Thời của… “nhà quê”

09:01, 09/05/2012

Chưa bao giờ hai từ “nhà quê” lại được quan tâm và ưu chuộng như bây giờ. Sau những thông tin thịt lợn nhiễm chất tạo nạc, hoa quả được bảo quản bằng hóa chất độc hại..., các bà, các chị nội trợ chuyển hướng mua, sử dụng thực phẩm quê cho lành. Từ gạo, gà, rau củ đến hoa quả, cái gì của “nhà quê” cũng “bỗng nhiên” có giá và được người thành phố săn lùng, trọng thị.

Thế là, gọi điện thoại cho người thân ở quê léo nhéo đặt hàng, có người tranh thủ ngày cuối tuần tự về quê mua, mua thật nhiều để tích trữ … trong tủ lạnh khiến cho câu chuyện thực phẩm quê trở nên thời sự. Không ít người đã tẩy chay thực phẩm ngoài chợ, chỉ dùng thực phẩm quê chấp nhận phát sinh khá nhiều phiền toái trong mua bán cũng như ảnh hưởng đáng kể đến túi tiền.

 

 

Cũng bởi sự ưa chuộng đồ “nhà quê” nên xuất hiện khá nhiều câu chuyện bi hài. Để mua được thực phẩm quê giữa thành phố quả không dễ dàng. Và thế là gần đây, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên các hàng, quán kinh doanh thực phẩm với những dòng tự quảng cáo: "Rau sạch", "Gà đồi, thịt sạch"... xuất hiện ngày càng nhiều. Cứ thử đến bất cứ một chợ nào trong thành phố sẽ thấy ít nhất từ 1 đến hai hàng “thịt sạch”.

 

Nhưng, lạ một điều đa phần người bán đồ quê lại không phải nông dân mà là người phố 100%. Nghe đâu họ có người thân ở quê, trực tiếp trồng trọt, chăn nuôi, nhiều người về các vùng quê lấy hàng lên để dùng cho gia đình, thấy ngon và rẻ tranh thủ mua nhiều bán lại cho người quen kiếm thêm thu nhập... bởi thế việc mua bán cũng phong phú và vô cùng đa dạng… Ngay trong các công sở cũng có hàng quê như rau sạch, trứng gà đem bán.

 

Trong quan niệm của các bà, các chị nội trợ hiện nay thực phẩm quê vừa rẻ lại vừa sạch. Bởi thế việc mua bán dẫu có lích kích, mất nhiều công sức, thì giờ cũng cố mà thực hiện để đảm bảo sức khỏe gia đình nhất là người già và con trẻ. Thế nhưng, việc xác định những tiêu chí an toàn của thực phẩm quê chẳng thấy đâu, người mua chỉ nặng về cảm tính và sự tin tưởng ở người bán. Thế nên mới có chuyện sản phẩm quê nhiều khi lại của người… thành phố.

 

Thời của thực phẩm quê, nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa hề vào cuộc. Các doanh nghiệp trồng trọt, chăn nuôi vẫn hối hả xây dựng tiêu chí “nhanh nhiều” mà chưa đẩy mạnh sản xuất các loại hàng hóa "sạch", để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội.  Và thế là người thành phố vẫn đang ra sức về quê tìm thực phẩm sạch.