Nhiều di tích đã xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo

07:43, 12/06/2012

Trong số 128 di tích và điểm di tích trên địa bàn huyện Định Hoá thì mới có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 6 di tích xếp hạng cấp tỉnh, còn lại chưa được xếp hạng, điều đó có nghĩa là hơn 100 di tích đến giờ vẫn không có kế hoạch về kinh phí để trùng tu, tôn tạo.

Huyện Định Hoá là an toàn khu tuyệt mật và vùng lõi của Chiến khu cách mạng Việt Bắc, tại đây, các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chiến tranh đã qua đi, giờ đây, những địa điểm giờ ấy trở thành di tích lịch sử, cách mạng kháng chiến. Một số di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đánh dấu sự nghiệp cách mạng của nước ta và đã được xếp hạng cấp tỉnh, quốc gia. Tuy nhiên, vì trong kháng chiến, các cơ quan được xây dựng bằng vật liệu sẵn có ở địa phương như tranh, tre, nứa lá… nên theo thời gian đã bị xuống cấp, hư hỏng; còn các di tích đã được phục hồi, tôn tạo bằng vật liệu bền vững nhưng qua thời gian cũng đã xuống cấp… cần được trùng tu, tôn tạo.

 

Chúng tôi đến di tích nhà ông Ma Khắc Thoi, xóm Khanh Hạ, xã Bình Yên, nơi làm việc của đại tướng Hoàng Văn Thái vào năm 1947. Hiện nay, nhà đã hỏng chỉ còn phần nền, gia đình ông Lương Phúc Chớp (con trai ông Thoi) đã dựng nhà trên phần nền đó để ở. Bà Đào Thị Sự, con dâu ông Thoi cho biết: Tôi được nghe các cụ kể lại trước đây có cán bộ đến ở và làm việc nhưng qua thời gian nhà lá đã hỏng và bị sập. Nếu nhà nước đặt bia để ghi nhớ địa điểm này, gia đình tôi sẵn sàng ủng hộ, tạo điều kiện để giữ gìn, bảo tồn di tích. Tương tự như di tích trên, trên địa bàn huyện còn có điểm di tích ghi dấu nơi Bác Hồ và nhiều cán bộ cao cấp ở và làm việc hiện chỉ còn phần nền nhà như: Nhà ông Lô Đức Lệnh, xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ; nhà ông Trần Sinh, xóm Sơn Đầu, xã Sơn Phú; lán làm việc của Thiếu tướng Văn Tiến Dũng (Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân), xóm Nà Mao, xã Thanh Định; nhà ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xóm Bản Giáo, xã Điềm Mặc…

 

Đến thăm điểm di tích nền nhà và hầm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xóm Đồng Chua (nay là xóm Keo En), xã Thanh Định thì thấy hầm xuyên qua đồi Khẩu Quắc đã bị sụt lở, còn 2 nền lán ở đỉnh đồi. Năm 2004, di tích đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch dựng bia ghi dấu nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc từ năm 1953 đến trước ngày lên đường đi chiến dịch Điện Biên Phủ (5-1-1954); đây cũng là nơi ở và làm việc của Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, từ tháng 11-1953 đến đầu năm 1954. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh bàn kế hoạch tác chiến chiến dịch Đông Xuân 1953-1954.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Bông, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Định cho biết: Trên địa bàn xã có 7 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 3 di tích đã đặt bia (Tổng cục Hậu Cần, xóm Thẩm Quẩn; Nhà máy in Quân đội, xóm Nà Cạy; Hội trường Tổng quân uỷ Trung ương, xóm Nà Lẹng) nhưng chưa có di tích nào được xếp hạng, vì thế Đảng uỷ xã đã ra nghị quyết về tôn tạo, bảo vệ các di tích, đồng thời thường xuyên đôn đốc các ngành, các cấp và nhân dân địa phương có trách nhiệm giữ gìn, trông nom, giao cho Đoàn Thanh niên xã thường xuyên dọn vệ sinh khu di tích…

 

Anh Hoàng Tuấn Anh, cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện cho biết: Trên địa bàn huyện có 32 điểm di tích lịch sử được các cơ quan, bộ, ngành Trung ương đầu tư tôn tạo với gần 35 tỷ đồng. Số di tích còn lại chưa được đầu tư tôn tạo nên hiện chỉ còn phần nền, địa chỉ và rất cần có bia ghi dấu di tích nhưng địa phương không có kinh phí nên chính quyền địa phương phải tuyên truyền, vận động nhân dân để nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ.

 

Đầu năm 2012, Phòng đã có văn bản, kèm theo danh mục 85 điểm di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện (trong đó có một số cụm điểm di tích) gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương quan tâm đầu tư, hỗ trợ tôn tạo di tích, phục vụ nhu cầu tham quan của khách và nhân dân, qua đó góp phần tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, đoàn kết dân tộc và biết trân trọng công sức xây dựng, bảo vệ đất nước của thế hệ đi trước. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng Phòng trưng bày truyền thống huyện Định Hoá để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc, và để lưu giữ các tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị lịch sử, văn hoá và những đóng góp của nhân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp…