Bảo vệ môi trường nước hồ Núi Cốc: Luôn là vấn đề thời sự

16:32, 06/05/2012

Hồ Núi Cốc, ngoài mang ý nghĩa là một điểm du lịch sinh thái nổi tiếng gắn liền với huyền thoại nàng Công, chàng Cốc, còn đóng vai trò khá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, môi trường nước hồ Núi Cốc đang có biểu hiện ô nhiễm do ảnh hưởng từ các nguồn thải trong khu vực và phía thượng lưu.

Hồ Núi Cốc hiện đang tiếp nhận nguồn nước chủ yếu từ sông Công và một số dòng suối khác của huyện Đại Từ như: suối Mỹ Yên (xã Bình Thuận), suối Chấm (xã Lục Ba), suối Kẻn (xã Vạn Thọ). Qua kết quả quan trắc thường xuyên và định kỳ của Trung tâm Quan trắc và Công nghệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) thì chất lượng nguồn nước sông, suối tại các cửa xả đổ vào hồ đều bị ô nhiễm nhẹ hợp chất hữu cơ, coliform và dinh dưỡng. Chất lượng nước chưa thật sự đảm bảo cho mục đích sử dụng cấp nước sinh hoạt theo Quy chuẩn Việt Nam. Bản thân các sông, suối này trước khi đổ vào hồ đã phải tiếp nhận rất nhiều loại nguồn thải khác nhau, đặc biệt từ nguồn thải từ chính Khu du lịch hồ Núi Cốc và từ thị trấn Đại Từ với các chất ô nhiễm như hữu cơ, As, Fe, dầu mỡ, nitrit…

 

Đối với chất lượng nước trong lòng hồ Núi Cốc, qua quan trắc mới đây cho thấy, nước mặt trên hồ tại khu vực phía Bắc và giữa hồ bị ô nhiễm nhẹ hợp chất hữu cơ, tuy nhiên chất lượng nước tại khu vực phía Nam lại tương đối tốt, đảm bảo mục đích sử dụng nước sinh hoạt theo quy chuẩn cho phép. Ông Phạm Tất Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc và Công nghệ môi trường cho biết: Như vậy, kết quả phân tích chất lượng nước hồ Núi Cốc theo không gian thì có một số vị trí biểu hiện ô nhiễm nhẹ, đặc biệt là khu vực thượng lưu hồ, khu vực tiếp nhận các nguồn thải từ khu du lịch hồ Núi Cốc, còn theo thời gian thì diễn biến chất lượng nước hồ thay đổi không lớn nhưng có xu hướng gia tăng mức ô nhiễm.

 

Qua phân tích, đánh giá của các nhà chuyên môn thì có nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến nguồn nước hồ Núi Cốc. Ngoài các yếu tốt thuỷ văn, địa hình, môi trường sinh học, xói mòn, bồi lắng, thì còn do các yếu tố tác động khác từ con người. Yếu tố trước tiên phải kể đến là các hoạt động sản xuất công nghiệp. Trên địa bàn huyện Đại Từ (khu vực thượng lưu của hồ Núi Cốc) hiện đang có gần 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 68 cơ sở khai thác khoáng sản cùng nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Phần đông các cơ sở khai thác, do công nghệ lạc hậu đã làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường nước các nhánh sông đầu nguồn. Ước tính, hàng năm, các cơ sở này thải ra lưu vực hàng nghìn mét khối nước thải cùng hàng chục triệu tấn chất thải rắn. Điển hình là các đơn vị như: Mỏ than Núi Hồng, Xí nghiệp thiếc Đại Từ, Công ty Cơ khí mỏ Việt Bắc… Ngoài công nghiệp thì các hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ, sinh hoạt du lịch cũng góp phần ảnh hưởng không nhỏ. Dư lượng thuôc BVTV từ canh tác nông nghiệp, chất thải từ chăn nuôi gia súc, gia cầm rồi nguồn thải từ khu du lịch hồ Núi Cốc với trung bình 450 nghìn lượt khách du lịch mỗi năm cộng với việc chưa có hệ thống thu gom, xử lý rác thải của huyện Đại Từ đã ảnh hưởng khá nhiều đến môi trường nước khu vực hồ Núi Cốc…

 

Để bảo vệ môi trường nước hồ Núi Cốc, thời gian qua, tỉnh ta đã cấm triệt để được tình trạng khai thác cát, sỏi bừa bãi trên lòng hồ; tiến hành quy hoạch các bến bãi hợp vệ sinh; tổ chức nuôi trồng thuỷ sản đảm bảo môi trường sinh thái… Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp mang tính khả thi khác. Về công tác quản lý, theo các nhà chuyên môn đề xuất thì vẫn phải tập trung cho công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường đối với nhân dân; đầu tư tiềm lực cho Trạm quan trắc; công bố công khai các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; đẩy mạnh công tác giám sát cộng đồng về bảo vệ môi trường và thực hiện biện pháp buộc đóng cửa, di dời các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng ra ngoài khu vực. Về lâu dài, các nhà chuyên môn cũng cho rằng phải cần thiết tăng cường bảo vệ, trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, tiếp tục trồng rừng kinh tế, giao khoán cho nhân dân quản lý để tránh xảy ra hiện tượng rửa trôi, xói mòn, nhằm đảm bảo độ che phủ 60% diện tích đất liền. Cần thiết phải quy hoạch lại các cơ sở tuyển rửa khoáng sản trong lưu vực, đảm bảo các nguồn nước thải từ hoạt động khai khoáng phải được xử lý. Thực hiện các biện pháp thu gom xử lý nước thải các khu công nghiệp đầu nguồn, nước thải từ sinh hoạt, chăn nuôi, đồng thời yêu cầu các điểm kinh doanh du lịch phải có hệ thống vệ sinh, xử lý nước thải đảm bảo, không xả trực tiếp ra hồ. Trong quy hoạch cần xem xét phát triển nguồn lợi thuỷ sản với diện tích, số lượng thích hợp để không gây ô nhiễm.

 

Theo chúng tôi, nếu thực hiện đồng bộ tất cả những giải pháp trên thì chắc chắn môi trường nước hồ Núi Cốc sẽ được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, không phải một sớm, một chiều có thể thực hiện tất cả các giải pháp đó. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào ý chí, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh. Hơn thế nữa, nó còn phụ thuộc vào ý thức, sự chung tay cùng bảo vệ môi trường của cả cộng đồng.

 

Hồ Núi Cốc được khởi công xây dựng từ năm 1972, đưa vào khai thác năm 1978. Hồ có đập chính dài 480m cùng với 6 đập phụ khác. Diện tích mặt hồ rộng trên 2.500ha, dung tích chứa nước khoảng 175 triệu mét khối. Hồ thường xuyên cung cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho T.P Thái Nguyên với lưu lượng 7,2m3/giây; cấp nước sản xuất cho 12.000ha đất nông nghiệp của T.P Thái Nguyên và 2 huyện Phổ Yên, Phú Bình; cắt lũ cho hạ lưu Sông Công; góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học…