Chuyện kể nơi đầu sóng

16:23, 09/05/2012

Chúng tôi đến Trường Sa mang theo tình cảm và hơi ấm từ đất liền đến với quân, dân nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Mỗi ngày đi, mỗi điểm đến, mỗi người chúng tôi gặp đều là những kỷ niệm không thể quên…

Đến với Trường Sa, chúng tôi cứ ngỡ là để chia sẻ, cổ vũ, động viên quân, dân nơi đây. Thế nhưng, tôi cảm nhận chính họ lại là những người đã cổ vũ, động viên chúng tôi. Chính họ đã dạy chúng tôi cách sống, cách chia sẻ với đồng chí, đồng đội trong những lúc gian khó. Những câu chuyện, những hành động của họ mang đậm nét nhân văn, văn hóa sâu sắc.

 

Trong hải trình của mình, chúng tôi đến xã đảo Sinh Tồn. Đây là hòn đảo tuyệt đẹp giữa Biển Đông với những cây mù u, phong ba, bàng vuông, phi lao, rau muống biển xanh mượt. Đến thăm quân, dân nơi đảo xa, những lời ca tiếng hát, lời thăm hỏi động viên cứ làm chúng tôi lưu luyến chẳng muốn rời. Nhưng rồi phút chia tay cũng đên, chúng tôi được lệnh về tàu HQ 571, tuy nhiên khi đó thủy triều đã xuống, xuồng không thể tiếp cận âu tầu đón đoàn. Trước tình huống đó, các chiến sĩ Hải quân đã cẩn thận đỡ từng thành viên lên thuyền thúng, rồi ngâm mình dưới nước biển mặn mòi để đẩy thuyền thúng đưa chúng tôi lên xuồng máy.

 

Một trong những câu chuyện ấn tượng trong hải trình này là đêm chúng tôi ngủ lại tại xã đảo Song Tử Tây. Khi có khách từ đất liền đến thăm, không khí trong từng gia đình, từng phân đội Hải quân nhộn nhịp hẳn lên, nhất là các cháu bé rất hồn nhiên, chúng sà vào lòng chúng tôi chuyện trò tíu tít.

 

Gia đình anh Hồ Dương và cháu Hồ Song Tất Minh (ngồi dưới) có cuộc sống hạnh phúc nơi đảo xa.

 

Là 1 trong 7 hộ dân từ Cam Ranh (Khánh Hòa) ra đảo sinh sống đã được hơn 4 năm, anh Hồ Dương kể về cuộc sống của gia đình mình mà chỉ ở đây mới có: Năm kia có đoàn cán bộ lực lượng vũ trang ra thăm quân, dân đảo Song Tử Tây. Thời điểm đó, vợ Dương đang mang bầu, thấy vậy, các đồng chí trong đoàn đề nghị được đặt tên cho cháu. Tuy nhiên, không biết cháu là con trai hay con gái, vì không có máy siêu âm, nhưng các đồng chí bảo là con nào cũng được, cứ đặt tên cháu là Hồ Song Tất Minh. Và vợ chồng Dương đã đồng ý. Sau khoảng thời gian không lâu, bé gái Hồ Song Tất Minh đã cất tiếng khóc chào đời - là công dân nhí đầu tiên sinh ra trên đảo Song Tử Tây - trong niềm vui, niềm hạnh phúc của tất cả quân, dân nơi tiền tiêu Tổ quốc này!

 

Câu chuyện không dừng lại ở đó, mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 1 (Bộ Công an), chính là người đặt tên cho cháu, đã gửi quà tặng Hồ Song Tất Minh. Gia đình nhận được quà mà không biết làm thế nào để gửi lời cảm ơn tới đồng chí Minh. Biết chúng tôi là nhà báo, Dương liền bảo: “May quá, qua phương tiện thông tin đại chúng nhờ các anh nói giúp tới bác Minh là cháu Hồ Song Tất Minh đã được sinh ra khỏe mạnh, xinh đẹp. Các gia đình trên đảo rất nhớ bác, nhớ mọi người!”.

 

Lại thêm một câu chuyện nữa trong đêm chúng tôi ngủ lại ở Song Tử Tây. Đêm ấy, các chiến sĩ Hải quân đã nhường toàn bộ giường, quạt điện, màn chống muỗi cho chúng tôi. Anh Chu Phương Ngôn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên hỏi: Vậy các chiến sĩ ngủ đâu? Tất cả đều bảo: “Các chú cứ ngủ đi, chúng cháu có phòng ngủ riêng rồi…”.

 

Nửa đêm tôi thức dậy, thấy mấy chiến sĩ thì thầm với nhau: “Kiếm lấy mảnh giấy để đuổi muỗi, mà các cậu nói khẽ thôi để các chú trong Đoàn công tác còn ngủ!”. Tôi chồm dậy, nhìn ra ngoài, hình ảnh đập vào mắt: Tất cả các chiến sĩ đang nằm ngoài hiên. Thì ra, họ đã nói dối là có phòng ngủ riêng. Làm gì có phòng riêng mà đó là hành lang, là cả đêm họ đã thức cho chúng tôi ngủ!

 

Ở Song Tử Tây, muỗi nhiều vô kể, chỉ cần hở ra một tí là hàng chục con muỗi lao đến. Thế mà đêm ấy, tất cả các chiến sĩ đều nằm ngoài hiên, chấp nhận bị muỗi đốt, dành những phần thuận lợi nhất cho chúng tôi…

 

Xã đảo Song Tử Tây nhìn từ xa như một khu rừng nhỏ nằm giữa đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa quyện với màu xanh của biển tạo nên màu xanh thanh bình. Trên đảo có 7 học sinh, được chia thành 5 lớp học: 1 cháu học lớp 1; 2 cháu học lớp 2; 2 cháu học lớp 3; 1 cháu học lớp 4 và 1 cháu học lớp 5. Thế nhưng, cán bộ, chiến sĩ nơi đây vẫn duy trì đều đặn lịch học, ân cần chăm sóc các cháu và cháu nào cũng cần mẫn, ham học, có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

 

Quân, dân nơi đây đã sống như thế đấy. Họ không chỉ vững chắc tay súng nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ biển, đảo chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn nhường cơm, sẻ áo cho chính đồng bào, đồng chí mình! Ở họ luôn sáng ngời phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ!