Sẵn sàng tham gia triển khai dự án Tabmis

09:04, 25/06/2012

TNĐT: TABMIS là một cấu phần quan trọng nhất trong dự án Dự án cải cách quản lý tài chính (TC) công của Chính phủ. Mục tiêu của dự án này là: xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý Ngân sách (NS) và Kho bạc tích hợp hiệu quả trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN); kết nối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ sử dụng ngân sách, cơ quan tài chính các cấp (Trung ương và địa phương). Hiện nay, Tabmis đang đi vào giai đoạn triển khai, ngày 13/6, Thái Nguyên là một trong 5 tỉnh thành phố được Bộ Tài chính lựa chọn trong kế hoạch triển khai. Để nắm thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc KBNN tỉnh.

Phóng viên: Đề nghị ông khái quát một số đặc trưng của Tabmis.

 

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Kiến trúc TABMIS được thiết kế, xây dựng dựa trên khuôn mẫu quản lý TC và NS đã được kiểm chứng thực tế và dựa trên một số chuẩn mực và thông lệ Thế giới. TABMIS sử dụng giải pháp phần mềm trọn gói Oracle Finnancials đã chuẩn hóa cho mô hình kho bạc công, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Giải pháp này phục vụ được mô hình kế toán tiền mặt sửa đổi hay kế toán dồn tích, đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống phục vụ cho các chính sách đang trong quá trình thay đổi.

 

TABMIS có khả năng giao diện với các phần mềm quản lý tài chính khác như lập NS, quản lý thu thuế, quản lý nợ, thanh toán ngân hàng. TABMIS sẽ được xây dựng và triển khai trong toàn hệ thống KBNN; kết nối với cơ quan tài chính các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện), cung cấp thông tin tới cơ quan kế hoạch và đầu tư, kết nối với các Bộ chuyên ngành, đơn vị sử dụng NS. TABMIS ghi chép, xử lý và quản lý dữ liệu tập trung tại Trung ương, do đó có khả năng cung cấp thông tin, dữ liệu về toàn bộ tình hình thực hiện NS (thông qua KBNN) ở các cấp, các bộ, ngành, các đơn vị sử dụng NS…

 

Về công nghệ, TABMIS là hệ thống quản lý tập trung, các đơn vị tham gia hệ thống sẽ được phân quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu chung tại Trung ương thông qua giao diện web; khi triển khai TABMIS sẽ tác động sâu, rộng đến tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của các đơn vị tham gia hệ thống, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các công việc từ ban hành cơ chế chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thông, sắp xếp tổ chức bộ máy và chuẩn bị nguồn nhân lực...của các cơ quan có liên quan đến NSNN (từ khâu phân bổ đến sử dụng và quyết toán NSNN), trong đó vai trò có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng là hệ thống KBNN, cơ quan Tài chính (Tài chính tại địa phương, cơ quan Thuế...).

 

Phóng viên: Đ/c cho biết Dự án đang được triển khai ở giai đoạn nào, thưa Giám đốc?

 

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Dự án chính thức bắt đầu từ ngày 17-4-2006, gồm nhiều giai đoạn: giai đoạn phân tích - thiết kế và xây dựng - tích hợp - triển khai - các công việc hỗ trợ và bảo trì. Hiện TABMIS đang đi vào giai đoạn triển khai, dự kiến được triển khai ở khoảng 1.500 điểm trên toàn quốc: ở Bộ Tài chính, hệ thống KBNN, cơ quan tài chính các cấp tỉnh, huyện và một số đơn vị dự toán cấp I, II, đơn vị sử dụng ngân sách. Thời gian triển khai từ năm 2009-2012.

 

Đến thời điểm hiện nay, Ban triển khai TABMIS (Bộ Tài chính) đã triển khai tới 51/63 tỉnh thành phố và 37 Bộ ngành ở Trung ương, cùng 3 sở của Hà Nội. Hiện đang tiếp tục triển khai diện rộng theo từng đợt, mỗi đợt gồm một số địa phương. Ngày 13-6-2012, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch triển khai hệ thống TABMIS đợt 13 gồm 5 tỉnh: Cao Bằng; Bắc Kạn; Thái Nguyên; Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo đó, các cơ quan Tài chính và KBNN của 5 tỉnh sẽ phải phối hợp với ban quản lý dự án Cải cách quản lý tài chính công, ban triển khai TABMIS Bộ TC để tiếp nhận thiết bị kỹ thuật và thiết lập phòng đào tạo và nhập liệu tập trung của từng ngành với yêu cầu đáp ứng đầy đủ về kỹ thuật, thiết bị, kết nối mạng internet, mạng cục bộ… nhằm phục vụ cho việc đào tạo người sử dụng cuối (khoảng hơn 120 lượt công chức, chia làm 4 đợt, được bắt đầu từ ngày 25-6-2012) và là nơi nhập liệu tập trung toàn tỉnh của mỗi ngành trong thời gian triển khai TABMIS (kéo dài khoảng 2 đến 3 tuần).

 

KBNN Thái Nguyên đã và đang phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị các điều kiện về vật chất (hạ tầng truyền thông, thiết bị công nghệ, các chương trình ứng dụng...); đào tạo nguồn nhân lực, sắp xếp tổ chức bộ máy; rà soát làm sạch dữ liệu, triển khai cơ chế quản lý tài chính áp dụng trong điều kiện chuyển đổi sang TABMIS, tăng cường thông tin tuyên truyền... sẵn sàng cho triển khai dự án theo lộ trình chung.

 

Thời gian tới toàn thể công chức trong ngành KBNN và Tài chính sẽ phải tập trung cao độ, huy động mọi nguồn lực và con người để triển khai và thực hiện dự án TABMIS, là những đơn vị thực hiện các cấu phần chính của dự án trong khi đó vẫn phải thực hiện nhiệm vụ thường xuyên. Đồng thời, phải triển khai các công việc như: chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dự án; chỉnh lý số liệu, dữ liệu; đào tạo; nhập liệu tập trung; vận hành chương trình TABMIS,…

 

P.V: Ông có thể cho biết các yêu cầu công việc phục vụ cho việc triển khai TABMIS?

 

Ông Nguyễn Mạnh Tiến: Do TABMIS là cấu phần quan trọng trong dự án cải cách tài chính công của Chính phủ, khi đưa vào hoạt động sẽ làm thay đổi có tính chất ”cách mạng” trong quản lý NSNN, nó tác động sâu rộng đến các cơ quan quản lý NSNN và các đối tượng có quan hệ với NSNN; việc triển khai trên diện rộng sẽ rất phức tạp; đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều khâu. Vì vậy, về cơ chế chính sách: phải cải cách cơ chế quản lý tài chính công, đặc biệt là các cơ chế quản lý tài chính - ngân sách. Việc cải cách các chính sách một mặt sẽ làm tăng cường tính minh bạch, nâng cao hiệu quả quản lý và khả năng hội nhập về quản lý tài chính công, mặt khác sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện dự án được thành công và đạt được mục tiêu đề ra.

 

Về công nghệ: Sẽ phải xây dựng hạ tầng truyền thông đáp ứng yêu cầu không chỉ của TABMIS mà còn các ứng dụng khác của Tài chính, Thuế, Hải quan; KBNN sẽ phải nâng cấp các ứng dụng hiện tại để tương thích, giao diện với hệ thống mới. Về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực: Tổ chức bộ máy các đơn vị tham gia TABMIS, đặc biệt là hệ thống KBNN sẽ phải thay đổi cho phù hợp. TABMIS yêu cầu một đội ngũ cán bộ chất lượng cao: có kiến thức quản lý tài chính công tiên tiến; có năng lực quản lý, điều hành NS và hoạt động KBNN theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế; có khả năng sử dụng, vận hành hệ thống thông tin hiện đại; công nghệ quản lý mới đặt ra trách nhiệm của các cá nhân tham gia hệ thống phải được đề cao (từ Thủ trưởng đơn vị đến kế toán trưởng, kế toán viên,...). Mặt khác, hệ thống xử lý tập trung đòi hỏi việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý công việc cũng như các quy trình nghiệp vụ như việc đóng sổ, khóa sổ, khai báo các giá trị của tài khoản,…

 

Tham gia vào TABMIS không chỉ có hệ thống KBNN mà còn có cơ quan Tài chính, các Bộ, ngành chủ quản và hướng tới cả các đơn vị sử dụng NSNN... Do đó để việc triển khai dự án TABMIS một cách suôn sẻ và hiệu quả cần phải có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm cao của các cơ quan khai thác sử dụng chính (cơ quan KBNN, Tài chính...) sự quan tâm ủng hộ, tạo mọi điều kiện giúp đỡ của các cơ quan và các đối tượng có liên quan (đơn vị sử dụng NSNN, cơ quan truyền thông, phương tiện thông tin đại chúng, các đối tượng nộp thuế và các đối tượng khác có quan hệ với NSNN...).

 

Trước mắt, phải làm thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, tư duy trong quản lý tài chính nhà nước của các cấp, các ngành: sẵn sàng chấp nhận đổi mới, cải cách tư duy quản lý, thay đổi thói quen làm việc cũ, tích cực học hỏi và lôi cuốn các đối tượng liên quan cùng tham gia. Tuân thủ chính xác các thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy. Gắn liền với định hướng cải cách về thể chế, chính sách và công nghệ quản lý là cải cách về tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực. Tổ chức đào tạo cán bộ một cách bài bản về các chế độ chính sách mới, kỹ năng thực hành trên máy tính; đào tạo nâng cao kiến thức về an ninh, an toàn dữ liệu, hệ thống mạng và hạ tầng truyền thông..., sẵn sàng tiếp nhận hệ thống mới./.


Thu Lan (thực hiện)