Kiểm soát văn bản quy phạm… phạm luật!

07:50, 28/06/2012

Trước thực trạng nhiều cơ quan Nhà nước thuộc các cấp, ngành trong tỉnh ban hành văn bản trái hoặc không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát, kiểm tra hàng nghìn văn bản được ban hành và kiến nghị xử lý rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định hiện hành hoặc hết hiệu lực thi hành…

Qua thực tế các đợt rà soát văn bản quy phạm pháp luật của cấp tỉnh ban hành từ tháng 6-2004 đến tháng 4-20011 gồm: 103 nghị quyết của HĐND tỉnh; 454 quyết định, 55 chỉ thị của UBND tỉnh, ngành Tư pháp đã xác định được 46 văn bản còn hiệu lực nhưng nội dung không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn nên đã kiến nghị cần bổ sung, thay thế cho phù hợp.

 

Trong đợt kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với cấp huyện và thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với các ngành của tỉnh, các cán bộ chuyên môn của Sở Tư pháp đã phát hiện được nhiều văn bản trái với quy định của pháp luật hoặc hết hiệu lực thi hành cần thu hủy. Cụ thể, qua kiểm tra 729 văn bản đã phát hiện 237 văn bản hết hiệu lực thi hành và nhiều văn bản ban hành không đúng với thẩm quyền, cần phải bãi bỏ như: Quyết định số 7751 ngày 11-8-2010 của UBND huyện Đồng Hỷ về Quy chế kỷ luật, khen thưởng đối với học viên tại Trung tâm Lao động, Chữa bệnh xã hội huyện; Quyết định số 7752 ngày 11-8-2010 của UBND huyện Đồng Hỷ về sử đổi, bổ sung quy chế Quỹ vì trẻ em nghèo; Quyết định số 8544 ngày 1-8-2011 của UBND huyện Phổ Yên về xây dựng Quỹ vì trẻ em nghèo (các văn bản này không phù hợp về thẩm quyền nội dung)… Đặc biệt mới đây, UBND huyện Phú Bình còn ra văn bản về ưu tiên tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các cơ quan của huyện đối với người có hộ khẩu thường trú tại Phú Bình hoặc ít nhất đã công tác ở địa phương 3 năm. Xét về mặt pháp lý thì văn bản này của UBND huyện Phú Bình trái với quy định hiện hành về tuyển dụng công chức, viên chức của Chính phủ, Bộ Nội vụ.

 

Theo đồng chí Nguyễn Kim Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cấp, ngành trong tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định hoặc hết thời hạn mà vẫn sử dụng là do đội ngũ cán bộ tham mưu còn hạn chế về kiến thức cũng như việc cập nhật văn bản pháp luật. Cùng với đó là việc thực hiện quy trình soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện chưa đúng như hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, như: Đối với cấp tỉnh, các sở, ngành trước khi tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần gửi về Sở Tư pháp hoặc Bộ Tư pháp để thẩm định về mặt pháp lý. Đối với cấp huyện, nhiệm vụ thẩm định văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành được giao cho Phòng Tư pháp thực hiện…

 

Mỗi năm, các cấp, ngành trong tỉnh ban hành hàng vạn văn bản quy phạm pháp luật. Nếu không cập nhật kiến thức pháp lý, thực hiện không đúng quy trình hướng dẫn thì rất dễ xảy ra tình trạng ban hành văn bản pháp quy không đúng, ảnh hưởng đến việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan và độ tin cậy của các tổ chức, cá nhân đối với cơ quan Nhà nước.