Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 3 - HĐND tỉnh, khoá XII đã được trả lời

14:48, 26/06/2012

TNĐT:  Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khoá XII và trong tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIII, UBND tỉnh nhận được các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc nhiều lĩnh vực: thực hiện các chế độ chính sách; công tác quản lý tài nguyên và môi trường, công tác quản lý đầu tư và xây dựng, giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; giáo dục và đào tạo; y tế và một số lĩnh vực khác.

Các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành của tỉnh nghiêm túc tiếp thu, xem xét và đối chiếu với các quy định hiện hành của Nhà nước, của địa phương và điều kiện cụ thể của tỉnh để giải quyết; đồng thời có kế hoạch và giải pháp thực hiện những kiến nghị đó.

 

Trong nội dung báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của của tri, UBND tỉnh đề cập đến những vấn đề trọng tâm, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, có tác động đến một bộ phận lớn dân cư và thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh… Báo Thái Nguyên trích đăng nội dung báo cáo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri.

 

1. Lĩnh vực nội chính

 

1.1 Cử tri các địa phương trong tỉnh tiếp tục đề nghị có chế độ phụ cấp cho phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, chi hội trưởng người cao tuổi xóm, cán bộ kiêm nhiệm như trưởng ban tuyên giáo, trưởng khối dân vận, chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp xã, trị trấn, trưởng, phó ban thanh tra nhân dân; nâng mức phụ cấp và có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH-BHYT) đối với phó các đoàn thể, phó ban lâm nghiệp, công an viên xã, phường, thị trấn.

 

Trả lời:

 

- Về quy định số lượng chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách

 

Thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng phương án số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khoá XI và đã được HĐND tỉnh quyết nghị tại Nghị quyết số 30/2010/NQ-HĐND ngày 10-12-2010, trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND ngày 16-02-2011 quy định về số lượng, chức danh, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, cụ thể như sau:

 

+ Về số lượng: Mỗi đơn vị cấp xã được bố trí 17, 16, 15 chức danh tương ứng với đơn vị cấp xã loại 1, loại 2, loại 3; trong đó UBND tỉnh quy định 09 chức danh, số lượng chức danh còn lại do UBND cấp huyện xem xét quyết định căn cứ vào đề nghị của UBND cấp xã để bố trí vào các chức danh: Đảng, Đoàn thể, Kinh tế, Văn hoá - Xã hội, Tài chính, Hành chính - Tư pháp, Địa chính - Xây dựng, nhưng không vượt quá số lượng quy định cho một đơn vị cấp xã Vì vậy các chức danh như: Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã; trưởng Ban Tuyên giáo, trưởng khối dân vận, Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra cấp xã có thể bô trí vào chức danh Đảng, Đoàn thể; trưởng, phó ban thanh tra nhân dân có thể bố trí vào chức danh Hành chính - Tư pháp (Sở Nội vụ đã có Hướng dẫn số 490/HD-SNV-STC ngày 09-4-2011 về thực hiện Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND).

 

Đối với xóm, tổ dân phố: Chính phủ quy định tối đa 03 chức danh, vì vậy tỉnh đã quy định đúng 03 chức danh người hoạt động không chuyên trách hưởng phụ cấp đó là: Bí thư, trưởng thôn, xóm, tổ dân phố và công an viên (nơi xã, thị trấn không bố trí công an chính quy).

 

+ Về phụ cấp: Chính phủ quy định khung tối đa không vượt quá hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung. Sau khi cân đối ngân sách, UBND tỉnh đã báo cáo HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp hệ số: 1,0 và 0,9 đối với các chức danh không chuyên trách ở cấp xã và các mức 0,9; 0,8 và 0,7 đối với các chức danh không chuyên trách ở xóm, tổ dân phố tương ứng với các xóm, tổ dân phố loại 1, 2, 3.

 

Ngoài các chức danh người hoạt động không chuyên trách được hưởng phụ cấp theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, HĐND tỉnh đã Quyết nghị về việc hỗ trợ kinh phí đối với trưởng ban công tác Mặt trận; trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng tác viên Dân số - Gia đình - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở xóm, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh tại Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND ngày 20-7-2010, trong đó: Trưởng ban công tác Mặt trận: 100.000đ/người/tháng; trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội và cộng tác viên Dân số - Gia đình - Bảo vệ, chăm sóc trẻ em: 70.000đ/người/tháng.

 

Việc quy định số lượng chức danh và mức phụ cấp đối với nhĩmg người hoạt động không chuyên trách theo quy định của Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ dự thảo nhiều phương án, tổ chức lấy ý kiến đại biểu của một số đơn vị cấp xã cấp huyện và một số ngành ở tỉnh trước khi trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét quyết định. Ngoài quy định của Chính phủ, nếu tỉnh cân đối được ngân sách thì có thể thực hiện hỗ trợ kinh phí cho các chức danh khác ngoài các chức danh đã quy định tại Nghị quyết số 14/2010/NQ-HĐND.

 

- Về việc tham gia BHXH và BHYT đối với các chức danh phó các đoàn thể, Phó ban Lâm nghiệp, công an viên xã, thị trấn.

 

Tại Khoản 3, Điều 9, Thông tư liên tịch số 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTB&XH ngày 27-5-21010 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định: Nhĩmg người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, xóm, tổ dân phố kẻng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo quy định trên thì phó các đoàn thể cấp xã thuộc đối tượng những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, ăn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, khi tỉnh cân đối được ngân sách thì có thể hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng theo hình thức tham gia bảo hiểm tự nguyện.

 

1.2. Cử tri thị trấn Bãi Bông và xóm Thành Lập, xã Hồng Tiến (Phổ Yên) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với địa phương để triệt phá các tụ điểm mua bán ma túy trái phép trên địa bàn; đề nghị có biện pháp quản lý các đối tượng đã cai nghiện nhưng vẫn tái nghiện…

 

Trả lời:

 

Trong 6 tháng đầu năm 2012, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh nói chung, địa bàn huyện Phổ Yên nói riêng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Tại địa bàn xã Hồng Tiến có 2 điểm đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy (trong đó có 1 điểm tại xóm Thành Lập).

 

Số đối tượng nghiện ma túy rà soát trên địa bàn huyện Phổ Yên tính đến tháng 5-2012 có 758 người (tăng so với tháng 4-2012 là 417 người), trong đó số sử dụng hêrôin là 308 người; số sử dụng methadone là 250 người. Số người nghiện tại thị trấn Bãi Bông là 37 người (tăng 3 người so với 6 tháng đầu năm 2011); tại xã Hồng Tiến là 61 người (tăng 17 người), trong đó xóm Thành Lập có 7 người (tăng 2 người).

 

Trong 6 tháng đầu năm 2012, cùng với sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, qua đó nâng cao nhận thức của người dân địa phương trong công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, Công an tỉnh đã điều tra khám phá 3 chuyên án, bắt 19 vụ, 19 đối tượng phạm tội về ma tuý trên địa bàn huyện Phổ Yên; tang vật thu giữ: 126,71g hêrôin, 13.630.000 đồng tiền mặt, 6 điện thoại di động, 1 xe đạp, 2 xe máy. Riêng địa bàn xã Hồng Tiến bắt 3 vụ, 3 đối tượng (trong đó bắt 1 vụ, 1 đối tượng tại xóm Thành Lập), thu giữ: 4,77g hêrôin, 1 triệu đồng tiền mặt, 1 điện thoại di động, 1 xe máy; không phát hiện, bắt giữ vụ ma túy nào tại địa bàn thị trấn Bãi Bông.

 

Qua rà soát, tính đến ngày 29-5-2012 chưa phát hiện có tụ điểm ma tuý phức tạp nào trên địa bàn thị trấn Bãi Bông và xóm Thành Lập, xã Hồng Tiến.

 

* Công tác cai nghiện phục hồi và quản lý sau cai:

 

Công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma tuý sau cai nghiện được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện:

 

- Tổ chức cai nghiện ma tuý cho 705 người (đạt 35,25% kế hoạch). Trong đó: Cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội (GDLĐXH) của tỉnh và các huyện, thành phố là: 145 người (Trung tâm tỉnh 41 người, Trung tâm các huyện, thành phố là 104 người); cai nghiện tự nguyện tại các trung tâm của tỉnh, huyện và tại gia đình, cộng đồng: 508 người.

 

Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án điều trị thay thế nghiện các chất dạng ma túy bằng methadone tại 5 cơ sở điều trị thay thế gồm: Đồng Hỷ, Đại Từ, Phổ Yên và phường Trung Thành, phường Túc Duyên (thành phố Thái Nguyên) với 976 bệnh nhân tham gia.

 

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, vận động, Hội phụ nữ các cấp đã quan tâm làm tốt công tác thăm hỏi, cảm hóa người lầm lỗi và giúp đỡ các đối tượng nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng. Cụ thể là phối hợp cùng các ban, ngành chức năng vận động 445 đối tượng nghiện ma túy đi cai nghiện tại các trung tâm chữa bệnh - GDLĐXH của tỉnh; hỗ trợ vay vốn cho 46 đối tượng hoàn lương với số tiền là 251 triệu đồng để phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống.

 

Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm UBND huyện Phổ Yên đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác rà soát, thống kê, lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy hiện có mặt tại địa bàn vào diện quản lý, giáo dục và cai nghiện với nhiều hình thức, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đã tổ chức cai nghiện tại trung tâm chữa bệnh, GDLĐXH: trong 6 tháng đầu năm 2012, lập 53 hồ sơ, đưa 30 người nghiện đi chữa bệnh bắt buộc (6 đối tượng cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh, GDLĐXH của tỉnh, 24 đối tượng cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh, GDLĐXH của huyện). Phối hợp tham gia quản lý, giáo dục tốt 73 lượt người cai nghiện tại Trung tâm chữa bệnh, GDLĐXH của huyện.

 

(Còn nữa)