Mặc dù vài ngày trở lại đây, rải rác có những trận mưa nhỏ, nhưng lượng nhỏ không đủ tích nước tại các hồ thủy lợi khiến nhiều diện tích lúa xuân ở Định Hóa vẫn bị thiếu nước trầm trọng…
Mặc dù vài ngày trở lại đây, rải rác có những trận mưa nhỏ tại một số xã như Phú Đình, Điềm Mặc…, nhưng lượng không quá 2,5 mm nên không đủ tích nước tại các hồ thủy lợi đã khô cạn khiến nhiều diện tích lúa xuân đang trong thời kỳ đứng cái làm đòng vẫn bị thiếu nước trầm trọng, một số diện tích lúa bị khô hạn lâu ngày bắt đầu ngả màu vàng, có nguy cơ khô cháy.
Chúng tôi có mặt tại cánh đồng Đồng Quang, thuộc xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên chứng kiến cảnh bà con nơi đây chống hạn. Từ sáng sớm, nhiều người tìm cách khơi mương để đưa lượng nước ít ỏi từ các mương nước, suối gần đó vào ruộng. Cánh đồng này chính là vựa lúa chính của xã Bình Yên, nếu vụ này thất thu thì đời sống của bà con nơi đây sẽ gặp nhiều khó khăn. Ông Ma Quang Kỳ, Trưởng xóm Thẩm Rộc than thở: Từ khi cấy tới giờ, hơn 1 mẫu ruộng của gia đình tôi luôn trong tình trạng khô hạn. Gia đình đã phải nhiều lần bơm nước từ suối lên ruộng mặc dù rất tốn kém. Nhưng ở thời điểm hiện tại, suối cạn khô, chúng tôi chỉ còn biết “bó tay” nhìn ruộng nứt nẻ.
Vụ xuân năm nay, xã Bình Yên gieo cấy 114 ha lúa, theo nhận định của ông Ma Công Đoàn, Phó Chủ tịch UBND xã: Thời điểm này khoảng 105ha/114 ha diện tích lúa rơi vào tình trạng khô hạn và chỉ có 2,5 ha có thể chủ động được nguồn nước tưới; cả xã trồng được hơn 30 ha ngô xuân, rau màu, thì khoảng 18,5 ha ngô bị héo lá do không có nước tưới và có khả năng sẽ bị mất trắng. Xã đã chỉ đạo bà con tận dụng tất cả các nguồn nước từ ao, hồ, suối, giếng… để cứu lúa. Tuy nhiên, hiện nước tại các hồ, suối đều cạn xuống mức thấp khiến việc bơm, tát nước vào ruộng để cứu lúa của bà con trong xã gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn của xã Bình Yên cũng là tình trạng chung của hầu hết các xã trên địa bàn huyện Định Hoá. Được biết, trên địa bàn hiện nay có 5 công trình hồ chứa nước lớn do Trạm khai thác thủy lợi quản lý và điều tiết nước. Hiên nay, lưu lượng nước tại các hồ lớn đã xuống đến mức nước báo động. Hồ Bó Vàng tại xã Thanh Định với mực nước dự trữ hàng năm phục vụ tưới tiêu cho trên 100 ha diện tích lúa của 2 xã Thanh Định và Bình Yên, đã ở mực nước chết hơn 10 ngày nay. Hồ Làng Gầy xã Phúc Chu mực nước trong hồ còn là 1,5m, Hồ Bản Piềng hiện nay mực nước trong hồ còn 3 m, lượng nước này chỉ đủ tưới cho một đợt nữa. Hồ Nà Tấc xã Lam Vỹ đang có mức nước là 185/190m, đây là hồ còn lượng nước nhiều nhất trong các hồ lớn. Hồ Bảo linh là hồ lớn nhất trên địa bàn huyện chỉ còn 4,8m nước nữa là ở mực nước chết, hiện vẫn đang mở nước phục vụ tưới dưỡng lúa cho các xã sau hồ.
Ngô cháy hết lá không còn khả năng cho thu hoạch nên người dân dùng làm thức ăn cho ngựa
Mới đây, Huyện ủy, UBND huyện Định Hoá đã thành lập 4 Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 24/24 xã, thị trấn để nắm bắt cụ thể tình hình hạn hán, sâu bệnh và công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn huyện. Theo số liệu thống kế sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Định Hoá, hiện trên địa bàn toàn huyện có 2.828 ha lúa bị khô hạn không có nước tưới dưỡng, chiếm trên 70% diện tích lúa trong toàn huyện, trong đó có 1.289 ha lúa không có khả năng bơm, tát; hầu hết diện tích ngô trên núi và một số diện tích ngô không chủ động được nước tưới đang có nguy cơ mất trắng. Một số xã có diện tích lúa khô hạn chiếm tỷ lệ cao như xã Kim Sơn (88 ha/98 ha), Linh Thông (146 ha/154 ha), Quy Kỳ (35 ha ngô bị cháy), Tân Thịnh, Kim Phượng ...
Nắng nóng cộng với tình trạng thiếu nước trầm trọng đã trở thành môi trường thuận lợi để rầy lưng trắng sinh trưởng mạnh. Hiện tại, diện tích lúa bị nhiễm rầy của toàn huyện khoảng 1.532 ha, trong đó, bị nhiễm nặng là 265,5 ha; bị cháy rầy khoảng 33,5 ha. Bà Triệu Thị Nga, Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Trước tình hình khô hạn kéo dài gây ảnh hưởng đến hiệu quả trong sản xuất nông lâm nghiệp, Phòng đã họp với các phòng ban liên quan như Trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật, Trạm khai thác thủy lợi để tham mưu cho Ban Chỉ đạo về công tác phòng chống hạn và sâu bệnh hại lúa. Huyện cũng chỉ đạo Tổ kỹ thuật, các phòng ban liên quan cử cán bộ bám sát từng xã để chỉ đạo, tư vấn, hướng dẫn cho nông dân về phòng chống hạn và sâu bệnh; huy động tất cả máy bơm nước để sử dụng bơm, tát nước tại các hồ, đập, suối… với phương châm “còn nước, còn tát” để cứu lúa.
Ông Ma Quang Kỳ, xóm Thẩm Rộc, xã Bình Yên: Tôi chưa thấy năm nào hạn hán kéo dài như năm nay, chúng tôi đã tìm mọi cách để bơm nước vào đồng cứu lúa. Nhưng nếu thời tiết nắng nóng còn kéo dài, chúng tôi đề nghị huyện hỗ trợ bà còn kinh phí để khoan giếng tại đồng ruộng để kịp thời cứu được phần nào diện tích lúa xuân.
Bà Lý Thị Bảy, xóm Nà Khao, thị trấn Chợ Chu: Người dân chúng tôi “hết đường” rồi, đến lấy nước phun thuốc cho lúa cũng phải đi gánh từ suối cách ruộng đến hơn 1km. Nếu thời gian tới, trời có mưa to thì may ra 6 sào ruộng của gia đình tôi mới được thu hoạch. |