Thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây chết người khi được sử dụng đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Có tới một nửa số người hút thuốc sẽ chết vì những bệnh liên quan đến thuốc lá. Khói thuốc cũng gây tác hại cho tất cả những người hít phải khói thuốc một cách thụ động.
Trên 90% người dân Việt Nam hiểu rằng: hút thuốc lá rất có ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ra bệnh tật nghiêm trọng. Bên cạnh đó, 87% người dân hiểu: hút thuốc lá thụ động tức là hít phải khói thuốc của người khác cũng dẫn đến tử vong cũng như người hút thuốc.
Ngày 21/5, Quốc hội thông qua dự Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến sức khỏe người dân nên các chính sách vĩ mô phải hướng đến việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung của người dân. Kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu đánh giá tác động của dự án Luật cho thấy; ban hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp mà các bên cùng có lợi, có nghĩa là vừa tăng thu ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe người dân.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Luật, nhiều ý kiến người dân đã ủng hộ dự Luật này và mong muốn Luật sớm áp dụng vào cuộc sống.
Chị Trần Thị Hằng ở Lý Nhân, Hà Nam tâm sự: Theo tôi nghĩ, vấn đề nói về tác hại của thuốc lá thì mọi người đã nói rất nhiều, nhưng không có khả quan lắm. Nếu như phạt đội mũ bảo hiểm thì có công an giao thông. Chứ ở nhà, các địa phương nhiều đình đám thì đều hút thuốc, như thế rất tốn kém và ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng. Rất mong các ngành, các cơ quan có biện pháp để hạn chế được tình trạng hút thuốc, thì sức khỏe của cộng đồng sẽ được cải thiện. Luật ban ra thì nhiều nhưng thực sự thi hành thì khó. Giá thuốc lá thì rẻ mà giá thuốc để cai nghiện thuốc lá thì rất đắt. Ai cũng biết thuốc lá là độc nhưng muốn bỏ thì khó. Đề nghị có chính sách tăng thuế thuốc lá lên nhưng giảm thuế thuốc cai nghiện.
Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng Healthbridge Canada tại Việt Nam (Tổ chức phi chính phủ có nhiều kinh nghiệm truyền thông trong việc phòng chống tác hại của thuốc lá) cho rằng: Về hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá cũng như bất kỳ vấn đề y tế công cộng nào thì chính sách là nền tảng và rất quan trọng. Việt Nam hiện đang xây dựng luật phòng chống thuốc lá thì chúng tôi cũng rất quan tâm.
Về nội dung của dự thảo luật hiện nay thì có nhiều điểm mạnh. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng mà chúng tôi quan tâm trước hết là bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi khói thuốc thụ động.
Tuy nhiên, danh sách khu vực công cộng cấm hút thuốc nhưng lại có phòng dành riêng cho người hút thuốc. Tôi cho rằng các khu vực dành riêng này thường không có tác dụng bảo vệ, tốn kém và không dễ thực thi ở 1 số môi trường. Danh sách này nên loại bỏ, có như thế mới có thể thực sự hiệu quả được sức khỏe cộng đồng.
Việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên 2 mặt chữ của bao bì, điều này rất tốt và chúng tôi mong muốn điều khoản được thực thi ngay khi Luật có hiệu lực. Nó sẽ nhanh chóng có tác dụng về mặt giáo dục cộng đồng mà chính phủ không phải chi phí gì thêm.
Còn về việc trưng bày thuốc lá tại điểm bán lẻ cũng bị lợi dụng rất mạnh ở Việt Nam. Có thời điểm, luật quy định mỗi sản phẩm thuốc lá được trưng bày 1 bao. Ví dụ như dòng sản phẩm Malboro có khoảng 20 sản phẩm, nên khi trưng bày vẫn rất hoành tráng.
Ông Nguyễn Vân Hùng (Hưng Yên), có ý kiến: Chính phủ đã ban hành những ban hành, quy định… rất chặt chẽ về tác hại của thuốc lá cũng như cấm hút thuốc nơi công cộng. Bây giờ, tác hại của thuốc lá thì ai cũng nhìn thấy rõ. Mới có 3/25 căn bệnh liên quan đến thuốc lá mà đã tốn tới 2.300 tỷ đồng/năm để chữa bệnh. Tác hại lớn như thế, tại sao lại không cấm triệt để? Hãy đánh thuế vào người hút thuốc thật cao như Trung Quốc, các nước tư bản… Những người mà bệnh, đi bệnh viện do hút thuốc lá thì không được hưởng bảo hiểm. Đánh thuế trực tiếp như thế để họ thấy, tác hại thuốc lá không chỉ với họ mà với cộng đồng.
Có ý kiến lại cho rằng, để có thể thực hiện được Luật và làm giảm người bị hít khói thuốc lá thụ động thì trước hết, các nhà sản xuất phải đưa giá thành thuốc lên cao. Như vậy, số lượng người hút thấy rất tốn kém và sẽ bỏ. Và làm sao để Luật phòng chống tác hại thuốc lá có thể đi vào cuộc sống thì cần phải mạnh tay hơn.
Bác sĩ Phan Thị Hải, Phó Chánh văn phòng Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết: Việc thực thi môi trường không khói thuốc là một trong những giải pháp rất tốt nhưng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Trong thực tế, khi triển khai ở địa phương thì cần phải có tấm gương của người lãnh đạo, có tâm huyết với việc thực thi môi trường không khói thuốc thì sẽ bớt khó khăn.
"Là những người làm công tác chuyên môn trong nghề y tế, chúng tôi hiểu việc cai nghiện thuốc không đơn giản. Những người đã nghiện, nhất là nghiện nặng thì rất khó để bỏ; nó phụ thuộc nhiều vào ý chí của người đó. Những biện pháp hỗ trợ về y tế nhưng rất đắt đỏ. Hy vọng dự thảo Luật được thông qua, chính phủ Việt Nam có thêm nhiều ngân sách để có thể hỗ trợ về mặt y tế cho những người muốn bỏ thuốc lá" - bà Hải chia sẻ./.