Theo số liệu điều tra mới đây của chương trình phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia, tại Thái Nguyên, tỷ lệ hút thuốc nam giới là 40,35%, nữ giới là 1,34%, tỷ lệ người hút thuốc tại nhà là 93,48%. Sử dụng thuốc lá gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, viêm phế quản mãn, các bệnh tim mạch. Cùng với việc gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá là gánh nặng về kinh tế do chi phí cho mua thuốc, chi phí cho khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá và các gánh nặng về bệnh tật và tử vong. Điều này gây ra những tổn thất to lớn không chỉ cho mỗi cá nhân, gia đình mà còn đối với toàn xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường không khói thuốc, đầu năm 2009, các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được tỉnh triển tại nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Ngày 29-1-2010, UBND tỉnh đã ra quyết định kiện toàn và thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tác hại thuốc lá của tỉnh, giao nhiệm vụ cho 3 khối nòng cốt gồm: Y tế, Giáo dục & Đào tạo, các cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện xây dựng môi trường không khói thuốc tại cơ quan đơn vị mình, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.
Qua quá trình triển khai chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá tại 149 đơn vị điểm (gồm 33 đơn vị trực thuộc Sở Y tế; 50 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 66 đơn vị trường học), hầu hết các đơn vị đều thực hiện rất nghiêm túc, có sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của mọi người, trong đó có cả những người đã sử dụng thuốc lá hàng chục năm nay. Sau các đợt tuyên truyền, hội thảo, đã có 29% số đơn vị có nội quy riêng, 71% đơn vị xây dựng được nội quy lồng ghép về phòng, chống tác hại thuốc lá.
Trong các đơn vị thực hiện tốt chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá phải kể đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Văn phòng Sở hiện có 54 cán bộ công chức, viên chức và lao động hợp đồng, trong đó: Tỷ lệ nam giới là 29 người (53,7%), nữ giới là 25 người (46,3%). Số người có hút thuốc 10 người, chiếm 18,5%. Số người bị ảnh hưởng gián tiếp (thụ động) chiếm 81,5% so với tổng số cán bộ, công chức.
Để thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá tại đơn vị, Ban lãnh đạo Sở đã ban hành kế hoạch xây dựng môi trường không khói thuốc tại cơ quan; thường xuyên tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về phòng, chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc như: Thực hiện treo, gắn pano biển báo cấm hút thuốc tại đơn vị, cung cấp tài liệu tuyên truyền, biển cấm hút thuốc nhỏ cho các trung tâm, đơn vị; gắn biển báo cấm hút thuốc tại phòng làm việc, phòng họp ở nơi dễ nhìn, dễ thấy; loại bỏ các vật dụng liên quan đến thuốc lá như gạt tàn, bật lửa tại phòng làm việc, phòng họp.
Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức tư vấn hỗ trợ cai nghiện thuốc lá đối với những người đang hút. Đối với khách đến làm việc có hút thuốc lá thì bảo vệ cùng các phòng có liên quan nhắc nhở, yêu cầu khách không được hút thuốc lá trong cơ quan. Sở cũng đã xây dựng được quy định về việc cấm hút thuốc và có chế tài xử lý được bổ sung vào quy chế của cơ quan đơn vị như: Cấm hút thuốc, bán và quảng cáo thuốc lá trong khuôn viên cơ quan, đơn vị; đối với cán bộ trong cơ quan hút thuốc, nếu vi phạm nhiều lần sẽ bị hạ thi đua và không xét khen thưởng. Nhờ thực hiện nghiêm túc các nội quy đề ra nên số lượng người hút thuốc tại cơ quan trước đây là 10 người nay đã giảm chỉ còn 2 người.
Có thể thấy việc xây dựng môi trường không khói thuốc đã được các cơ quan, ban, ngành từ tỉnh đến huyện rất quan tâm, hầu hết các đơn vị đều ra được nội quy về việc không hút thuốc lá tại nơi công cộng, nơi làm việc. Nhờ thế số người phải chịu tác động từ việc hút thuốc lá thụ động đã giảm xuống, sức khỏe của cộng đồng từng bước được đảm bảo hơn. Tuy nhiên đây chỉ là kết quả bước đầu bởi việc thực hiện mới chỉ gói gọn trong một số các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, trường học.
Thực tế hiện nay cho thấy, tỷ lệ nam giới hút thuốc lá trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao; nhiều người ngang nhiên hút thuốc lá ở nơi công cộng, thậm chí ngay cả trong các bệnh viện, trường học, trạm y tế, nơi có bảng cấm hút thuốc mà không hề bị xử phạt. Ở vùng nông thôn, việc vận động người dân không sử dụng thuốc lá cũng chưa được chú ý, trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, người dân vẫn sử dụng thuốc lá tràn lan, đây hiện đang là một thách thức lớn đối với việc xây dựng một môi trường an toàn không khói thuốc.
Thiết nghĩ, công tác truyền thông,vận động, phổ biến kiến thức để người dân tự giác không sử dụng thuốc lá cần phải được đưa lên hàng đầu. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần nghiên cứu đến việc áp mức thuế cao cho mặt hàng thuốc lá để hạn chế sự lưu thông, buôn bán và sử dụng mặt hàng này, đồng thời có các chế tài xử phạt thật nghiêm đối với những người cố tình hút thuốc lá tại nơi cộng cộng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe chung của cộng đồng.