Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Định Hóa đã tổ chức được gần 20 lớp dạy nghề cho đối tượng nông dân. Số lượng này tuy không lớn nhưng điều đáng ghi nhận là các lớp dạy nghề đều sát với nhu cầu thực tế và đạt được hiệu quả thiết thực.
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Dạy nghề huyện Định Hóa đã tổ chức được gần 20 lớp dạy nghề cho đối tượng nông dân. Số lượng này tuy không lớn nhưng điều đáng ghi nhận là các lớp dạy nghề đều sát với nhu cầu thực tế và đạt được hiệu quả thiết thực.
Trong số 11 nhóm nghề có trong khung quy định, huyện Định Hóa chỉ lựa chọn đào tạo 4 nhóm nghề đào tạo là: Chăn nuôi thú y; kỹ thuật trồng trọt - bảo vệ thực vật; sửa chữa máy nông nghiệp và tin học. Trong đó, lớp tin học dành riêng cho các đối tượng là thanh niên dân tộc thiểu số, đã tốt nghiệp THPT để họ bước đầu có những kiến thức tin học căn bản phục vụ cho nhu cầu tra cứu và học tập cao hơn sau này. Theo ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Định Hóa: Việc lựa chọn các ngành nghề đào tạo hoàn toàn dựa trên nhu cầu thực tế của nông dân. Trung tâm đã tích cực phối hợp với cơ sở, đặc biệt là các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…Để khảo sát nhu cầu học nghề của người dân. Từ đó, lập kế hoạch mở các lớp đào tạo phù hợp.
Với đặc thù là địa phương miền núi, không có các khu công nghiệp đóng chân trên địa bàn nên nhu cầu học nghề của người dân Định Hóa chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phục vụ nhu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các cây trồng, vật nuôi của gia đình. Nắm bắt được thực tế này, Trung tâm Dạy nghề huyện Định Hóa đã tổ chức các lớp dạy nghề ngay tại xã, xóm thay cho học việc học tại Trung tâm. Hình thức dạy học cũng trực quan, sinh động theo lối “cầm tay chỉ việc” để người dân dễ nắm bắt. Trực tiếp dự và quản lý lớp học đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp được tổ chức tại nhà văn hóa xóm Sơn Vinh 2, xã Sơn Phú, Trưởng xóm Ma Văn Lợi phấn khởi cho biết: “Nội dung chương trình giảng dạy rất dễ hiểu và thiết thực. Sau khi học lý thuyết trên lớp, các học viên được thực hành tại nhà, với dụng cụ thực hành chính là những chiếc máy cày, máy bơm nước của gia đình mình. Những thắc mắc của học viên được các giáo viên trực tiếp giải đáp, chỉ dẫn trên máy nên dễ hiểu và nhớ lâu”. Bản thân gia đình ông Lợi cũng có 2 người con tham gia lớp học. Con út Ma Văn Lý sau khi tốt nghiệp khóa học (tháng 11-2011) đã được nhận làm sửa chữa máy tại các công trình xây dựng với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Người con cả là Ma Văn Quyền làm dịch vụ sửa chữa lưu động tại địa phương. Anh Ma Văn Chinh, cũng là học viên lớp học tại xóm Sơn Vinh 2 chia sẻ: “Gia đình tôi đã mua máy cày được 8 năm. Trước đây, chỉ hỏng hóc thông thường như kẹt kim, hỏng bơm hay tắc dầu mỡ là tôi phải đi gọi thợ sửa chữa cách gần chục cây số, tiền công mỗi lần cũng tốn một, hai trăm nghìn đồng. Nay tôi đã tự mình sửa chữa được những trục trặc đó, lại có thể giúp được những gia đình có máy trong xóm”.
Đối với chị Lưu Thị Hiền, xóm Nà Linh, xã Bảo Cường, những kiến thức chăn nuôi thú y đã học được đã giúp ích chị rất nhiều trong việc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại. Cuối năm 2009, sau khi tốt nghiệp lớp sơ cấp chăn nuôi thú y do Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức, chị Hiền đã cải tạo lại hệ thống chuồng trại đảm bảo thông thoáng, hợp vệ sinh, tăng quy mô nuôi lên hơn 100 cong lợn thịt. Quy trình về cách ly, tiêm phòng vacxin cho gia súc cũng được gia đình chị tuân thủ nghiêm ngặt. Chính vì vậy, đợt dịch bệnh lợ mồm long móng trên đàn gia súc đầu năm 2011, trong khi nhiều trang trại của huyện Định Hóa bị thiệt hại lớn thì đàn gia súc của gia đình chị Hiền hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được thiệt hại cả trăm triệu đồng.
Hiệu quả là vậy nhưng điều băn khoăn của nhiều hộ dân và cả Trung tâm Dạy nghề huyện là chỉ tiêu và kinh phí đạo tạo nghề cho nông dân còn hạn chế. Trong 2 năm 2010 và 2011, Trung tâm dạy nghề huyện Định Hóa mới đạo tạo được gần 500 lao động nông nghiệp, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực thế. Ý kiến của anh Ma Văn Chinh, cũng chính là nguyện vọng chung của những người nông dân huyện Định Hóa: “Chúng tôi mong muốn sẽ có nhiều lớp dạy nghề hơn nữa, để có kiến thức khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất và làm giàu ngay tại quê hương”.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Định Hóa: Hiện nay, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn trên địa bàn là rất lớn. Chúng tôi mong muốn cấp trên tăng chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giao chỉ tiêu sớm từ đầu năm để đơn vị chủ động kế hoạch đào tạo.
Ông Ma Quang Trì, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú: Chúng tôi mong muốn có những lớp học dài ngày, đào tạo cho nông dân quy trình hoàn chỉnh từ trồng, chăm sóc, chế biến và tiêu thụ nông sản thay cho cho các lớp tập huấn ngắn hạn chỉ 3 - 5 ngày. Đối với Sơn Phú, người dân đang rất cần học kỹ thuật về sản xuất chè an toàn, trồng nấm, chăn nuôi thú y…
Anh Ma Tình Vì, xóm Sơn Vinh 2, xã Sơn Phú: Những lớp tập huấn ngay tại cơ sở, theo kiểu “cầm tay chỉ việc” rất phù hợp và hiệu quả. Sau 3 tháng học nghề sửa chữa máy nông nghiệp, tôi đã có thể tự sửa chữa máy móc của gia đình và sửa chữa lưu động tại địa phương. |
Tính đến tháng 3-2012, huyện Định Hóa có 57.900 người trong độ tuổi lao động. Trong số này, đã có 9.929 lao động đã và đang được đạo tạo nghề, chiếm 17,1%. Theo khảo sát, hằng năm có khoảng 5 nghìn lao động nông thôn tìm hiểu và đăng ký học nghề qua Trung tâm Dạy nghề huyện nhưng số lượng được đào tạo chỉ chiếm khoảng 10%. |