Chăm lo cho người lao động để phát triển

08:43, 08/06/2012

Ông Lim Chae Yong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ShinWon Ebanezer Hà Nội khẳng định: Sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ gìn sự gắn bó của công nhân với Nhà máy, giúp Công ty đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đầu tư lâu dài tại Thái Nguyên.

Dẫn chúng tôi đi tham quan dây chuyền may dành riêng cho những nữ công  nhân đang mang thai, ông Nguyễn Hoàng Chung, Chủ tịch Công đoàn nhà máy may ShinWon giới thiệu: Nữ công nhân mang thai được xếp làm ở dây chuyền này, họ được ưu tiên việc nhẹ và 15h30’ chiều là đã hết ca làm việc, tức là được về sớm hơn 1h đồng hồ mà vẫn được hưởng nguyên tiền lương như các công nhân khác. Đây là một trong nhiều thay đổi về chính sách đãi ngộ với công nhân rất tích cực của ông Lim Chae Yong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ShinWon Ebanezer Hà Nội từ thời điểm tháng 8 năm ngoái tới nay.

 

Còn nhớ, thời điểm tháng 8-2011, hàng trăm công nhân của Nhà máy đã tự ý nghỉ làm trái phép, tập trung tại cổng Nhà máy đề nghị gặp trực tiếp ban lãnh đạo Công ty Shinwon Ebenerzer Hà Nội, đơn vị chủ quản Nhà máy may Shinwon tại Sông Công để yêu cầu được tăng lương. Vì mức lương họ được hưởng chỉ trên 1,1 triệu đồng/người/tháng và không được hưởng bất kỳ khoản tiền nào khác… Mức thu nhập này dù đúng luật nhưng khó đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho đời sống hàng ngày.

 

Sau sự việc đáng tiếc trên, Ban lãnh đạo (BLĐ) Nhà máy xác định nguyên nhân công nhân nghỉ việc trái phép là do mức thu nhập thấp và quan trọng hơn là quan hệ giữa BLĐ và công nhân của Nhà máy thiếu gần gũi thiểu hiểu biết lẫn nhau. Ngay sau đó, BLĐ Nhà máy đã nắm bắt tình hình và đã có những thay đổi tích cực. Nhà máy đã mở thêm nhiều kênh đối thoại thông qua các cuộc giao ban định kỳ hàng tuần giữa BLĐ với công nhân hoặc Chủ tịch công đoàn. Cách tính lương cho người lao động được thay đổi từ tháng 10-2011. Thay vì chỉ được hưởng 1 mức thu nhập như trước, công nhân sẽ được hưởng thu nhập theo các bậc lương, mức kỹ năng mà mình đạt được. Nhà máy cũng thực hiện chi thưởng cho lao động tiên tiến, cho công nhân thuộc dây chuyền đạt năng suất hàng tuần, hàng tháng và công nhân cũng được hưởng thêm tiền hỗ trợ xăng xe là 150 nghìn đồng/tháng đồng thời được ăn ca miễn phí.

 

Nhà máy may Shinwon có trụ sở tại phường Cải Đan, thị xã Sông Công được Công ty ShinWon Hàn Quốc đầu tư 23 triệu USD để xây dựng và mua máy móc thiết bị, gồm 80 dây chuyền may công nghiệp. Khi đi vào hoạt động đủ công suất, Nhà máy cần hơn 6 nghìn lao động. Hiện Công ty Shinwon đã có nhà máy may ở các nước như Trung Quốc, Indonesia, Guatemala, Bắc Triều Tiên. Tại Việt Nam, năm 2003, Công ty đã đầu tư 1 nhà máy may tại tỉnh Vĩnh Phúc. Nhà máy Shinwon Sông Công là nhà máy may thứ hai của Công ty tại Việt Nam đi vào hoạt động từ tháng 7-2010. Mặt hàng may của Công ty 100% xuất khẩu sang Mỹ.

Nói về sự thay đổi này, chị Bùi Thị Thao, công nhân xưởng 3 của Nhà máy cho biết: tính lương theo cách mới, thu nhập của tôi đạt trung bình 3 triệu đồng/tháng, trong khi cường độ lao động vẫn như trước. Đây là sự thay đổi lớn và rất tích cực từ phía Ban lãnh đạo. Điều này khiến chúng tôi thấy yên tâm và có thêm động lực gắn bó với Nhà máy. Còn Chủ tịch Công đoàn Nhà máy, ông Nguyễn Hoàng Chung cho biết, với cách tính lương này, thu nhập bình quân của người lao động đã đạt mức 2,8 triệu đồng/người/tháng, tăng hơn gấp 2 lần so với trước đây. Cách tính lương mới cùng những thay đổi tích cực trong chi thưởng, quan tâm đến đời sống, tăng cường đối thoại với công nhân… đã là động lực quan trọng để 2,8 nghìn công nhân chuyên tâm làm việc, vừa để tăng thu nhập cho bản thân, vừa đóng góp vào sự phát triển của Nhà máy. Ông Chung cũng cho biết thêm, trước kia, tổ chức Công đoàn chưa được lãnh đạo Nhà máy coi trọng, thì thời gian gần đây, Công đoàn Nhà máy đã thực sự trở thành cầu nối giữa công nhân và Ban Giám đốc..

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lim Chae Yong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ShinWon Ebanezer Hà Nội khẳng định: Căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh, Công ty sẽ tiếp tục có thêm những thay đổi để đáp ứng ngày càng tốt hơn tâm tư, nguyện vọng của công nhân. Ông cho rằng, nhờ những biện pháp tích cực trên mà 5 tháng đầu năm 2012, Nhà máy đã vượt 10% so với kế hoạch được giao, sản xuất được 16,5 triệu sản phẩm, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. 3 tháng tới, Nhà máy tập trung đào tạo cho 2,8 nghìn công nhân đang làm việc đạt kỹ năng loại A, sau đó sẽ tiếp tục tuyển thêm 2,5 nghìn công nhân nữa để đáp ứng được nhu cầu sản xuất.

 

Ông Lim Chae Yong bày tỏ thêm: hiện Công ty còn thiếu hàng nghìn công nhân cho nhà máy Shinwon Sông Công và để đảm bảo sản xuất đáp ứng được các hợp đồng đã ký, Nhà máy Shinwon Sông Công đã phải ký gửi 2 dây chuyền may ở bên ngoài. Bởi thế, Nhà máy Shinwon đã sẵn sàng để đón thêm 2,5 nghìn công nhân mới vào làm với mức thu nhập thỏa đáng và chúng tôi đang thực hiện cam kết hoạt động lâu dài tại Thái Nguyên để cùng với người lao động xây dựng một nhà máy phát triển mạnh mẽ, bền vững.

 

Ông Lim Chae Yong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ShinWon Ebanezer Hà Nội: Chúng tôi đã hiểu, sự gắn bó của người lao động với Nhà máy là rất quan trọng trong sự phát triển của Nhà máy. Vì thế, chúng tôi đã có rất nhiều thay đổi để giữ gìn sự gắn bó này. Tôi hy vọng, Nhà máy sẽ đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đầu tư lâu dài tại Thái Nguyên.

 

Công nhân Nguyễn Thị Hiền: Sau 1 năm làm tại Nhà máy từ chưa có tay nghề, tôi đã đạt được kỹ năng loại A là sử dụng thành thạo 3 loại máy: vắt sổ, may 1 kim và may 3 kim. Thu nhập 2,9 triệu đồng/tháng. Tôi muốn gắn bó lâu dài tại đây.