Phòng, chống bệnh tay - chân - miệng ở Đại Từ: Không để lây lan rộng

09:25, 02/05/2012

Từ đầu năm đến nay, Đại Từ có gần 200 trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng (TCM),  xuất hiện ở 31/31 xã, thị trấn trên địa bàn. Đặc biệt, trong tháng 4 có tới 82 trường hợp mắc bệnh TCM ở các trường mầm non và hộ gia đình, chủ yếu là dưới 5 tuổi.

Để tìm hiểu về công tác phòng, chống bệnh TCM ở địa phương, chúng tôi đã có mặt tại Bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ. Bác sĩ Hồ Thị Hường, Trưởng Khoa Nhi cho biết: Chỉ tính riêng từ ngày 19-4 đến 25-5, Khoa Nhi đã có 18 bệnh nhân vào điều trị bệnh TCM và ra viện. Xác định mức độ nguy hiểm của việc lay lan, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo Khoa bố trí một phòng riêng điều trị bệnh TCM, thời điểm cao nhất có khoảng 10 bệnh nhân điều trị tại chỗ. Sau 4-6 ngày điều trị, bệnh nhân được ra viện, chỉ có vài cháu do nốt phỏng nước bị nhiễm trùng hoặc bệnh nhân kèm viêm phổi, viêm phế quản thì được giữ lại điều trị lâu hơn. Do thực hiện tốt phác đồ điều trị nên đến nay, chúng tôi chưa phải chuyển bệnh nhân nào lên tuyến trên.

 

Tiếp xúc với người nhà cháu Triệu Phúc Thành, 3 tuổi, trú tại xóm Tân Yên, xã Mỹ Yên tại Phòng điều trị đặc biệt của Khoa, được biết, cháu Thành nhập viện ngày 24-4 trong tình trạng sốt, ho, nổi mụn phỏng ở tay, chân, miệng. Do không biết về bệnh TCM nên gia đình đã tự ý chữa trị cho cháu tại nhà. Sau khoảng một tuần thấy cháu quấy khóc, ăn uống kém, các vết phỏng không đỡ, gia đình mới đưa cháu đến bệnh viện. Tại đây, sau 2 ngày được các bác sĩ chữa trị, bệnh nhân dứt cơn sốt, mụn không mọc thêm, một số mụn đã khô, ăn uống khá hơn. Với tình hình tiến triển như hiện nay, chỉ khoảng vài hôm nữa cháu bé sẽ được ra viện.  

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết: “Đây là thời điểm chuyển mùa, xen kẽ những ngày lạnh ẩm với những ngày nắng nhẹ, rất thuận lợi cho vi rút tồn tại lâu trong môi trường. Bệnh TCM do vi rút đường ruột gây lên, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Các trường hợp mắc bệnh được phát hiện với mức độ nhẹ, chưa có ca nào nguy hiểm. Do các bệnh nhân chủ yếu tập trung tại khối trường học nên có nguy cơ lây lan ra diện rộng”.

 

Trước tình hình bệnh TCM có nguy cơ gia tăng, huyện Đại Từ đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường các biện pháp, chủ động phòng, chống bệnh TCM; thực hiện giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, phân loại và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, ngăn chặn biến chứng và hạn chế tối đa tử vong; chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị... để kịp thời chẩn đoán và điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra trên diện rộng. Bệnh viện đa khoa huyện, các trạm y tế xã, trường học tăng cường phối hợp, thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Y tế trong chẩn đoán, giám sát, xử lý, thống kê báo cáo tình hình dịch bệnh; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư sẵn sàng chống dịch…Ngoài ra, Trung tâm y tế huyện còn tập huấn kiến thức chuyên môn cho cán bộ trạm y tế xã, thị trấn; phối hợp với ngành Giáo dục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế học đường cách phát hiện, phòng chống lây nhiễm, cách chăm sóc trẻ, công tác vệ sinh vô khuẩn; tăng cường tuyên truyền về bệnh TCM trên các phương tiện thông tin đại chúng và các biện pháp vệ sinh phòng bệnh.

 

Đặc biệt, tại các trường học, cơ quan chuyên môn hướng dẫn các giáo viên, phụ huynh học sinh chú trọng giữ sạch và thường xuyên rửa tay cho trẻ để tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh; yêu cầu những lớp có bệnh nhân phải cho học sinh nghỉ học để tránh lây lan, không gây hoang mang cho người dân nhưng cũng không được lơ là, chủ quan. Ngành y tế cũng khuyến cáo: Khi có các cháu bị bệnh nên cách ly và tăng cường biện pháp vệ sinh rửa tay bằng xà phòng, làm sạch bề mặt bàn ghế, đồ chơi bằng thuốc sát khuẩn, dùng thuốc phòng bội nhiễm.