Trong ngày 26/6, Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTW) Thái Nguyên đã tiếp nhận tới 4 bệnh nhân ngộ độc thuốc nam. 2 trong số 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch do nhiễm phải chất cực độc. Theo bác sĩ Lê Hùng Vương, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, BVĐKTW, tháng nào Bệnh viện cũng phải tiếp nhận vài trường hợp ngộ độc thuốc nam. Một số trường hợp khi nhập viện đã bị suy gan, suy thận quá nặng và dẫn tới tử vong.
Sau khi uống thuốc nam tự chế, 12 giờ trưa 26/6, hai bệnh nhân Nguyễn Văn Hành, 61 tuổi trú tại xóm Đồng Tâm, xã Đồng Bẩm, thành phố Thái Nguyên và Đỗ Thị Xuân, 54 tuổi, (em vợ ông Hành) trú tại huyện Chợ Mới (Bắc Kạn) nhập viện BVĐKTW trong tình trạng chóng mặt, vật vã, khó thở. Nghiêm trọng hơn, bệnh nhân Đỗ Thị Xuân còn có biểu hiện ngừng thở, người tím tái. 30 phút sau, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn 29 tuổi, là con dâu ông Hành trên đường vào thăm bố cũng bị chóng mặt, vật vã, khó thở và cũng được đưa vào cấp cứu.
Sau hơn 2 giờ cấp cứu, giải độc tích cực, cả 3 bệnh nhân đã được cứu sống và đến chiều 27/6, 2 trong 3 bệnh nhân đã bình phục và tỉnh táo. Riêng bệnh nhân Đỗ Thị Xuân bị nặng nhất nên mặc dù đã tỉnh nhưng phải dùng máy trợ thở. Theo các bác sĩ ở đây, cả 3 bệnh nhân đã may mắn khi đến viện kịp thời và đã qua khỏi cơn nguy kịch. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hành cho biết, sáng 26/6, ông sắc bài thuốc nam do ông tự chế cho bà Đỗ Thị Xuân uống để chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Sau khoảng 1 giờ uống trên 150ml thuốc sắc đặc, bà Xuân có biểu hiện ngộ độc, chóng mặt, vật vã rồi khó thở. Không tin thuốc mình sắc gây ngộ độc, ông Hành thử uống thuốc này và cũng bị ngộ độc tương tự bà Xuân. Hai người lập tức được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn đi làm về tưởng nước lá cây nên cũng uống dẫn tới phải nhập viện. Ông Hành cho biết, đây là bài thuốc nam ông đã áp dụng trên nhiều người quen, người thân đem lại hiệu quả (?) nhưng không ngờ lần này lại gây họa.
Cùng ngày, BVĐKTW cũng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nông Văn Đức, 38 tuổi ở xã Tân Kim, huyện Phú Bình. Bệnh nhân Đức uống thuốc nam để chữa bệnh suy thận nhưng bị ngộ độc thuốc khiến bệnh thêm trầm trọng. Khi nhập viện, anh Đức đã bị vô niệu 2 ngày và các bác sĩ ở đây phải thông tiểu đồng thời điều trị giải độc tích cực.
Bác sĩ Lê Hùng Vương, người trực tiếp điều trị cho cả 4 bệnh nhân của hai ca trên cho biết: Trường hợp ngộ độc thuốc nam như các bệnh nhân: Đỗ Thị Xuân, Nguyễn Văn Hành và Nguyễn Thị Thanh Nhàn là hiếm gặp ở tỉnh Thái Nguyên vì thông thường ngộ độc thuốc nam có biểu hiện ngấm dần vào cơ thể rồi gây ra suy gan, suy thận giống như bệnh nhân Nông Văn Đức chứ không gây liệt hô hấp hoàn toàn như 3 trường hợp bệnh nhân kể trên. Bác sĩ Vương cũng cho rằng tình trạng ngộ độc do uống thuốc nam là đáng báo động khi tháng nào Bệnh viện cũng tiếp nhận vài ca cấp cứu ngộ độc thuốc nam. Thông thường, bệnh nhân ngộ độc thuốc nam nhập viện trong tình trạng suy gan, suy thận nhẹ, dị ứng, tiêu chảy và ra viện sau 1 vài ngày điều trị tích cực. Tuy nhiên, đáng tiếc có nhiều bệnh nhân khi nhập viện đã bị suy gan, suy thận quá nặng và dẫn tới tử vong. Đây là những bệnh nhân có tiền sử bệnh gan, bệnh thận nên khi ngộ độc dễ dẫn tới tình trạng bệnh nặng thêm rồi tử vong nhanh chóng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thái Văn Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho rằng hầu hết các ca ngộ độc thuốc nam đều có nguồn gốc thuốc của những người không có kinh nghiệm chuyên môn và chưa được công nhận hành nghề hợp pháp như trường hợp ông Nguyễn Văn Hành. Ông Vinh cũng cho rằng, việc bệnh nhân tự ý uống thuốc mua từ những nguồn chưa được kiểm chứng và của những người hành nghề không hợp pháp là rất nguy hiểm và có nguy cơ ngộ độc cao. Ông Vinh cũng khuyến cáo người bệnh muốn điều trị bằng thuốc nam thì cần tìm đến những nhà thuốc đã được cấp phép hành nghề để tránh gặp phải những trường hợp đáng tiếc kể trên.