Hướng đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân

07:56, 29/06/2012

Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 1/7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam, đây chính là thời điểm Luật BHYT có hiệu lực thi hành kể từ năm 2009. Việc lấy ngày 1/7 là ngày BHYT Việt Nam sẽ góp phần tuyên truyền về Luật BHYT; khuyến khích, vận động nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên ngành Y tế.

Thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, theo tinh thần Chỉ thị 38-CT/TW ngày 07/9/2009 của Ban Bí thư Trung ương và Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 27/10/2009 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc triển khai Luật BHYT trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm Luật BHYT được thực thi thì mục tiêu “BHYT toàn dân” vào năm 2014 đang dần được hiện thực hóa. Đến cuối năm 2011, đã có hơn 780 ngàn người tham gia BHYT và tính đến tháng 6/2012 số người có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh đã tăng lên trên 890 ngàn người. Các đối tượng thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc được thực hiện đầy đủ; người nghèo, trẻ em, học sinh - sinh viên và cả đối tượng tự nguyện cũng tham gia BHYT ngày một đông đảo hơn.

 

Chỉ sau 3 năm, sự huy động mức đóng góp của cộng đồng, chia sẻ gánh nặng tài chính với mỗi người khi ốm đau, bệnh tật đã được xã hội quan tâm; vấn đề công bằng và nhân đạo trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được phát huy. Các bệnh viện ký hợp đồng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT với cơ quan BHXH tỉnh đã thể hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình trong việc tham gia KCB cho người dân. Việc mở rộng đối tượng tham gia BHYT và cả cơ sở KCB ở tuyến xã, huyện, thị xã, thành phố; cùng với hệ thống cơ sở y tế tư nhân và y tế cơ quan… giúp người bệnh có nhiều lựa chọn, đảm bảo được lợi ích thiết thực cho mình. Đồng thời, các cơ sở y tế cũng có điều kiện để trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc KCB.

 

Sau 3 năm thực hiện Luật BHYT, kết quả đạt được rất khả quan nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc như: Tình trạng trẻ em chưa có thẻ BHYT dùng giấy chứng sinh, khai sinh đi KCB vẫn còn; việc cùng chi trả 5% đối với nhóm người nghèo, trợ cấp mất sức, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn do họ không có khả năng cùng chi trả. Người cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được hỗ trợ 60% chi phí mua BHYT nhưng tỷ lệ tham gia còn thấp. Một số bệnh viện vẫn còn tình trạng quá tải nên chất lượng KCB chưa đảm bảo, khiến người bệnh chưa hài lòng. Vướng mắc đối với nhóm người có thẻ BHYT bị tai nạn giao thông được BHYT thanh toán chi trả ngay, trong trường hợp bản thân có lỗi, bệnh nhân - người vi phạm phải hoàn trả chi phí đã được thanh toán, song việc thu hồi chi phí đã thanh toán đối với những đối tượng này rất khó thực hiện.

 

Trao đổi với chúng tôi, bà Dương Thị Hảo, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Năm 2009, số lượt bệnh nhân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh là 1.265.000 người, được BHXH tỉnh thẩm định, thanh quyết toán chi phí KCB với số tiền trên 221 tỷ đồng (tăng 19% về số người và 45% chi phí so với năm 2008). Năm 2010, số lượt bệnh nhân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh là 1.492.000 người được BHXH tỉnh thẩm định, thanh quyết toán chi phí KCB với số tiền trên 259 tỷ đồng (tăng 18% về số người và 17% chi phí so với năm 2009), kết dư quỹ BHYT là 66 tỷ đồng. Năm 2011, số lượt bệnh nhân có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh là 1.578.000 người được BHXH tỉnh thẩm định, thanh quyết toán chi phí KCB với số tiền trên 318 tỷ đồng (tăng 6% về số người và 23% chi phí so với năm 2010).

 

Từ chỗ còn tồn tại, vướng mắc về chi phí khám chữa bệnh tại một số cơ sở y tế chưa được giải quyết, thanh quyết toán; một số bệnh viện có số chi phí khám, chữa bệnh BHYT vượt quỹ cao, giá một số dịch vụ kỹ thuật còn những bất cập, BHXH tỉnh đã báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Sở Tài chính phối hợp xây dựng khung giá dịch vụ kỹ thuật mới trình UBND tỉnh phê duyệt thay thế bảng giá cũ. Đồng thời tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung và thanh toán thống nhất theo giá trúng thầu đã được UBND tỉnh phê duyệt, do đó các vướng mắc đã dần được tháo gỡ, giá thuốc ổn định và thống nhất trong toàn tỉnh, quỹ BHYT đã dần có kết dư.

 

Để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu và tự nguyện tham gia BHYT, sự tham gia ủng hộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân thì điều quan trọng hơn cả là phải nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh.

 

Hiện nay theo quy định mới của Chính phủ, quyền lợi của người tham gia BHYT đã có nhiều thay đổi theo hướng có lợi hơn và giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết để người dân được thuận lợi hơn trong quá trình tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT.

 

Tuy nhiên để thực hiện chính sách BHYT theo đúng lộ trình mà Đảng và Nhà nước đặt ra, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết bị và nguồn nhân lực cho tuyến y tế cơ sở để từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và công tác y tế dự phòng đáp ứng nhu cầu và sự tin cậy của người dân, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện BHYT toàn dân.

 

Ngô Chí Dũng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh: Để thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào năm 2014, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân để họ hiểu và tự nguyện tham gia BHYT, sự tham gia ủng hộ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, người dân thì điều quan trọng hơn cả là phải nâng cao được chất lượng khám, chữa bệnh.

 

 

Nguyễn Văn Khải, tổ 5, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên: Do mua bảo hiểm y tế nên khi vợ tôi bị bệnh thận (phải lọc máu 3 buổi/tuần) đã được bảo hiểm chi trả phần lớn viện phí, gia đình tôi chỉ phải đóng 5%. Nếu không có bảo hiểm y tế mỗi lần chạy thận chi phí hết trên dưới 1 triệu đồng, thì 4 năm qua chúng tôi không biết lấy đâu ra tiền để chữa bệnh.