Đem lại niềm vui cho người tàn tật

14:28, 10/05/2012

Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên được giao nhiệm vụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Thái Nguyên và trẻ em tàn tật thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc…

Hơn 15 năm xây dựng và phát triển, từ một Trung tâm Chỉnh hình và Phục hồi chức năng trẻ tàn tật Bắc Thái, đến tháng 8 năm 2011, Trung tâm được UBND tỉnh ra Quyết định chuyển đổi tổ chức và nâng cấp thành Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Thái Nguyên. Đây là bước phát triển mang tính đột phá tạo cho Bệnh viện nhiều thuận lợi để phát triển.

 

Bệnh viện có mặt bằng rộng, thuận tiện giao thông, các khoa, phòng, ban được thiết kế liên hoàn đồng bộ. Toàn bệnh viện có 52 cán bộ, y bác sỹ, kỹ thuật viên, có trình độ chuyên môn cao, nhiệt tình có trách nhiệm trong công việc. Bệnh viện có quy mô 100 giường nội trú và 30 giường ngoại trú. Bệnh viện được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Thái Nguyên và trẻ em tàn tật thuộc 8 tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Chức năng chính là khám, chẩn đoán, điều trị phẫu thuật và phục hồi chức năng; sản xuất dụng cụ chỉnh hình; lập kế hoạch tuyến dưới; đào tạo chuyên môn cho cán bộ lĩnh vực chỉnh hình và phục hồi chức năng; nghiên cứu khoa học chuyên ngành chỉnh hình và phục hồi chức năng; hợp tác quốc tế về chuyên môn chỉnh hình và phục hồi chức năng. Chỉ tỉnh riêng năm 2011 Bệnh viện đã khám cho 4.300 lượt người, bằng 143,3% kế hoạch; giường nội trú bằng 102%; tiếp nhận vào điều trị 1.100 bệnh nhân bằng 157; phẫu thuật 420 ca bằng 140% kế hoạch; 1.000 ca phục hồi chức năng, bằng 142,8% kế hoạch. 100% ca phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng đều đạt yêu cầu, nhiều ca đạt kết quả tốt, được người bệnh tin tưởng, khen ngợi.

 

Bà Lục Thị Tơ ở xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang có con là  Hoàng Thị Phương Anh đang điều trị sẹo bỏng ở đây cho biết:

 

- Cháu được các bác sĩ, hộ lý tận tình chăm sóc đến nay vết mổ của cháu đã lành. Từ chỗ cháu vận động khó nay đã vận động được bình thường.

 

Còn cháu Lý Văn Hùng dân tộc Mông ở xóm Khẩu Pao, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng do bị ngã dúi tay vào bếp lửa nên cả bàn tay bị co gân khoèo cứng, đang được bệnh viện mổ kéo bàn tay lại như cũ. Gia đình rất phấn khởi và tin tưởng.

 

Bệnh viện từng bước triển khai thực hiện thành công các phẫu thuật khó như: Mổ ghép xương tự thân; phẫu thuật nẹp vít gẫy xương; phẫu thuật chỉnh trục; phẫu thuật bàn chân khoèo; phẫu thuật tạo hình bỏng; phẫu thuật tạo hình hở hàm ếch, sứt môi thẩm mỹ có hiệu quả. Bệnh viện còn chủ động mở rộng mối quan hệ với nhiều tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước như: Trung tâm cứu trợ II; Tổ chức phẫu thuật chỉnh hình Mỹ; Tổ chức chân giả ngoại tuyến POF; Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ ICRC; Chữ thập đỏ xanh, SAP-VN… nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức mà nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được khám điều trị. Cũng nhờ đó, đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của bệnh viện được nâng cao chuyên môn và có thêm nguồn kinh phí để phục vụ công tác khám, chữa bệnh.

 

Với những kết quả đã đạt được, năm 2011, Bệnh viện được Bộ Lao động Thương binh, Xã hội tặng Bằng khen.