Luật sư góp phần thực hiện cải cách tư pháp

08:57, 16/05/2012

Trong những năm qua, đội ngũ luật sư của Đoàn Luật sư (ĐLS) tỉnh với sự tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của mình đã góp phần hiện thực hóa Chiến lược cải cách tư pháp (CCTP).

Luật sư Phan Thanh Long, Chủ nhiệm ĐLS tỉnh cho biết: Hiện nay, ĐLS tỉnh có 25 luật sư và 19 văn phòng luật sư (VPLS - năm 2005 có 15 luật sư và 4 văn phòng), trong đó có nhiều người là lãnh đạo của các cơ quan tố tụng. Đội ngũ luật sư không chỉ thực hiện việc tư vấn pháp luật, tham gia vào những vụ án do Nhà nước cử, cơ quan tố tụng yêu cầu mà còn đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng...”.

 

Đến một số VPLS của T.P Thái Nguyên như: Sao Mai, Đức Toàn, Thanh Nghĩa… chúng tôi mới thấy được nhu cầu tất yếu và ngày càng cao của công dân trong việc tư vấn pháp luật hoặc mời luật sư tham gia “đấu tranh” đòi lại quyền và lợi ích chính đáng của mình trước các vụ việc. Chị Lê Thị H, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) có mặt tại VPLS Đức Toàn nói: “Tôi cho người khác vay tiền, có viết giấy chứng nhận… đến nay đã quá hạn nhưng họ không trả và tìm cách trốn trách trách nhiệm nên tôi đến nhờ luật sư tư vấn. Tôi muốn biết các bước thực hiện để đòi lại quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật”. Được biết, một VPLS mỗi năm tư vấn pháp luật cho khoảng 50 trường hợp, nhận từ 5 đến 7 vụ án do cơ quan tố tụng hoặc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước yêu cầu và thụ lý trên 15 vụ việc do khách hàng mời.

 

Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, ĐLS đã thụ lý trên 1.300 vụ án. Trong đó, có trên 600 vụ do cơ quan tố tụng yêu cầu và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước cử, còn lại là các vụ việc do khách hàng mời. Khi được tham gia tố tụng, các luật sư không chỉ giúp bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm...

 

Trong rất nhiều vụ án được tham gia, luật sư đã yêu cầu cơ quan tố tụng hoàn trả 19 hồ sơ để điều tra bổ sung, đề nghị cho trên 70 bị cáo được hưởng án treo, minh chứng cho 4 trường hợp không phạm tội và yêu cầu hủy trên 30 vụ án... Trong khi nghiên cứu hồ sơ, tham gia tố tụng, các luật sư đã chỉ ra được nhiều hạn chế, thiếu sót của các cơ quan liên quan như: quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đánh giá chứng cứ không khách quan, toàn diện, vi phạm Luật Tố tụng. Đặc biệt là các vụ án bị hủy.

 

* Văn phòng luật sư Sao Mai: SN 50, ngõ 48, Đường Phù Liễn, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên).

Trưởng đại diện: Luật sư Phan Thanh Long, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh.

Điện thoại: 0280.3852.227 - DĐ: 0945.514.899

 

* Văn phòng luật sư Đức Toàn: SN 360, Đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên).

Trưởng đại diện: Luật sư Nguyễn Đức Toàn.

ĐT: 0280.3855.273 - DĐ: 0975.764.409.

 

* Văn phòng luật sư Thắng Lợi: SN 187, tổ 11, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.

Trưởng đại diện: Luật sư: Nguyễn Hằng Được.

Điện thoại: 0912.737.126

 

* Văn phòng luật sư Thanh Nghĩa: SN 18, tổ 17, đường Phan Đình Phùng, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên.

Trưởng đại diện: Luật sư: Nguyễn Thị Thanh Nghĩa

ĐT: 0915.463.259

Có thể nhắc đến những vụ án đã được luật sư giúp làm sáng tỏ, đem lại quyền lợi chính đáng cho các đương sự như vụ án của anh Lê Văn Thuận bị TAND huyện Phổ Yên kết án 15 tháng tù giam về tội “Cố ý gây thương tích”. Sau khi được luật sư tư vấn, tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, TAND tỉnh đã hủy phần kết tội đối với anh Thuận. Vụ án của anh Nguyễn Hương Ly, Nguyễn Hải Đăng (T.P Thái Nguyên) sau nhiều lần bị TAND Thành phố xét xử, kết tội nhưng nhờ sự tham gia tranh tụng của luật sư mà TAND tỉnh đã tuyên hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại.

 

Hoặc vụ của chị Nguyễn Thị Hạnh kiện chị Tạ Thúy Vinh (T.P Thái Nguyên) lấn chiếm đất của mình để làm nhà. TAND Thành phố và TAND tỉnh đều tuyên án chị Vinh không lấn chiếm đất của chị Hạnh. Luật sư đã hướng dẫn chị Hạnh làm đơn đề nghị xét lại bản án theo thủ tục Giám đốc thẩm. Kết quả, TAND tối cao đã hủy cả 2 bản án nêu trên và yêu cầu xử lại. Khi TAND Thành phố chưa kịp xử lại theo trình tự thì chị Vinh đã xin lỗi và bồi thường diện tích đất đã lấn chiếm cho chị Hạnh...

 

Bên cạnh hoạt động tranh tụng, tư vấn pháp luật cũng là một nhiệm vụ quan trọng của luật sư. Luật sư tư vấn pháp luật đúng sẽ làm cho người được hưởng tư vấn hiểu rõ đúng sai để có biện pháp giải quyết phù hợp vừa mang lại hiệu quả vừa tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Từ năm 2007 đến nay, các văn phòng luật sư đã tư vấn cho trên 2.000 trường hợp. Điều đáng nói là, trong số đó, có tới 60% trường hợp thuộc các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tư vấn miễn phí.

 

Không những vậy, ĐLS còn cử các cộng tác viên đi trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện, xã để tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho người dân. ĐLS cũng đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh, một số phường, xã của T.P Thái Nguyên thực hiện các buổi tư vấn về: Luật Đất đai, Nghị định của Chính phủ về quy hoạch, đền bù khi Nhà nước thu hồi đất của nhân dân để thực hiện các dự án. Qua đó, đã giải đáp thắc mắc của nhân dân và các cựu chiến binh, góp phần giảm bớt tình trạng khiếu nại vượt cấp, kéo dài...

 

Trong công tác xây dựng pháp luật về CCTP, ĐLS tỉnh đã tham gia xây dựng trên 44 dự án luật, trong đó có 11 dự án luật, 3 văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào các lĩnh vực CCTP. Khi tham gia các dự án trên, các luật sư đều nghiên cứu kỹ, đối chiếu tỷ mỷ, tham gia nhiều ý kiến xác đáng được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận... Hiện nay, 100% luật sư đã được học và được cấp Chứng chỉ về quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư.

 

Có thế nói, những hoạt động của ĐLS tỉnh trong những năm qua đã góp phần tích cực trong chiến lược CCTP tại Thái Nguyên. Sự phát triển của đội ngũ và VPLS đã từng bước đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhiều luật sư đã khẳng định được năng lực và uy tín của mình. Một trong những mục tiêu của ĐLS tỉnh là phát triển mạnh về đội ngũ, đặc biệt là những luật sư trẻ có năng lực, trình độ, không chỉ đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển chung của tỉnh, đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

 

Đồng chí Nguyễn Hùng Tráng, Giám đốc Sở Tư pháp: Hoạt động nghiệp vụ của luật sư đã đáp ứng khá tốt nhiệm vụ bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức và công dân. Luật sư trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân trong tố tụng, góp phần làm thay đổi nhận thức của các cơ quan tố tụng, các vụ việc được thực thi một cách khách quan, nghiêm chỉnh, công bằng.

 

Luật sư Phan Thanh Long, Chủ nhiệm ĐL tỉnh: Phấn đấu từ nay đến năm 2020, ĐLS có từ 100 đến 150 luật sư (mỗi năm phát triển từ 5 đến 10 luật sư), các huyện, thành, thị đều có VPLS hoặc có chi nhánh hành nghề luật sư. Đội ngũ luật sư tích cực tham gia các hoạt động tư vấn pháp luật, các vụ án  do Trung tâm Trợ giúp pháp lý và cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu...

 

Luật sư Nguyễn Thị Thanh Nghĩa, VPLS Thanh Nghĩa:Những năm gần đây, hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn thiện, chặt chẽ và thống nhất. Điều này giúp luật sư hoạt động thuận lợi và hiệu quả hơn.