Kinh tế xanh - chủ đề ngày Môi trường Thế giới năm nay

07:26, 04/06/2012

Chủ đề ngày Môi trường thế giới năm nay là “Kinh tế xanh:vai trò của bạn” là một hoạt động nhằm hưởng ứng Năm Quốc tế về năng lượng bền vững cho tất cả chúng ta 2012 do Liên hợp quốc phát động.

Chủ đề này nhấn mạnh rằng, để xây dựng Kinh tế xanh thì chúng ta cần suy nghĩ lại về cách phát triển kinh tế nếu muốn tạo ra một tương lai tươi sáng. Kinh tế  xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội; giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Hay nói một cách đơn giản, Kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.

 

Kinh tế xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, giúp xóa đói giảm nghèo, có thể tạo ra việc làm, bảo vệ sự đa dạng sinh học. Chính sách Kinh tế xanh có thể giúp các nước đang phát triển đạt được các lợi ích kinh tế, xã hội nhiều mặt. Ví dụ, thông qua triển khai các công nghệ năng lượng sạch và cải thiện tiếp cận với các dịch vụ năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua đầu tư  và áp dụng sản xuất sạch hơn; đảm bảo an ninh lương thực thông qua việc sử dụng nhiều phương pháp nông nghiệp bền vững và tiếp cận với các thị trường mới nổi nhờ các hàng hóa dịch vụ “xanh” của họ.

 

Những tiến bộ trong khai thác hiệu quả tài nguyên và đa dạng hóa các nguồn năng lượng sẽ góp phần giảm chi phí nhập khẩu và đảm bảo an ninh năng lượng cho các quốc gia, tránh các biến động của giá cả thị trường, đồng thời hạn chế các ảnh hưởng môi trường và chi phí liên quan đến sức khỏe từ những hoạt động sản xuất…

 

Việt Nam là quốc gia đang phát triển, từ năm 1986, nhất là sau Đại hội VI của Đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển sang phương thức phát triển sản xuất mới: “Xây dựng một nền kinh tế nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN, có sự quản lý của Nhà nước”. Kể từ đó đến nay đã đạt được nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, đời sống nhân dân không ngừng được tăng cao, hiện nay nền kinh tế xanh đã đạt được đến mức trung bình.

 

Ở Thái Nguyên, những năm qua đã có nhiều hoạt động để bảo vệ môi trường (BVMT). Đặc biệt, trong phát triển công nghiệp đã gắn kết với Kinh tế xanh để hướng tới phát triển bền vững như: giám sát chặt chẽ tình hình khai thác, chế biến xuất khẩu khoáng sản  đã qua chế biến nhằm hạn chế tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên, khuyến khích áp dụng sản xuất sạch hơn trong các ngành nghề sản xuất công nghiệp, bao gồm: chế biến vật liệu xây dựng, luyện kim, sản xuất giấy để đảm bảo tiết kiệm nguyên liệu đầu vào và kiểm soát chất thải đầu ra; ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến thay thế dần các dây chuyền công nghệ cũ lạc hậu, lãng phí nguyên vật liệu và gây ô nhiễm môi trường  (MT).

 

Qua đó, nhiều đơn vị , xí nghiệp đã ý thức được vấn đề BVMT, tiết kiệm tài nguyên trong quá trình sản xuất kinh doanh (SXKD), thực hiện đầu tư công nghệ mới, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thay thế nguyên liệu sản xuất thô bằng các phế liệu tái chế như: Công ty cổ phần Giấy Hoàng Văn Thụ, Công ty TNHH Nasteel Vina, Nhà máy Xi măng Lưu Xá..Hoặc Nhà máy xử lý chất thải tại Sông Công đã xử lý chất thải, sử dụng chất thải như một nguồn tài nguyên để tái chế chất thải rắn sinh hoạt. Tái sử dụng nước mỏ than sau xử lý để tưới bụi, sử dụng biogas làm nhiên liệu trong các trang trại chăn nuôi lợn.

 

Trong lĩnh vực phát triển các nguồn năng lượng sach và bảo tồn , phát triển đa dạng sinh học, tỉnh đã khuyến khích các hoạt động đầu tư của tư nhân trong phát triển chương trình thủy điện nhỏ tại Hồ Núi Cốc, thực hiện giao đất giao rừng nhằm huy động sức mạnh cộng đồng trong công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Đây cũng là định hướng phát triển công nghiệp đi đôi với BVMT mà tỉnh đang phấn đấu giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020.

Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2011-2015, công tác BVMT cũng được quan tâm song hành. HĐND tỉnh đã thông qua Đề án BVMT tỉnh với mục tiêu tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm MT cấp bách nhằm khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm MT. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng và phê duyệt tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án, dự án trọng điểm như: Quy hoạch BVMT đến năm 2020, Đề án khắc phục xử lý ô nhiễm MT trong khai thác chế biến khoáng sản; Đề án BVMT khu vực nông thôn; xây dựng các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT… Đi đôi là tăng cường công tác thanh kiểm tra các đơn vị SXKD về MT nhằm giúp các đơn vị nâng cao nhận thức và có hành động tích cực để BVMT trong SXKD, hướng tới phát triển bền vững.

 

Vì vậy, hướng tới phát triển “nền Kinh tế xanh” là hướng tiếp cận mới phù hợp với xu thế phát triển chung của hệ thống toàn cầu. Chúng ta không thể nằm ngoài xu thế chung đó.

 

 

Ông Đoàn Văn Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh: “Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay được UBND tỉnh tổ chức tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Thái Nguyên TNG thuộc Khu công nghiệp Sông Công với sự tham gia của cán bộ, công nhân viên, người lao động ở các đơn vị, xí nghiệp trong khu công nghiệp là thể hiện rõ quyết tâm: phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT. Đồng thời gửi cho chúng ta một thông điệp: các tổ chức, cá nhân cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình cùng chung tay BVMT để xây dựng nền Kinh tế xanh, hướng tới phát triển kinh tế bền vững”