Sau hơn 3 năm triển khai Luật Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trên địa bàn tỉnh có trên 85 nghìn người tham gia đóng BHTN và trên 1.800 người lao động bị mất việc làm được trợ cấp thất nghiệp, học nghề với tổng số tiền 4,23 tỷ đồng. Bước đầu khẳng định đây là chính sách góp phần thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội trên địa bàn…
Ngày 1-1-2009, Luật BHTN chính thức có hiệu lực và các cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh đã nghiêm túc triển khai chính sách này trên phạm vi toàn tỉnh. Do vậy, ngay trong năm đầu thực hiện Luật BHTN đã có trên 73 nghìn người tham gia đóng BHTN và đến hết tháng 4-2012, số người tham gia đóng BHTN tăng lên trên 85 nghìn người.
Theo quy định, sau 1 năm tham gia đóng BHTN, người lao động mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp, học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm nên trong năm 2010 chỉ có 545 người lao động được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (60% của 3 tháng lương tham gia đóng bảo hiểm xã hội) đối với những trường hợp đóng BHTN đủ 12 tháng. Đến năm 2011, tăng thêm 671 người mất việc làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp và trong 4 tháng năm nay, có 600/800 người lao động đăng ký được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp, đưa tổng số lao động trong tỉnh bị mất việc làm được trợ cấp thất nghiệp lên trên 1.800 người với số tiền trợ cấp hơn 4,23 tỷ đồng (chiếm khoảng 10% Quỹ BHTN).
Số tiền trợ cấp thất nghiệp chưa phải là lớn nhưng trong thời điểm người lao động mất việc làm, không có thu nhập thì đây là khoản tiến có nhiều ý nghĩa để duy trì cuộc sống. Anh Nguyễn Quang Đông ở phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) cho biết: “Tôi công tác tại Công ty cổ phần Sửa chữa xe máy nhưng do hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty thiếu hiệu quả nên phải nghỉ việc. Sau khi mất việc làm, tôi đã đến Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số tiền trợ cấp thất nghiệp đã giúp tôi giải quyết phần nào khó khăn trong thời điểm tìm được việc làm mới…”. Xác định đây là đối tượng cần được giúp đỡ kịp thời nên từ năm 2010 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội tỉnh để giải quyết nhanh gọn thủ tục trợ cấp thất nghiệp theo thời gian quy định của Luật BHTN.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn trong tỉnh, số người được giải quyết trợ cấp thất nghiệp của Thái Nguyên chỉ ở mức trung bình so với cả nước. Người lao động trong tỉnh mất việc làm được hưởng trợ cấp thất nghiệp thời gian qua chủ yếu do chuyển vùng từ các tính phía Nam về địa phương, lao động trong thời gian chờ nghỉ chế độ hưu, còn rất ít trường hợp mất việc làm do thu hẹp sản xuất (trong 4 tháng đầu năm nay duy nhất chỉ có người lao động của Công ty Cổ phần Xi măng Cao Ngạn đề nghị được trợ cấp thất nghiệp do thu hẹp sản xuất). Điều hạn chế nhất trong công tác này là số tiền người thất nghiệp được hưởng thường rất thấp vì do nhiều doanh nghiệp chỉ tham gia đóng bảo hiểm xã hội, BHTN cho người lao động theo hệ số 1 của mức lượng tối thiểu.
Do vậy, để chính sách BHTN thực sự phát huy hiệu quả, ngoài việc các cơ quan chức năng trong tỉnh nghiêm túc triển khai theo quy định của Luật BHTN, các ngành như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội, Cục Thuế nên thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn để trang bị kiến thức pháp luật về lao động đối với người sử dụng lao động; tổ chức kiểm tra để tránh tình trạng doanh nghiệp xây dựng bảng lương của người lao động báo cáo giảm trừ thuế khác xa so với bảng lương đóng bảo hiểm xã hội, BHTN (bảng lương báo cáo giảm thuế cao hơn rất nhiều so với bảng lương đóng bảo hiểm xã hội, BHTN).
Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: “Nên sớm tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành về việc tham gia đóng bảo hiểm xã hội, BHTN của chủ sử dụng lao động để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động khi thất nghiệp và chống thất thu thuế cho Nhà nước…”. |