Sẽ sớm khắc phục tình trạng thiếu, mất nước sinh hoạt

17:09, 12/05/2012

Nắng nóng liên tục, ít mưa dẫn tới sự sụt giảm đáng kể nguồn nước ngầm và nhu cầu sử dụng nước tăng đột biến là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước, mất nước sinh hoạt trên một số khu vực của T.P Thái Nguyên trong thời gian qua.

Khu vực thiếu nước, mất nước diễn ra trầm trọng nhất là các xã, phường phía Bắc thành phố, gồm: Quan Triều, Tân Long, Phúc Hà và một phần phường Quang Vinh. Ngoài ra, các phường trung tâm cũng xảy ra tình trạng này như Hoàng Văn Thụ và Quang Trung... (nước sinh hoạt cung cấp cho các khu vực này đều từ Nhà máy nước Túc Duyên, thuộc Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên).

 

 

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịnh UBND phường Quan Triều cho biết: Việc thiếu nước sinh hoạt bắt đầu diễn ra rải rác trên địa bàn từ hơn 2 tháng nay, đến cuối tháng tư thì nhiều khu vực đã mất hẳn nước. Nhân dân đã có phản ánh, kiến nghị, UBND phường cũng đã làm công văn đề nghị Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên sớm có biện pháp khắc phục.

 

Theo bà Lê Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quan Triều thì hiện tại nguồn nước máy chỉ chảy nhỏ giọt vào một thời điểm nhất định của buổi tối, Trạm phải cắt cử người trực để hứng, ngoài ra phải đi xin từng gánh nước từ khu vực lân cận nhằm phục vụ cho những nhu cầu tối cần thiết. Nước rửa tay cho cán bộ y tế, nước rửa dụng cụ nhiều khi cũng không đủ nên Trạm đành phải dừng, chuyển tuyến trên một số thủ thuật (kể cả việc khâu những vết thương đơn giản, cắt chỉ khâu cho bệnh nhân) để đảm bảo an toàn.

 

Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (phường Quan Triều) đã phải tạm dừng việc cho 630 học sinh ở bán trú 1 tuần vì không có nước cho các cháu rửa tay đảm bảo vệ sinh, nấu cơm trưa phục vụ học sinh. Sau khi có ý kiến kiến nghị, Trường đã được ưu tiên cấp nước, nhưng hiện vẫn đang rất thiếu, phải xin thêm bên ngoài, mặc dù việc sử dụng tiết kiệm nước đã được quán triệt (ví dụ như trong thành phần bữa ăn của học sinh thì các loại củ, quả được dùng nhiều để thay rau xanh vì… đỡ tốn nước rửa).

 

Chúng tôi đã đi thực tế tại các tổ 22, 23, 24, 25, khu vực đang “khát” nhất ở phường Quan Triều, cũng như ở T.P Thái Nguyên hiện nay. Nhà ông Lê Hùng, Bí thư Chi bộ tổ 24 đã bỏ ra trên 10 triệu đồng để khoan 2 giếng, nhưng nước ở 2 giếng này đều không sử dụng được vì nhiễm sắt nặng, nên vẫn phải đi xin nước về để sinh hoạt. Theo ông Hùng thì nước máy ở đây đã mất gần 3 tháng nay nên việc thiếu nước sinh hoạt đang là vấn đề “nóng”. Gần 10 hộ dân đã đầu tư khoan giếng (không ít gia đình khoan 2, 3 giếng) nhưng cơ bản các giếng thường không có nước hoặc nước bị ô nhiễm đến mức không thể sử dụng. Người dân không còn cách nào khác là phải đi xin, hoặc mua nước lọc về nấu ăn, đi tắm nhờ. Ở tổ 22 thì người dân đã khoan 7 giếng mới, một số hộ khác góp tiền mua nước với giá có lúc lên đến 150.000 đồng/m3.

 

Cũng về vấn đề này, ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Long cho biết: Do mất nguồn nước máy nên người dân buộc phải quay lại dùng nước giếng khoan hoặc giếng khơi, tiến hành khoan mới hàng chục giếng. Nhưng theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn thì nguồn nước mặt trên địa bàn phường không nên sử dụng để ăn, uống vì không đảm bảo tiêu chuẩn nước sinh hoạt.

 

Đem những vấn đề mà dư luận, đặc biệt là những người dân “vùng khát” đang rất quan tâm hiện nay như: Nguyên nhân của việc thiếu nước, mất nước là gì? Tình trạng này bao giờ được khắc phục? trao đổi với ông Phạm Đăng Bạ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên, chúng tôi được biết: Tình trạng khô hạn và lượng mưa thấp hơn trung bình cùng kỳ các năm làm cho mực nước ngầm hạ sâu, dẫn đến công suất của Nhà máy nước Túc Duyên (sử dụng công nghệ khai thác nước ngầm) sụt giảm từ 10.000 m3/ngày đêm xuống chỉ còn 8.200 đến 8.500 m3/ngày đêm (thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây). Trong khi đó, mức tiêu thụ nước sinh hoạt của người dân tăng đột biến từ đầu mùa hè (một ví dụ cụ thể, tháng 4- 2011 mỗi hộ dân thành phố tiêu thụ trung bình 12,1 m3 nước/tháng thì tháng 4 năm nay tăng lên 13,4 m3/tháng), lượng khách hàng cũng tăng đáng kể. Mặt khác, những khu vực thiếu và mất nước đều có địa thế cao, lại ở cuối nguồn cung. Điều đó đã dẫn đến tình trạng thiếu, mất nước ở một số khu vực trên địa bàn Thành phố.

 

Trước mắt để khắc phục tình trạng này, Công ty đã  và đang tiến hành điều tiết nước (san sẻ nguồn cung) theo giờ, ưu tiên cho những khu vực đông dân cư, đặc biệt là các trường học, bệnh viện, hỗ trợ cho Đại học Thái Nguyên một trạm bơm tăng áp để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho gần 4.000 sinh viên ở ký túc xá. Công ty cũng đã ngừng việc thu tiền theo định mức sử dụng nước tối thiểu đối với khách hàng ở những nơi bị thiếu, mất nước. Một thông tin đáng mừng là trong vài ngày tới, Trạm khai thác nước ngầm, gồm 2 giếng khoan đặt tại phường Quang Vinh do Công ty cổ phần Nước sạch Thái Nguyên đầu tư với công suất 5.000 m3/ngày đêm sẽ chính thức đi vào hoạt động, tình trạng thiếu và mất nước tại các khu vực trên sẽ chấm dứt… Tuy nhiên, một thông điệp rất cần được người dân ủng hộ và thực hiện đó là sử dụng nước một cách tiết kiệm vì nguồn tài nguyên nước không phải là vô tận – ông Bạ nói.

 

Bà Ngô Thị Quắm (77 tuổi) ở tổ 24, phường Quan Triều: “Chúng tôi như đang sống giữa sa mạc, gia đình tôi đã khoan 2 giếng nhưng chưa thấy nước đâu, trong khi hằng ngày tôi phải đi xin từ 3 đến 4 gánh nước về dùng, mong sao tình trạng mất nước sớm được khắc phục”.