Làm gì để thu hút đoàn viên?

08:21, 09/06/2012

Có những chi đoàn chỉ lèo tèo vài đoàn viên sinh hoạt, có chi đoàn lại chỉ có bí thư và chuyện phải kiện toàn lại ban chấp hành ở một số chi đoàn là việc làm thường xuyên... Đó là thực tế không vui trong hoạt động Đoàn khối nông thôn ở Phú Lương.

Không hút được thanh niên

 

Mặc dù đã đặt lịch làm việc từ trước với Chi đoàn xóm Tân Bình 3, xã Tức Tranh, nhưng đến hẹn chỉ có đồng chí Bí thư Chi đoàn Ngô Xuân Tung có mặt. Anh Tung cho biết: Tôi làm Bí thư Chi đoàn xóm từ năm 1999 đến nay. Thời điểm đó, Chi đoàn có tới trên 30 đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt. Phong trào Đoàn ở xóm lúc đó phát triển mạnh nhất, các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức thường xuyên. Nhất là những ngày lễ, tết, lực lượng thanh niên đứng ra tổ chức rất bài bản, vui vẻ, ý nghĩa. Nhưng từ năm 2005, số lượng đoàn viên tham gia bắt đầu sụt giảm, người thì đi học xa, người đi làm ăn xa, có trường hợp sau khi xây dựng gia đình thì không tham gia sinh hoạt nữa. Đến năm 2009 thì Chi đoàn chỉ còn lại mỗi bí thư, các hoạt động vì thế cũng tắt lịm, việc sinh hoạt định kỳ không duy trì được. May ra, vào dịp nghỉ hè hoặc nghỉ Tết, mới có thêm 2-3 đoàn viên, thanh niên ở các trường về tham gia sinh hoạt cùng. Sau thời gian đó, Chi đoàn lại chỉ còn một mình tôi. Nay tôi cũng ở tuổi 34, nhiều lần có ý kiến với Ban Chấp hành Đoàn xã cho tôi trưởng thành Đoàn, nhưng vì không có nguồn nên vẫn phải cố làm để giữ phong trào.

 

Những chi đoàn cùng chung tình trạng như Chi đoàn xóm Tân Bình 3 không phải là hiếm, anh Trần Xuân Tứ, Bí thư đoàn xã Tức Tranh cho biết: Xã có khoảng 500 người trong độ tuổi sinh hoạt Đoàn thuộc khối nông thôn, nhưng chỉ có 120 đoàn viên, thanh niên sinh hoạt ở 25 chi đoàn. Chi đoàn xóm Tân Bình 1 chỉ có 4 đoàn viên, trong đó 1 bí thư và 3 em học sinh THPT được vận động tham gia sinh hoạt trong dịp hè, còn vào năm học, thì Chi đoàn cũng chỉ còn lại bí thư. Hiện nay, Bí thư Chi đoàn Nguyễn Thị Huyền cũng đã đi xây dựng gia đình ở nơi khác và chưa có người thay.

 

Trao đổi với chúng tôi, chị Phạm Thị Lan Anh, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: Hiện toàn huyện có 36 cơ sở đoàn với 386 chi đoàn, trong đó có 198 chi đoàn nông thôn. Đây là khối có đông số lượng đoàn viên, thanh niên nhất, nhưng lại hoạt động kém hiệu quả nhất. Nguyên nhân chính là các đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt không liên tục, số lượng đoàn viên, thanh niên ở khối này thường xuyên thay đổi do không có mặt ở địa phương, hầu hết các trường hợp sau khi xây dựng gia đình đều kém nhiệt tình với các phong trào của Đoàn… Nhiều chi đoàn chúng tôi phải kiện toàn lại Ban Chấp hành. Gần đây nhất là Chi đoàn xóm Đồng Nghè 2 và Chi đoàn Đồng Chằm, xã Yên Ninh, mặc dù vừa mới tổ chức Đại hội xong nhưng một số đồng chí trong Ban Chấp hành lại đi làm ăn xa. Ngay cả việc tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quy định mỗi tháng 1 lần nhiều chi đoàn cũng không duy trì được. Vì thế, các hoạt động chính trong năm như: tổ chức Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, sinh hoạt hè… cũng không tổ chức được hoặc phải nhờ đến các đoàn thể khác đứng ra tổ chức, khiến vai trò của đoàn viên, thanh niên nhiều địa phương không được thể hiện.

 

Mong có nhiều hoạt động thiết thực hơn

 

Anh Trần Thái Sơn, Bí thư Đoàn xã Động Đạt cho biết: Đoàn viên, thanh niên nông thôn gồm 3 đối tượng: Một là đoàn viên ở các trường học, đây là lực lượng đông nhất và tham gia sinh hoạt sôi nổi nhất, nhưng họ chỉ tham gia sinh hoạt chủ yếu vào dịp hè. Thứ hai là đoàn viên thường xuyên có mặt tại địa phương, hiện là lực lượng nòng cốt trong các phong trào thanh niên. Tuy nhiên, số lượng lại rất ít bởi nhiều người đi học xa, đi làm ăn xa, số ở lại địa phương làm nông nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay/chi đoàn. Đối tượng thứ ba là đoàn viên đã xây dựng gia đình. Đây là đối tượng khó tập hợp nhất vì sau khi xây dựng gia đình, đa số họ đều phải lo phát triển kinh tế gia đình, ít có thời gian tham gia sinh hoạt.

 

Chúng tôi tìm gặp một số thanh niên nông thôn để tìm hiểu tâm tư của họ và được anh Bạch Đình Thiêm, xóm Làng Lê, xã Động Đạt giãi bày: Là một thanh niên, tôi rất muốn được tham gia các hoạt động tập thể, ngoài việc để giao lưu, vui chơi, còn để học tập những kinh nghiệm hay trong sản xuất, kỹ năng sống văn minh… Nhưng hiện nay, nội dung sinh hoạt của Đoàn chưa đáp ứng được điều đó, chủ yếu trong các buổi sinh hoạt vẫn chỉ là đến nghe triển khai các công việc trong tháng và hát lại mấy bài hát cũ, khiến cho các buổi sinh hoạt trở nên nhàm chán và đoàn viên ít thu lượm được những kiến thức phục vụ cuộc sống của mình.

 

Cùng xóm Làng Lê, anh Phan Văn Cừ lại có tâm sự khác: Năm 2006, tôi cũng tham gia hoạt động Đoàn rất tích cực ở địa phương và giữ chức Bí thư Chi đoàn xóm. Đến năm 2009, tôi xây dựng gia đình và xin thôi chức bí thư, từ đó tôi cũng không tham gia sinh hoạt Đoàn nữa. Bây giờ, tôi là người trụ cột gia đình, phải lo làm ăn nuôi vợ, nuôi con. Giá như, Đoàn có nguồn quỹ cho đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế thì tốt biết mấy…

 

Qua những tâm sự của các bạn trẻ ở đây, chúng tôi hiểu điều mà họ mong mỏi ở các tổ chức Đoàn, Hội là ngoài việc có được sân chơi lành mạnh, bổ ích, các phong trào thì các hoạt động của Đoàn cần mang lại lợi ích một cách thiết thực nhất cho mỗi đoàn viên, thanh niên khi tham gia sinh hoạt. Để đáp ứng được nhu cầu này, các cơ sở Đoàn cần phải đổi mới hình thức, nội dung sinh hoạt, quan trọng là phải có những hoạt động nhằm nâng cao kiến thức, tạo cơ hội giao lưu, học tập cho các đoàn viên như: Trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, giới thiệu các mô hình hiệu quả kinh tế cao, cung cấp thông tin về xã hội, thị trường… như vậy các đoàn viên sẽ tìm thấy lợi ích thiết thực khi tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội. Được biết năm 2011, huyện Phú Lương đã phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp và việc làm giai đoạn 2011-2015”. Theo Chương trình này, đến năm 2015, sẽ có 3.000 tha nh niên nông thôn được đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm; 5.500 thanh niên được tư vấn hướng nghiệp. Hy vọng Chương trình này sẽ đáp ứng được nhu cầu của thanh niên nông thôn hiện nay, qua đó đoàn viên, thanh niên tích cực tham gia vào các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội.