Nhiều năm qua, UBND tỉnh đã có chính sách hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo nghề dài hạn đối với lao động trong tỉnh nhằm bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề cao cho các công ty, dự án...
Song, với cách làm là ký hợp đồng và chuyển trực tiếp kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo nên rất khó giám sát sau đào tạo nghề (người lao động có tìm được việc làm phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo hay không) gặp nhiều khó khăn và hiệu quả không cao. Từ những hạn chế này, từ năm 2012, UBND tỉnh đã có sự thay đổi trong việc hỗ trợ kinh phí. Thay vì việc chuyển kinh phí cho các cơ sở đào tạo UBND tỉnh thực hiện chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp nào tuyển dụng lao động là người địa phương để đưa đi đào tạo. Công ty TNHH Khai thác, Chế biến Khoáng sản Núi Pháo là đơn vị đầu tiên của tỉnh nhận được nguồn kinh phí hỗ trợ này.
Quý I-2012, trực tiếp đồng chí Ma Thị Nguyệt, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã dự Hội nghị về vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho người dân mất đất sản xuất thuộc Dự án Núi Pháo để tìm hiểu nguyện vọng của người dân, đại diện chính quyền địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp. Sau hội nghị, UBND tỉnh chấp thuận thực hiện hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề với mức 500 nghìn đồng/lao động/tháng đối với những người thuộc diện bị thu hồi đất sản xuất của Dự án (NuiPhao Mining công khai vị trí cần tuyển dụng và cam kết sử dụng lao động sau khi tốt nghiệp). Ông Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: “Số tiền hỗ trợ đào tạo nghề không lớn nhưng thể hiện rõ sự quan tâm của tỉnh đối với người lao động và doanh nghiệp. Với phương pháp làm như trên thì người lao động trong tỉnh bị mất đất sản xuất sẽ có cơ hội được học nghề, giải quyết việc làm ngay tại địa phương”.
NuiPhao Mining đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền các xã bị ảnh hưởng bởi Dự án và các các ngành chức năng của huyện, tỉnh thực hiện việc công khai nhu cầu sử dụng lao động, chọn lựa đối tượng thuộc diện bị mất đất sản xuất để tuyển dụng. Cùng đó, doanh nghiệp này đã chọn Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Việt Bắc-VINACOMIN để hợp đồng đào tạo trình độ trung cấp nghề (thời gian học 15 tháng) về tuyển khoáng cho 170 lao động và hỗ trợ người lao động trong thời gian học nghề với mức trên 2 triệu đồng/người/tháng (tương đương 100USD/tháng); tổ chức đưa, đón người lao động trong thời gian học tập...
Chị Trần Thị Thu Trang ở đội 1, xã Hùng Sơn thông tin: “UBND tỉnh hỗ trợ học phí, Công ty hỗ trợ tiền sinh hoạt và có các chế độ ưu đãi khác nên tất cả học viên đều cố gắng học tập. Điều em yên tâm nhất là sau khi kết thúc học tập, đạt trình độ theo yêu cầu sẽ có việc làm, thu nhập ổn định”. Từ những kết bước đầu trong công tác hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động ở NuiPhao Mining cho thấy chủ trương của tỉnh đã đi đúng hướng, nhận được đồng tình của người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề.
Trong năm 2012, UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề dài hạn cho 700 lao động nên các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu về nguồn nhân lực tay nghề cao và cam kết sử dụng lao động lâu dài nên sớm liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, giải quyết.