Tín hiệu xanh
Hoàng Văn Lý có tiếng sát thú ở bản Mông Lũng Luông (Thượng Nung). Bao nhiêu con thú rừng bị Lý hạ sát - Lý không nhớ. Lý chỉ thấy thích khi bắt được con thú kêu khóc vì bị mắc cạm. Vậy mà Lý đột nhiên từ bỏ sở thích săn thú của mình. Đầu tháng 4-2012, Lý đã tự nguyện mang nộp cho Hạt Kiểm lâm Rừng Đặc dụng Thần Sa - Phượng Hoàng gần 30 chiếc cạm kiềng.
Chuyện Lý từ bỏ sở thích săn bắn khiến bà con người Mông trên bản Lũng Luông, Lũng Hoài và Lũng Cà nhớ lại hồi cuối năm 2011, Hoàng Văn Chi đã tự vác con hươu xạ còn sống đến nộp cho cán bộ kiểm lâm. Có người trong bản bảo cả Lý, cả Chi đều dại. Nhưng ông Lý Văn Múa, người cao tuổi ở bản Lũng Luông bảo: Thế là chúng nó đã nghĩ được lâu dài. Còn Trưởng bản Lý Văn Sinh nói: Việc săn bắn, đánh bẫy thú rừng là vi phạm pháp luật. Làm trưởng bản, tôi khuyên bà con không phá rừng, không săn bắn muông thú như ngày trước. Tôi vận động họ xuống núi gặp cán bộ kiểm lâm.
Lý Văn Sinh mới được dân bản tín nhiệm làm Trưởng bản từ cuối năm 2011 đến nay. Mới 22 tuổi, nhưng Sinh chín chắn, hiểu biết và luôn làm việc theo chủ trương chung của Nhà nước. Việc Sinh và nhiều bà con trên bản Mông thay đổi được tập quán canh tác, đốt phá rừng, săn bắn chim thú, tự giác tham gia chấp hành lâm luật phải kể tới vai trò của đội ngũ cán bộ, kiểm lâm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên.
Anh Nguyễn Quang Lịch, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng cho biết: Nếu chỉ làm công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành lâm luật, không vi phạm vào tài nguyên rừng, như thế sẽ trở nên sáo rỗng, bởi cuộc sống của họ đang hết sức khó khăn. Hơn thế nữa, một số đồng bào quen với nếp sống du cư, du canh, trông vào rừng để sống. Vì thế, ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, cán bộ trong đơn vị còn tích cực giúp đỡ đồng bào ổn định cuộc sống, như hướng dẫn cách thiết kế đất canh tác khoa học, kinh nghiệm sản xuất hiệu quả và vận động đồng bào cho con em đến trường học chữ.
Lại một việc khó đặt ra, nhiều trẻ em đến trường không có sách, vở, bút, mực, cán bộ trong đơn vị lại bảo nhau quyên góp, giúp đỡ những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Anh Nguyễn Duy Tùng, Trạm Trưởng Trạm Kiểm lâm Kim Sơn (Thần Sa), kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên Ban Quản lý cho biết: Trong năm học 2011-2012, Đoàn Thanh niên đã góp được hơn 1 triệu đồng mua sách, bút tặng cho trẻ em nghèo trường tiểu học Thượng Nung. Đặc biệt, các đồng chí làm công tác phụ trách đơn vị cũng tích cực tham gia ủng hộ, riêng Hạt phó Vũ Thế Cường ủng hộ thêm 600 nghìn đồng mua sách tặng trẻ em bản người Mông.
Đầu năm 2012, Chi đoàn đơn vị đã phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Thượng Nung xây dựng được 1 vườn thuốc nam, thăm, tặng quà cho em Lương Thị Nhung, học sinh nghèo vượt khó với trị giá quà 600 nghìn đồng. Việc làm đầy nhân văn của những người giữ rừng nơi đây đã tạo được trong ánh mắt của đồng bào niềm thiện cảm. Anh Cường tâm sự: Rừng bạt ngàn, song đâu cũng có thể là cửa rừng, nếu không có sự tham gia vào cuộc của người dân, chắc chắn rừng sẽ bị biến mất.
Ông Hà Chiến Thuật, Bí Thư Đảng uỷ xã Nghinh Tường cho biết: Từ 3 năm gần đây, cán bộ kiểm lâm đã gắn bó hơn với người dân sinh sống liền kề rừng. Họ hướng dẫn cho bà con cách phát triển kinh tế đồi rừng bền vững, như việc năm 2011, cán bộ kiểm lâm vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng cây ba kích, hiện trên thị trường, giá mỗi cân củ ba kích từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng. Tuy chưa được thu hoạch, nhưng hiện cây ba kích phát triển tốt, khả năng sẽ cho người dân chúng tôi sự giàu có.
Còn ông Hoàng Văn Hướng, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã cho biết thêm: Kiểm lâm sâu sát với dân, họ tích cực giúp đỡ người nghèo bằng cách bày cho kỹ thuật trồng ngô giống mới, cách giữ nước trong ruộng để cấy lúa. Có mặt ở đó, bà Ma Thị Hình, xóm Bản Cái góp vui: Cán bộ kiểm lâm về bản hướng dẫn cho đồng bào kỹ thuật trồng ngô trên đất dốc, làm kinh tế đồi rừng, cái gì cũng kiểm lâm cầm tay chỉ việc mình mới làm ra sản phẩm.
Đường tuần tra dưới tán rừng, anh em cán bộ, kiểm lâm kể cho tôi nghe chuyện ông Lý Văn Thường, người dân tộc Mông ở Mỏ Chì (Cúc Đường) đi khai thác gỗ trái phép, bị gỗ đè dập bàn chân. Lúc đó dạo đầu năm 2012. Song khi biết tin này, anh Lịch đã đến động viên, giúp đỡ Thường chữa trị khỏi vết thương. Sau trận “đòn rừng” nhớ đời, Thường trở lên thân thiện với cán bộ trong Ban Quản lý. Thường bảo: Bây giờ tôi không đi chặt cây, săn thú rừng, tôi còn vận động những người thân của mình ở trên núi không xâm hại đến tài nguyên rừng.
Câu chuyện ấy làm tôi cảm nhận hơi nắng nóng tháng 6 dịu lại, từng bước chân của mọi người đặt lên đá núi mạnh mẽ, vững chải hơn để vượt qua các ngọn núi Khau Nao, Lân Xá, Thâm Se, Bản Nhàu. Khi bước dồn, gối mỏi, thấy thấp thoáng bóng nhà dân, ai nấy reo vui như được trở về với ngôi nhà của mình. Nào tắm rửa cho đám trẻ, hướng cho các cháu đọc chữ, cách bảo quản ngô hạt, hỏi thăm con cái của từng nhà và vận động đồng bào thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Cán bộ về, nhà vui như ngày sắp tết. Bà con người Mông trên các lũng núi bảo thế.
Đi dưới tán rừng, chúng tôi gặp từng chú chim nhảy nhót, kêu lích chích vui tai. Tôi cúi xuống dòng khe, bụm tay vốc nước, thấy trong veo nước đầu nguồn, mát lạnh. Lá phổi xanh đầu nguồn đang hồi sinh, để hằng ngày chắt chiu dòng nước mát tắm tưới cho những cánh đồng miền hạ du. Ngồi nghỉ chân bên phiến đá xanh của dòng suối Khau Vàng (Sảng Mộc), phút thảnh thơi, tôi bắt gặp trên khuôn mặt những người làm công tác giữ rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng sự hồn nhiên như cây lá, song toả thơm tựa hương hoa dẻ và nồng nàn thứ hương của loài hoa phách. Trên đường tuần rừng, chúng tôi cùng reo vui, một mùa hoa phách nữa đã về.
Ông Hà Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Nghinh Tường (Võ Nhai): Cán bộ Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên luôn gần gũi với dân, hướng dẫn cho người dân kỹ thuật canh tác trên đất dốc, làm kinh tế đồi rừng, vận động các cặp vợ chồng không sinh con thứ 3, không vi phạm các tệ nạn xã hội. |