Ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, các lò luyện thi đại học ở quanh khu vực Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) đã “nóng” trở lại. Sĩ tử đến luyện thi cấp tốc tại các lò luyện ở đây có tới vài trăm người, chủ yếu là con em Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Dù không có một ấn định nào của cơ quan hữu trách, nhưng các cơ sở luyện nhanh, học gấp ở khu vực này đều chọn ngày 9-6 làm ngày khai giảng. Tại Trung tâm luyện thi Phạm Hùng, tôi chen chân với các sĩ tử, đến bên bàn đăng kí, nộp tiền học. Mấy nhân viên phải luôn tay ghi chép thẻ cho học sinh và ghi biên lai thu tiền, miệng cũng phải liên tục giải thích, hướng dẫn, vận động các em nên đăng ký vào học ngay, vì số phòng học có hạn.
Một học trò từ phía sau chen lên, hấp tấp, tôi bảo:
- Hãy đợi đã.
- Cháu sợ đông quá, đến muộn không được vào học… Sau một lát nhìn tôi ngượng ngùng, nam sinh này trình bày.
Nam sinh ấy là Trần Văn Hoàng vừa từ Hà Quảng, Cao Bằng về. Hoàng hỏi cô nhân viên ghi thẻ vào lớp:
- Cháu chưa biết là mình có đủ điểm tốt nghiệp THPT hay không, nhưng cứ đi học ôn, ít nhất là có một chuyến đi chơi.
- Em yên tâm, khi đăng ký vào đây học, nếu kết quả thi tốt nghiệp là trượt, Trung tâm sẽ trả lại hết tiền cho em. Nhưng em phải về Cao Bằng mang giấy chứng nhận thi trượt tốt nghiệp đến - Người thu ngân giải thích.
Tôi quay lại nhìn tấm biển lớn ngay phía cửa ra vào, nội dung ghi trên đó như một cam kết, trong đó có quy định rất rõ: Học sinh phải nộp tiền trước 100% cho khoá học; Trung tâm không trả lại tiền cho bất cứ trường hợp nào bỏ học giữa khoá.
Đứng cạnh tôi, nhiều sĩ tử cũng chăm chú đọc nội quy, quy định của Trung tâm với tâm trạng lo âu, hồi hộp. Chợt một nữ sinh cắt tóc như con trai giật mạnh vào tay áo tôi, cười hồn nhiên, hỏi:
- Bác cũng đến để luyện thi đại học à?
- Con gái bác chạc tuổi cháu. Bác đi đăng ký cho nó học.
- Thế thì cháu có thêm bạn rồi, nhưng chắc bạn ấy học siêu lắm? Cô bé reo lên.
Một nhân viên Trung tâm đến cạnh tôi, hỏi:
- Anh đưa cháu đến đây luyện thi ạ. Giáo viên của Trung tâm toàn thầy, cô đang dạy học ở các trường đại học, anh gửi cháu đến đây, cầm chắc là thi đỗ…
Sang cơ sở luyện thi của thầy Ngô Gia Võ, chúng tôi cũng được các nhân viên ở đây tiếp thị nhiệt tình. Một nhân viên giục:
- Bác đăng ký cho con học khối nào?
- Tôi cũng chưa biết nó thi khối gì. Nó đang nằm ở nhà trọ.
- Bác cầm lịch học của từng khối, trong đó có đủ cả các môn học, thời gian học và tên của các thầy, cô sẽ dạy các em. Bác yên tâm khi đăng ký cho con đến luyện thi tại cơ sở này, trung bình 10 đứa vào luyện thi thì 8 đứa đỗ đại học...
Cầm cả xấp thời khoá biểu, tôi đọc lướt một lượt thấy các lớp học được tổ chức vào buổi sáng và chiều trong ngày, kể cả ngày chủ nhật. Hầu hết các khối thi đều được cơ sở tổ chức chiêu sinh, ngoài các khối A, A1, B, C... còn có cả khối năng khiếu. Còn tên của các thầy, cô tham gia luyện thi đều là giáo viên đang công tác tại các trường THPT ở T.P Thái Nguyên và một số trường thành viên Đại học Thái Nguyên. Nhiều thầy, cô đã nghỉ hưu cũng tranh thủ “tháng nóng sốt” đến đăng ký làm thêm.
-Bác đăng ký sớm cho cháu vào học, thời gian gấp lắm rồi, mấy hôm trước cơ sở vừa lắp thêm máy điều hoà cho các phòng học bác ạ. Bác cho cháu học 1 khoá 22 ngày (từ ngày 9 đến hết ngày 30-6), nộp 600.000 đồng. Còn đăng ký học theo buổi, 30.000 đồng/buổi - Nữ nhân viên lại giục.
Cũng với thái độ tiếp đón ân cần, mấy nhân viên nữ ở Trung tâm luyện thi EWORK, số 11, đường Lê Quý Đôn, T.P Thái Nguyên rào đón, thăm hỏi rất kỹ về việc cháu nhà tôi đăng ký thi đại học nào, có nguyện vọng luyện thi cả 3 môn trong khối thi hay chỉ luyện môn mình học đuối. Khi thấy tôi tỏ thái độ chán nản vì có đứa con gái học kém, lại biết yêu từ lớp 11 thì được một cô nhân viên giục giã: Từ nay đến lúc thi đại học đợt 1 chỉ còn hơn 20 ngày, gấp lắm nên phải cho cháu học cấp tốc anh ạ…
Liền sau đó là câu chuyện tiếp thị: Trung tâm mời được cả thầy, cô giáo có nhiều học sinh giỏi quốc gia giảng dạy. Với kiến thức “thâm hậu”, thầy, cô đúc kết được một giáo trình giảng dạy riêng, vì thế trong thời gian nước rút, học sinh được luyện tập nhuần nhuyễn những kiến thức cơ bản của môn thi, đồng thời còn được thầy, cô truyền đạt những kinh nghiệm, kỹ năng làm bài thi, rèn luyện cho các em có phản xạ tốt với các dạng đề thi.
Thật… diệu kì, trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tháng, nhiều sĩ tử có lực học trung bình sẽ có thể được thầy, cô tại các cơ sở luyện thi đại học cấp tốc nhét đầy kiến thức của 3 năm học THPT vào bộ nhớ. Ông Hoàng Trần Minh, phụ huynh của cháu Hoàng Trần Đức ở Na Hang (Tuyên Quang) nói với tôi đầy thán phục. Rồi quay sang nói với con trai như mệnh lệnh: Đăng ký học ngay để bố còn nộp tiền...
Sau ngày khai giảng lò luyện, tôi gặp lại bố con ông Minh đang lúi húi nhăt rau nấu cơm tối ở một nhà trọ tại phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên). Ông Minh thở dài: Đi chuyến này chắc bố con tôi mất đứt con trâu to. Còn Đức phàn nàn: Chú ạ, lớp học đông lắm, rất mất trật tự. Thầy giáo cứ giảng bài theo bộ đề thi cho cả lớp chép. Nếu biết học thêm là như thế, cháu… tự học ở nhà còn hơn.
Tôi cũng thở dài: Đúng là luyện thi… siêu tốc. Vậy mà vẫn có bao thí sinh phải lao vào lò luyện, với những hy vọng mong manh…