Quyền lợi chính đáng của người dân chưa được giải quyết

08:52, 04/05/2012

Mới đây, Báo Thái Nguyên nhận được đơn của ông Nguyễn Đức Bình, trú tại tổ 21, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) phản ánh về việc đơn vị thi công đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đoạn qua địa bàn phường Thịnh Đán) đã tự ý san lấp lên phần đất ruộng chưa được bồi thường của gia đình ông và nhiều hộ dân khác trong khu vực…

Theo nội dung đơn của ông Nguyễn Đức Bình thì khi đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (đoạn qua địa bàn phường) được triển khai thi công, gia đình ông đã bị thu hồi trên 900m2 ruộng (của 2 thửa, nhưng vẫn còn dư lại 64,1m2 của 2 thửa này). Do diện tích ruộng còn lại quá nhỏ, khó khăn cho việc canh tác nên trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2011, gia đình ông (cùng với 5 hộ dân khác cũng bị thu hồi đất ruộng trong khu vực để phục vụ thi công đường cao tốc) đã nhiều lần gửi đơn lên UBND phường Thịnh Đán và T.P Thái Nguyên xin được thu hồi nốt. Nhưng, trong khi nguyện vọng này của các hộ dân chưa được giải quyết thì đơn vị thi công đường (là Công ty cổ phần Xây dựng 1168, có địa chỉ tại T.P Hà Nội) đã san lấp cả diện tích ruộng chưa được thu hồi, đền bù nêu trên, gây nên sự bức xúc trong nhân dân.

 

Mới đây, trao đổi với chúng tôi, ông Đào Đình Ấm, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Đán cho biết: Sự việc ông Bình và một số hộ dân ở tổ 17 nêu trong đơn là đúng sự thật. Không những đổ đất đá lấn xuống phần ruộng phía ngoài cột mốc giải phóng mặt bằng (GPMB) mà đơn vị thi công đường còn không chủ động thực hiện các biện pháp chống ngập úng, làm cho hơn 1,5ha ruộng đang canh tác của 18 hộ (thuộc các tổ dân phố 14, 17, 21) bỗng dưng biến thành “ao”, đồng thời gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Khi có sự phản ánh của người dân, UBND phường đã cử các cán bộ xuống tiến hành xác minh và lập biên bản sự việc. Trên cơ sở đó, từ ngày 26-10-2011, UBND phường đã có công văn đề nghị đại diện chủ đầu tư Dự án đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (là Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông - Vận tải) và đơn vị thi công phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện một số việc: Bồi thường sản lượng lúa (phần diện tích bị ngập úng và đổ đất lên dẫn đến không canh tác được) từ năm 2009 đến nay cho các hộ dân; khắc phục tình trạng ruộng bị ngập úng và múc phần đất đã đổ xuống ruộng chưa được bồi thường của các hộ dân. Tuy nhiên, đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công hầu như chưa có những động thái tích cực, vì vậy các hộ dân tiếp tục có đơn kiến nghị gửi lên các cấp có thẩm quyền để đề nghị được giải quyết vụ việc…

 

Qua khảo sát thực tế tại khu vực này, chúng tôi nhận thấy có 3 khu ruộng (không thuộc diện phải thu hồi GPMB, với tổng diện tích hơn 1,5ha) đã thực sự biến thành “ao” do trong quá trình làm đường cao tốc, đơn vị thi công đã lấp mất mương thoát nước. Một khu ruộng khác nằm gần đó (cũng không thuộc diện phải thu hồi GPMB, với tổng diện tích khoảng 1ha) thì bị đơn vị thi công đường đổ đất đá lấp lên khi chưa có sự đồng ý của người dân. Được biết tình trạng này đã kéo dài hơn 2 năm qua mà chưa có cơ quan, đơn vị nào đứng ra giải quyết dứt điểm.

 

Về hướng giải quyết vấn đề này, ông Bạch Văn Trọng, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông, thuộc Sở Giao thông - Vận tải (là chủ đầu tư Tiểu dự án GPMB đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đoạn qua địa bàn tỉnh) cho biết: Mới đây, Ban Quản lý các dự án 2 (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải) đã cử đại diện lên để cùng với các bên liên quan tiến hành khảo sát hiện trạng, xác minh diện tích ruộng của người dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công tuyến đường cao tốc. Sau khi có kết quả khảo sát, xác minh và tổ chức họp để thống nhất các vấn đề, chúng tôi sẽ xác định lỗi dẫn đến tình trạng này thuộc về đơn vị nào để có biện pháp giải quyết, xử lý. Về phía các hộ dân bị thiệt hại sẽ được bồi thường sản lượng lúa đầy đủ; đối với diện tích ruộng của bà con bị ảnh hưởng mà không thể khắc phục được, chúng tôi đang tính đến phương án đề nghị các cơ quan chức năng cho thu hồi nốt, hoặc cho người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng…

 

Mong rằng những việc làm trên sẽ được thực hiện kịp thời để giải quyết ổn thỏa quyền lợi chính đáng của các hộ dân liên quan. Bên cạnh đó, qua đây cũng có thêm một bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai các dự án trên địa bàn.

 

 

Ông Bùi Văn Chấn, Tổ trưởng tổ dân phố 17, phường Thịnh Đán: Bà con chúng tôi rất ủng hộ việc triển khai thực hiện Dự án đường cao tốc, nhưng mong muốn chủ đầu tư và đơn vị thi công có trách nhiệm hơn trong việc khắc phục những ảnh hưởng không tốt đến đời sống dân sinh. Cuộc sống của các hộ dân bị ảnh hưởng trong tổ tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nay ruộng bị lấp, bị ngập úng như thế, bà con gặp rất nhiều khó khăn…

 

 

Trần Thị Hồi (90 tuổi, là mẹ của 2 liệt sĩ), ở tổ 17, phường Thịnh Đán: Gia đình tôi có hơn 400m2 ruộng bị lấp. Mong rằng các cơ quan chức năng thu hồi, đền bù nốt diện tích này để gia đình có thêm nguồn thu giải quyết phần nào khó khăn trước mắt. Bản thân tôi thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật, con cháu tốn khá nhiều tiền thuốc thang chạy chữa