Trên thực tế việc trợ giúp, giải quyết vấn đề gặp phải của trẻ có HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập…
Cưới nhau mấy năm và đã có con được gần 1 tuổi, chị Nguyễn Thị Huế, xóm Lam Sơn, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) phát hiện chồng mình bị nhiễm HIV. Lo lắng, sợ cộng đồng kỳ thị, hai mẹ con chị Huế đã không dám đi xét nghiệm và cũng không có kiến thức về dinh dưỡng, cách phòng tránh lây nhiễm HIV. Cuối năm 2010, mô hình kết nối dịch vụ và chăm sóc trẻ em bị ảnh bởi HIV/AIDS do Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh Xã hội) phối hợp với Tổ chức phi Chính phủ Catholic Relief Services tại Việt Nam (CRS) triển khai thực hiện tại Linh Sơn, thì chị Huế và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS mới được tiếp cận kiến thức để tự bảo vệ mình và những người xung quanh.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Trung Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Sơn, Trưởng ban điều hành mô hình cho biết: Khi mô hình được triển khai, trên địa bàn xã có 102 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV, hiện nay còn 96 trẻ (một số trẻ theo cha mẹ chuyển đi nơi khác). Ban điều hành của xã được thành lập với 5 thành viên và 20 y tế thôn bản của 14 xóm làm cộng tác viên. Hàng tháng, chúng tôi họp giao ban vào ngày 26 để đánh giá công tác trong tháng, tổng hợp ký kiến, đề xuất nhu cầu của trẻ thông qua phiếu vãng gia được cộng tác viên cập nhật thông tin. Từ đó có kế hoạch kết nối dịch vụ để giải quyết các nhu cầu của trẻ. Đội ngũ cộng tác viên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng thực hành công tác xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Đó là kỹ năng hòa nhập cộng đồng, tự bảo vệ mình và người khác khỏi bị ngược đãi, xâm hại, biện pháp tự bảo đảm sự an toàn, tư vấn, tham vấn, trị liệu, phục hồi tâm lý, thể chất đối với trẻ bị xâm hại, bị bạo lực; trợ giúp các em tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, thực hiện các phúc lợi xã hội… Đối với gia đình, những người thực hiện chương trình ngoài thực hiện biện pháp tham vấn, tư vấn tại gia đình sẽ được cung cấp các kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc, bảo vệ trẻ…
Từ khi thực hiện mô hình đến nay, nhận thức của người dân đã thay đổi, sự phân biệt, kỳ thị không còn nhiều như trước. Thực hiện mô hình này, xã Linh Sơn đã có 4 trẻ được hưởng trợ cấp 180.000 đồng/tháng theo Nghị định 67 về chính sách trợ giúp các đối tượng xã hội; 2 trẻ được nhận sữa do mẹ bị nhiễm HIV; tổ chức được 3 buổi sinh hoạt tập trung cho trẻ; thăm, tặng quà trẻ nhân dịp Quốc tế thiếu nhi, Rằm Trung Thu; những người thân của trẻ được tham gia các lớp tập huấn kiến thức về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS…
Là cộng tác viên mô hình tại xóm Lam Sơn, chị Phạm Thị Hoa cho biết: Tiếp xúc trực tiếp với trẻ và người thân của trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để thu thập thông tin về sự thay đổi cuộc sống của trẻ đòi hỏi cộng tác viên phải có kiến thức, kỹ năng nhất định, cùng với tình cảm, trách nhiệm, lòng nhiệt tình của người trợ giúp. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng yêu cầu của công việc này, cần đẩy mạnh thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức, kỹ năng trợ giúp cho những người chăm sóc, hỗ trợ trẻ có HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, những người tình nguyện viên, ban chủ nhiệm... Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng để giảm sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, bởi chính những người thân của họ còn không hiểu, xa lánh những đối tượng này.
Trên thực tế việc trợ giúp, giải quyết vấn đề gặp phải của trẻ có HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn còn tồn tại rất nhiều bất cập. Các chính sách và chương trình hành động hỗ trợ vẫn chưa đến được với tất cả trẻ thuộc diện này. Việc ban hành chính sách, nhất là văn bản luật chưa toàn diện, vẫn còn có những lỗ hổng nhất định.
Điển hình là việc chúng ta chưa có những chế tài đủ mạnh và thực tế, thích hợp cho việc chống kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử đối với người có HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói chung và nhất là với trẻ em có HIV, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nói riêng. Vẫn còn tồn tại một thực tế khá phổ biến là tình trạng phân biệt đối xử với trẻ em có HIV và trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, sự phân biệt đối xử và kỳ thị xa lánh này diễn ra ngay trong mỗi gia đình, trong cộng đồng, trong trường học và thậm chí ngay cả trong cơ sở y tế… Do đó, cần nhân rộng mô hình kết nối dịch vụ và chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS để trẻ em nói riêng, những người có HIV/AIDS nói chung được hưởng sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng.