Mở rộng và nâng cao khả năng điều trị trong sản khoa

15:28, 21/06/2012

Năm 2013, Bệnh viện A sẽ thực hiện được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, đó là khẳng định của bác sĩ Đỗ Minh Thịnh - Giám đốc Bệnh viện trong cuộc trao đổi với chúng tôi khi nói về việc áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu trong sản khoa để điều trị cho bệnh nhân.

Đây là một tin vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn con cái không chỉ ở Thái Nguyên mà còn ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bởi cho đến nay, ngoài các bệnh viện ở Trung ương, T.P Hồ Chí Minh… thì khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn chưa có Bệnh viện nào thực hiện được kỹ thuật đòi hỏi sự chính xác gần như tuyệt đối này.

 

Bác sĩ Đỗ Minh Thịnh cho biết, việc phát triển Bệnh viện A theo định hướng chuyên khoa sâu về sản, nhi khoa có nhiều thuận lợi bởi đây là bệnh viện có đủ các khoa lâm sàng, cận lâm sàng của bệnh viện đa khoa hạng II, đội ngũ với trên 350 cán bộ, trong đó có 2 bác sĩ chuyên khoa II, 04 thạc sĩ, 33 bác sĩ chuyên khoa I… được đào tạo cơ bản, có trình độ tay nghề cao. Tháng 3-2006, Bệnh viện đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi đầu tiên là cắt u buồng trứng, đến nay kỹ thuật này đã được thực hiện thường quy, ngoài ra các kỹ thuật khó trong mổ nội soi như: cắt khối chửa ngoài tử cung, mổ bảo tồn vòi trứng trong chửa ngoài tử cung, bóc nhân xơ tử cung, gỡ dính tạo hình loa vòi trứng, cắt tử cung bán phần, toàn phần… đã được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng điều trị tại Bệnh viện.

 

Để thực hiện được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, từ năm 2011đến nay, Bệnh viện liên tục cử cán bộ đi đào tạo tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Trường Đại học Y - Dược Hà Nội, Bệnh viện Từ Dũ (T.P Hồ Chí Minh). Ngoài ra, Bệnh viện còn thực hiện đào tạo theo nhóm kỹ thuật, mời các giáo sư đầu ngành đến trực tiếp giảng dạy, chuyển giao công nghệ, đào tạo theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, qua đó các bác sĩ của Bệnh viện đã tự mình thực hiện được nhiều kỹ thuật khó, góp phần nâng cao chất lượng điều trị.

 

Cùng với việc đào tạo chuyên môn cho các kíp kỹ thuật, cuối năm 2011, Bệnh viện A đã mạnh dạn đầu tư thiết bị, trong đó có một số thiết bị hiện đại như: máy phát hiện ung thư vú Maniography; phát hiện sớm ung thư cổ tử cung; hệ thống xét nghiệm sinh hóa tự động… Trong số các thiết này có một số máy móc được lắp đặt thông qua hình thức xã hội hóa, liên doanh, liên kết, góp phần hỗ trợ đắc lực trong quá trình chẩn đoán và điều trị, giúp các bác sĩ xác định bệnh một cách chính xác, đưa ra được phác đồ điều trị hiệu quả. Sau một thời gian triển khai lắp đặt thiết bị và đào tạo chuyên môn cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, cuối năm 2011, Bệnh viện đã bắt đầu triển khai thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp lọc rửa tinh trùng và bơm vào buồng tử cung (kỹ thuật IUI), đến nay Bệnh viện đã thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trên 40 bệnh nhân, tỷ lệ thành công đạt gần 20%, bằng so với tỷ lệ chung của các bệnh viện tại tuyến Trung ương.

 

Có dịp tiếp xúc với bệnh nhân Trịnh Thị Lan Hương, 33 tuổi, trú tại tổ 2, phường Quang Vinh khi chị đang đi khám thai, chúng tôi được chị cho biết: Các bác sĩ nói tôi bị vô sinh thứ phát, tôi đã có một con trai, hiện nay cháu đã được 9 tuổi, con lớn rồi mà mãi chúng tôi vẫn chưa sinh được thêm cháu thứ hai, gia đình tôi ai nấy đều mong đợi. Được người bạn cho biết ở Bệnh viện A có triển khai phương pháp thụ tinh nhân tạo, tôi vào đây điều trị, thật vui mừng là tôi đã có mang, nay thai đã được hơn 8 tuần tuổi, gia đình chúng tôi cảm ơn các bác sĩ lắm.

 

Niềm vui của các bà mẹ như chị Hương cũng là niềm vui chung của các y, bác sĩ, đây cũng là minh chứng sống động cho sự phát triển vượt bậc về chuyên môn của Bệnh viện trong thời gian qua. Tuy nhiên, theo ý kiến của bác sĩ Đỗ Minh Thịnh, triển khai được kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) không đơn giản chút nào, ngoài trình độ chuyên môn của các bác sĩ, kỹ thuật viên, phương pháp này đòi hỏi khu vực kỹ thuật (vốn đầu tư thiết bị khoảng gần 30 tỷ) cần được đặt ở khu vực biệt lập, độ ồn thấp, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng được kiểm soát theo đúng quy trình, không khí được lọc bằng máy nano, đặc biệt là yêu cầu khắt khe về vô trùng trong khu vực làm việc.

 

Hiện nay, Bệnh viện đang từng bước đầu tư thiết bị, các phòng kỹ thuật để triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cũng đã được nhà nước quan tâm đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư công đang bị cắt giảm, khu kỹ thuật này mới làm xong phần thô, nếu không có vốn đầu tư để tiếp tục hoàn thiện công trình thì sẽ khó có thể triển khai được kỹ thuật này trong năm 2013. Hiện Bệnh viện đang rất mong tỉnh và các Bộ, ngành ở Trung ương có giải pháp để cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị thi công, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình để Bệnh viện triển khai được các kỹ thuật chuyên sâu trong sản khoa, góp phần cùng với các đơn vị y tế trên địa bàn từng bước đưa Thái Nguyên phát triển thành Trung tâm Y tế vùng trung du, miền núi Bắc Bộ.