Cần sớm di dời các hộ dân ra khỏi vùng sụt lún

09:31, 03/05/2012

Gần 7 năm nay, 24 hộ dân ở xóm Trại Cau, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) luôn phải sống trong phấp phỏng, lo âu. Mỗi khi mưa to, gió lớn, những căn nhà nứt toác do hiện tượng sụt lún đất gây ra như bị ngả nghiêng trong mưa gió. Việc di dời trên 100 nhân khẩu của các hộ dân bị ảnh hưởng nặng ra khỏi vùng sụt lún đã được tỉnh cho chủ trương, tuy nhiên việc thực hiện Dự án thì chưa được tiến hành, trong khi mùa mưa, bão đang đến rất gần.

Sống trong sợ hãi

 

Có mặt tại khu vực xảy ra hiện tượng sụt lún thuộc địa phận xóm Trại Cau, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) vào một ngày cuối tháng tháng 4, điều chúng tôi cảm nhận được là sự lo âu của các hộ dân nơi đây. Ông Lại Văn Nguyên, Trưởng xóm nói: Không lo lắng sao được khi mùa mưa, bão đang đến gần. Nhất là từ sau khi vụ sạt lở ở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ nằm trên địa bàn xã Phục Linh (Đại Từ) xảy ra, bà con rất hoang mang. Có thể hôm nay, cuộc sống vẫn đang tiếp diễn bình thường nhưng biết đâu ngày mai, khi mưa to, gió lớn xảy ra, cả khu vực này sẽ bị tụt sâu dưới lòng đất.

 

Hiện tượng sụt lún đất ở xóm Trại Cau bắt đầu xuất hiện từ năm 2005 và ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn. Ban đầu là việc xuất hiện các hố sâu từ 1-4m ở các thửa ruộng, tiếp đó là hiện tượng cạn kiệt nguồn nước ở các thửa ruộng, giếng đào của người dân... Ông Nguyên cho biết thêm: Sụt lún xảy ra đã ảnh hưởng tới gần 20 ha đất sản xuất của xóm. Nghiêm trọng hơn, hiện tượng sụt lún đã làm nhà cửa, công trình xây dựng của 24 trong tổng số 140 hộ dân trong xóm bị nứt, vỡ. Nhiều gia đình vì quá lo lắng đã phải di chuyển bất đắc dĩ ra khỏi khu vực này dù chưa nhận được sự hỗ trợ nào.

 

Mục sở thị những ngôi nhà hoang, những ngôi nhà, tường bị nứt toác, chúng tôi thấy ái ngại cho các hộ dân nơi đây. 3 gia đình đã di chuyển đi từ đầu năm 2010 là ông Lại Văn Thái, bà Dương Thị Sinh, bà Phạm Thị Bích. Gia đình ông Lại Văn Thái, đang nửa đêm, ở dưới gầm giường của ông bỗng xuất hiện một hố sụt lớn. Vậy là ngay sau đó, ông đành phải di dời nhà đến nơi ở mới. Còn ngôi nhà 5 gian của bà Dương Thị Sinh thì đã xuất hiện tình trạng nứt tường rất lớn. Thấy nguy hiểm, gia đình bà đã chuyển xuống nhà bếp ở, rồi đào móng xây một ngôi nhà khác sang bên cạnh. Tuy nhiên, ngay khi móng nhà vừa xây xong thì cũng xuất hiện những vết nứt khá to và ngôi nhà 5 gian của bà cũng bị đổ. Vậy là cả nhà đành chuyển ra cách đó 1km để dựng nhà ở tạm. Bà Sinh, năm nay đã 77 tuổi cho hay: Không có tiền, tôi phải vay Ngân hàng 20 triệu đồng và vay của anh em, bạn bè trên 40 triệu đồng để xây nhà.

 

Cũng vì hiện tượng sụt lún này mà gần 7 năm nay, người dân ở khu vực này không dám kiến thiết, sửa sang nhà cửa. Theo cụ Lại Văn Tài, một người dân trong xóm: Thấy nhà cửa bị nứt, chúng tôi sửa sang lại nhưng chỉ được vài hôm là nhiều vết nứt khác lại xuất hiện.

 

Mong sớm được di dời

 

Hiện tượng sụt lún đất ở xóm Trại Cau được xác định là do việc khai thác quặng sắt tại moong Thác lạc 3 của Mỏ sắt Trại Cau (Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên). Năm 2011, tuy Mỏ đã dừng việc khai thác tại đây nhưng nguy cơ sụt lún vẫn còn tiềm ẩn rất lớn.

 

Để giải quyết tình trạng này, xã, huyện Đồng Hỷ, tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt. Mới đây nhất, tại Thông báo số 18, ngày 30-3, UBND tỉnh cũng đã khẳng định việc sụt lún đất đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của một số hộ dân và đã chỉ đạo Mỏ sắt Trại Cau, chính quyền địa phương phải quan tâm triển khai kịp thời một số việc cần thiết để hỗ trợ, di dời các hộ bị ảnh hưởng nặng ra khỏi vùng nguy hiểm, tránh để tình trạng đáng tiếc xảy ra. Tiếp đó, đến cuối tháng 4, UBND tỉnh đã đống ý cho Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh thực hiện Dự án di dân vùng sụt lún, xã Cây Thị. Tuy nhiên, mùa mưa bão đang đến rấn gần nên việc di dời các hộ dân nơi đây cần phải thực hiện khẩn trương, tránh để xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

 

Ông Phạm Thanh Sao, Chủ tịch UBND xã Cây Thị: Mong rằng việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng bị ảnh hưởng thực hiện càng sớm, càng tốt. Theo đó, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân cần đảm bảo sát với thực tế.

 

Ông Lại Văn Nguyên, Trưởng xóm Trại Cau: Việc di dời các hộ dân đã được nói đến nhiều rồi, nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Bà con đã quá mệt mỏi vì phải chờ đợi rồi.

 

 

Ông Lại Văn Tài, 78 tuổi: Mỗi khi mùa mưa tới, chúng tôi luôn phải sống trong sợ hãi, chỉ lo mưa, bão sẽ đánh sập những ngôi nhà nứt toác bất cứ lúc nào. Nhất là những hôm mưa to, gió lớn, chúng tôi luôn phải trong tư thế sẵn sàng để khi có bất chắc là cả nhà chạy ra ngoài vườn