Mặc dù đợt nắng nóng kéo dài đầu tiên đã qua đi, nhưng dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục xuất hiện những đợt nắng nóng dài ngày khiến nguy cơ cháy rừng trên địa bàn tỉnh càng cao…
Anh Dương Sơn Hà, Trưởng phòng Quản lý Bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Hiện nay, Thái Nguyên có 180 nghìn ha rừng, trong đó có tới 80 nghìn ha rừng dễ cháy (rừng sản xuất), tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ. Trong đợt nắng nóng kéo dài vừa qua, tỉnh ta dự báo cháy rừng ở cấp 4 - cấp nguy hiểm (có 5 cấp, cấp 5 là cấp cực kỳ nguy hiểm).
Trong đợt nắng nóng vừa qua, Chi cục Kiểm lâm cũng đã thường xuyên cập nhật các điểm cháy rừng trên hệ thống vệ tinh của Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) và đã phát hiện được 15 điểm cháy nhỏ trên địa bàn. Rất may, những đám cháy trên chủ yếu là đốt thực bì, dọn rừng và cháy khác, còn cháy rừng chỉ xảy ra 1 vụ tại lô 36, 37, khoảnh 5, tiểu khu 159 thuộc khu vực dốc Bằng Re, xóm 2, xã Vạn Thọ (Đại Từ). Đám cháy này bắt đầu xuất hiện từ 22 giờ 30 phút ngày 1-5 và được tổ phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) của xóm phát hiện, huy động lực lượng dập tắt hoàn toàn ngay sau đó 1 giờ đồng hồ.
Tuy nhiên, vẫn có 2,3ha rừng keo trồng theo Dự án 661 phòng hộ hồ Núi Cốc bị thiêu rụi. Theo ông Đào Xuân Hồng, ở xóm 2, xã Vạn Thọ, chủ hợp đồng nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng này từ năm 2009 với Ban Quản lý rừng phòng hộ hồ Núi Cốc thì đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng. Để những cánh rừng phòng hộ đã bị cháy hồi sinh, giúp bảo vệ hồ Núi Cốc (nơi cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt lớn nhất tỉnh) cần ít nhất 4-5 năm. Thực tế này cho thấy khi cháy rừng xảy ra thì không chỉ thiệt hại về mặt kinh tế mà còn gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng.
Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, trong tháng 5 này, ở miền Bắc sẽ có khoảng 2 đến 3 đợt nắng nóng kéo dài nữa. Và nắng nóng còn tiếp tục gia tăng vì các tháng 6, 7 là đỉnh điểm của mùa nóng với nền nhiệt độ ở miền Bắc có thể lên tới trên 40 độ C, rất dễ xảy ra cháy rừng. Trong khi đó, chỉ khi trời mưa liên tiếp 10 ngày thì dự báo cháy rừng mới về cấp độ 0 (không còn nguy hiểm). Do đó, những trận mưa rào đầu mùa vừa qua vẫn không thể giúp những cánh rừng được an toàn trước “giặc lửa”. Bởi vậy, để phòng chống cháy rừng hiệu quả trong những ngày nắng nóng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề cao phương châm phòng hơn chống.
Theo đó, biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng cháy rừng đang được các kiểm lâm viên viên và chính quyền các xã có rừng đẩy mạnh. Cùng với đó là đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác PCCCR; tăng cường hoạt động của 7.500 thành viên thuộc 1.148 tổ PCCCR ở 125 xã có rừng, thường xuyên tuần tra, canh gác 24/24 giờ vào những ngày cao điểm nắng nóng để phát hiện sớm điểm cháy, huy động các lực lượng dập tắt đám cháy kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ…
Từ tháng 1-2011 đến tháng 1-2012, trên địa bàn tỉnh ta đã xảy ra 6 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 9ha rừng, tăng 2,6ha so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là sự bất cẩn của các chủ rừng trong quá trình xử lý thực bì. |