 2 tháng, mặc dù có những khó khăn ban đầu nhưng hiện cháu cũng đã qua giai đoạn hiểm nghèo.
Như vậy, sau các bác sỹ ở Mỹ, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới thực hiện thành công phương pháp chữa trị cho căn bệnh nan y này trong suốt nhiều năm qua.
Nói thêm về trường hợp bệnh nhân người Romania, giáo sư Liêm cho hay, sau khi nhận được câu trả lời từ phía bệnh viện, người đàn ông này rất mong muốn được đưa con sang Việt Nam.
“Chúng tôi đang nghiên cứu xem có tiếp nhận được không và xin phép Bộ Y tế,” giao sư Liêm nói.
Giải thích về chi phí cho những ca phẫu thuật này, giáo sư Liêm khẳng định, với trường hợp bệnh nhân mắc bệnh ly thượng bì bọng nước, số tiền phẫu thuật ở Mỹ có thể lên tới con hàng triệu USD. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mức viện phí chỉ khoảng 40.000 USD.
“Số tiền tuy khác nhau nhưng chất lượng ở hai nơi tương đương bởi phác đồ điều trị ở các trường hợp là giống nhau,” giáo sư Liêm cho biết.
Theo Giám đốc bệnh viện Nhi trung ương, bệnh nhân người Romania có thể là trường hợp bệnh nhân nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam điều trị căn bệnh hiếm gặp này, nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều bệnh nhân nước ngoài như thế nếu tỷ lệ chữa khỏi cao.
“Sắp tới, khi chúng tôi xuất bản kết quả của trường hợp ghép tế bào gốc đầu tiên trên tạp chí y khoa thế giới, có thể nhiều người nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam,” giáo sư Liêm nói.